📞

Nóng cuộc đua vũ khí siêu thanh

TIẾN THÀNH 18:30 | 14/04/2022
Không chỉ dừng ở hợp tác chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, thỏa thuận an ninh ba bên gồm Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) nay còn vươn sang cả vũ khí siêu thanh.
Mỹ, Anh và Australia sẽ hợp tác phát triển vũ khí siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh. (Nguồn: National Defense)

Trong tuyên bố mới đây, Nhà Trắng thông báo hợp tác AUKUS có một trọng tâm mới là “vũ khí siêu thanh, chống siêu thanh và khả năng tác chiến điện tử”.

Đây là nỗ lực của Mỹ nhằm giành vị trí đi đầu trong công nghệ vũ khí siêu thanh. Bởi lâu nay, Mỹ mới chú trọng phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn, còn lĩnh vực tên lửa siêu thanh thì bị tụt lại so với Nga.

Trong khi đó, Nga đã có các loại tên lửa bay với tốc độ cao hơn 6.000km/giờ (Mach 5), lại còn cơ động linh hoạt. Chuyên dành cho tầu ngầm có tên lửa Zircon, với không quân là tên lửa Kinjal.

Còn tàu lượn siêu thanh Avangard thì có thể bay với tốc độ 33.000 km/giờ, mang theo đầu đạn hạt nhân và thay đổi hướng bay bất ngờ. Trung Quốc hồi năm 2019 cũng đã “trình làng” tên lửa siêu thanh DF-17 có khả năng vượt qua hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ.

Trong chiến lược mới đang soạn thảo, Mỹ quyết định chuyển từ “cạnh tranh chiến lược” sang “ngăn chặn chiến lược” với Trung Quốc và Nga. Để giành ưu thế áp đảo, dự kiến 4,7 tỷ USD sẽ được Mỹ bỏ ra cho nghiên cứu và phát triển các tổ hợp tên lửa siêu thanh trên bộ, trên không và trên biển, triển khai từ năm 2023 đến 2027.

Không những thế, với việc hợp tác trong AUKUS về tên lửa siêu thanh, Mỹ không chỉ muốn nhanh chóng giành ưu thế trong cuộc đua với Nga và Trung Quốc, mà còn lôi kéo các đồng minh thân cận của mình cùng thực hiện tham vọng này.

Được biết, Pháp, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản đang phát triển các hệ thống tên lửa siêu thanh. Iran, Israel và Hàn Quốc cũng đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ này. Cuộc đua tên lửa siêu thanh đang nóng lên từng ngày.