📞

Nước Mỹ có còn bình yên

08:09 | 27/04/2013
"Tôi nghĩ không quá khi nói rằng, đối với nhiều người, sự tự mãn vốn chiếm ưu thế trước sự kiện 11/9 đã thực sự quay trở lại" - phát biểu của Lãnh đạo Cộng hòa, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, tại Thượng viện Mỹ một ngày sau vụ đánh bom cuộc đua Marathon quốc tế Boston ngày 15/4/2013.
Khung cảnh hỗn loạn ngay sau vụ đánh bom ở thành phố Boston (Mỹ) ngày 15/4/2013.

Đã 12 năm kể từ vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, người dân Mỹ chưa bao giờ cảm thấy bất an như những ngày này. Khi dư âm vụ xả súng cuối năm ngoái tại Connecticut khiến 28 người thiệt mạng chưa dứt, thì xảy ra vụ đánh bom kinh hoàng tại Boston, rồi vụ nổ nhà máy phân bón tại Waco, Texas. Điều này giải thích tại sao thị trường chứng khoán Mỹ hôm 23/4 bỗng chốc chao đảo và bốc hơi hàng trăm tỷ USD ngay khi các tin tặc bịa ra việc vợ chồng Tổng thống Obama bị thương tại Nhà Trắng.

Nước Mỹ dễ tổn thương?

Vốn được xem là biểu tượng của tự do, nên nước Mỹ luôn được xem là mục tiêu tấn công ưa thích của các phần tử khủng bố cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vụ 11/9 đã làm thức tỉnh sự cảnh giác của người dân và chính quyền Mỹ, khiến họ buộc phải quan tâm và chi nhiều tiền hơn để tự bảo vệ mình. Sau vụ khủng bố này, hàng loạt cơ quan và mạng lưới an ninh mới được lập ra với mục tiêu biến nước Mỹ thành pháo đài bất khả xâm phạm. Ở bên ngoài, chiến lược chống khủng bố và phòng thủ từ xa khiến nước Mỹ phải chi tới gần 1.500 tỷ USD, 7.000 sinh mạng và can dự vào hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan.

Xét về tính "hiệu quả", có thể nói vụ đánh bom Boston được xem là thành công nhất sau vụ 11/9 vì mức độ reo rắc kinh hoàng và tạo ra sự hoang mang, bất an trên diện rộng. Đáng chú ý là vụ đánh bom Boston diễn ra trong bối cảnh sự quan tâm của người dân Mỹ đối với chủ nghĩa khủng bố có xu hướng giảm đi sau khi Bin Laden và hàng loạt thủ lĩnh của Al Qaeda bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Tuy nhiên, niềm vui tận hưởng sự an bình chưa được bao lâu thì nước Mỹ lại rơi vào nỗi bất an mới, điển hình là hàng loạt bức thư có chứa chất độc ricin được gửi tới Tổng thống và một số Thượng nghị sỹ trong tháng 4/2013, rồi vụ nổ tại Waco, nơi tròn 20 năm trước cũng xảy ra vụ tấn công bằng chất nổ khiến 76 người thiệt mạng… Các sự kiện này diễn ra dồn dập, tạo tâm lý bất an và hoang mang của đa phần người Mỹ khi bản thân họ cũng không rõ ngày mai sẽ xảy ra vụ tấn công khủng bố nào, ở đâu và họ có phải là nạn nhân tiếp theo không.

An ninh nội địa của một quốc gia đa sắc tộc

Nước Mỹ vẫn tự hào là một quốc gia đa sắc tộc (melting pot). Chính sự đa sắc tộc đó đem lại cho nước Mỹ nhiều lợi thế, nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề an ninh nghiêm trọng. Chính sách nới lỏng nhập cư của ông Obama thời gian qua có khía cạnh tích cực là giúp nước Mỹ giải quyết bài toán chống suy thoái dân số, trong khi vẫn thu hút được chất xám và lao động tay nghề cao từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở đây lại nảy sinh bài toán về quản lý người nhập cư với thành phần và gốc gác phức tạp mà mật vụ Mỹ dù có trăm tay nghìn mắt cũng không thể kiểm soát hết.

Bên cạnh đó, chính bản thân nền văn hóa "tôn sùng bạo lực" của Mỹ cũng là một trong những tác nhân quan trọng tạo ra hàng loạt sát thủ như anh em nhà Tsarnaev tại bang Massachusetts, Adam Lanza ở bang Connecticut hay xa hơn nữa là Timothy McVeigh ở bang Oklahoma… Luật sở hữu súng lỏng lẻo, việc dễ dàng mua các nguyên liệu làm bom, cộng với "công nghệ" chế tạo dễ dàng được tải về từ internet là những nguy cơ luôn rình rập người dân Mỹ vô tội. Theo số liệu của Hiệp hội Súng quốc gia Mỹ (NRA), năm 2010 tại Mỹ có gần 300 triệu khẩu súng được sở hữu hợp pháp.

Vụ đánh bom ở Boston có thể sẽ có một số tác động sau đến chính sách an ninh nội địa của Mỹ:

Thứ nhất, đề tài chống khủng bố sẽ lại chiếm ưu tiên cao trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của cả Chính quyền lẫn Quốc hội. Ngay sau vụ đánh bom tại Boston khoảng 1 tuần, Quốc hội Mỹ đã tổ chức các cuộc điều trần với sự tham gia của FBI, Cơ quan an ninh nội địa để tìm cách "bịt" các kẽ hở về an ninh và nhập cư nhằm ngăn chặn các vụ đánh bom tương tự.

Thứ hai, Tổng thống Obama sẽ kiên trì hơn nhằm tìm cách thông qua Dự luật kiểm soát lý lịch người mua súng vốn bị Thượng viện bãi bỏ trước đó dưới áp lực của các nhà sản xuất súng đạn đầy quyền lực. Đây hứa hẹn sẽ là một "trận chiến" cam go trong nội bộ nước Mỹ.

Thứ ba, luật nhập cư của Mỹ nhiều khả năng sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt hơn nhằm bảo đảm sẽ không xảy ra những vụ Tsarnaev tương tự.

Nhìn chung, tuy không thể so sánh với sự kiện 11/9 về mức độ thương vong cũng như thiệt hại vật chất, nhưng vụ đánh bom tại Boston đã "giúp" người Mỹ gợi nhớ lại nỗi kinh hoàng về chủ nghĩa khủng bố khi ký ức về sự kiện 11/9 tưởng đã lùi xa. Nhưng nay họ buộc trở lại với thực tại là nước Mỹ có lẽ đã không còn yên bình như nhiều người vẫn tưởng.

Hoàng Tú Linh