Tuy nhiên, Lầu Năm góc vẫn khẳng định chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn chưa chấm dứt.
Theo giới quan sát, quyết định nói trên của ông Trump giống như “con dao hai lưỡi” đối với lợi ích của Mỹ, đồng thời sẽ tác động không nhỏ đến cục diện Trung Đông.
Về phía Mỹ, rút khỏi Syria sẽ giúp Mỹ có thêm khoảng 2.000 quân, chủ yếu là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, để triển khai tại các khu vực khác. Việc rút quân cũng giảm nguy cơ Mỹ bị rơi vào những tình huống nguy hiểm hay xung đột bất ngờ với quốc gia khác tại chiến trường Syria.
Mỹ rút khỏi Syria có thể là niềm vui của người này nhưng lại là nỗi buồn của người khác. (Nguồn: AP) |
Bên cạnh đó, bước đi của Washington được cho sẽ góp phần cải thiện quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ - một đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu. Bởi lẽ, khi không còn sự hiện diện của Mỹ, Ankara sẽ “rảnh tay” nhằm “đè bẹp” Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng chính trong Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ hậu thuẫn.
Vì vậy, việc Mỹ rút khỏi Syria và một cuộc tấn công tiềm tàng của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào YPG trong thời gian tới sẽ gây hệ quả xấu đến cuộc chiến chống IS. Mặc dù IS đã mất gần hết lãnh thổ chiếm đóng trước đây, nhưng bóng ma khủng bố này vẫn chưa bị tiêu diệt. Các nguồn tin tình báo cho biết khoảng 15.000 tay súng vẫn ẩn nấp tại Syria. Trong trường hợp YPG mất đi sự hỗ trợ của Mỹ, cộng thêm việc phải đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, IS rất có thể sẽ chớp lấy cơ hội để “hồi sinh”.
Trong tình thế nói trên, mạng Stratfor nhận định, cái mất lớn nhất của Mỹ là uy tín của một đồng minh đáng tin cậy. Washington đã đổ nhiều tiền của và thời gian vào việc xây dựng quan hệ với SDF, đồng thời nhiều lần cam kết không bỏ rơi các đồng minh người Kurd tại Syria. Nếu Mỹ không thực hiện lời hứa đó, các quốc gia Trung Đông cũng như trên thế giới có thể mất niềm tin vào Mỹ và tìm các đối tác thay thế khác.
Đáng chú ý, Mỹ rút khỏi Syria có thể sẽ giúp Nga gia tăng vai trò và vị thế của mình ở Syria, cũng như trao cơ hội vào tay liên minh Hezbollah - Iran. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman tuyên bố việc Mỹ rút quân có thể dẫn đến một “cuộc chiến tổng lực” giữa các lực lượng ủy nhiệm của Israel và Iran, khi Tehran khai mở một tuyến đường qua Iraq và Syria đến Lebanon.
Tóm lại, quyết định rút khỏi chiến trường Syria của Tổng thống Mỹ là niềm vui của người này nhưng lại là nỗi buồn của người khác. Lịch sử cho thấy, các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ nhìn chung thường mang đến sự tàn phá và đổ máu và Syria cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Chiến sự ở Syria đã kéo dài hơn 7 năm, trong khi Mỹ và đồng minh can dự vào quốc gia Trung Đông này cũng đã hơn 4 năm nhưng không gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Vì thế, xét trong bối cảnh chính trị nội bộ Mỹ cũng như cục diện Trung Đông hiện nay, “nước cờ” rút quân của ông Trump có thể là sự thay đổi chiến lược thực sự của Washington trong “ván cờ tàn” Syria, chứ không hẳn là một quyết định vội vàng như người ta vẫn thường chỉ trích ông chủ Nhà Trắng.