Xét cho cùng, lần gần đây nhất, người tiền nhiệm của ông Joe Biden, ông Donald Trump cũng từng nói sẽ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, song kết quả của cam kết này đến nay vẫn khó nói.
Trước đó, cụm từ “trở lại” hay gắn liền loạt phim Kẻ Hủy Diệt, với nhân vật tiêu biểu là người máy T-800 do cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger thủ vai. Cụm từ “Tôi sẽ trở lại” đã trở thành câu nói kinh điển, thường được sử dụng để ẩn ý hay đánh dấu sự quay lại đột ngột của một cá nhân nhằm thay đổi tình thế khó khăn.
Đây có lẽ là thông điệp mà ông Joe Biden, sánh vai Ngoại trưởng Antony Blinken, muốn truyền tải trong bài phát biểu về đối ngoại đầu tiên tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington D.C. ngày 4/2. Song đi thì dễ, mà về thì khó. “Sự trở lại” của Mỹ trên trường quốc tế là tiến trình dài hơi, xuyên suốt của cả bộ máy, mà câu nói của ông Biden có thể là phát súng khai cuộc cần thiết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 4/2, bên cạnh là Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken. (Nguồn: AP) |
Sức ép lớn, cam kết nhiều
Đầu tiên, nó được đưa ra trong bối cảnh chính quyền ông Joe Biden đứng trước áp lực lớn từ trong nước, cụ thể là đảng Cộng hòa, lẫn các đồng minh, đối tác truyền thống, phải có đối sách với hàng loạt sự kiện quốc tế nóng xảy ra thời gian qua.
Đó là vụ Nga bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny, tiến hành trấn áp mạnh tay đối với những người ủng hộ nhân vật này.
Đó là khi Iran thực hiện vụ thử nghiệm tên lửa đẩy, đủ sức đưa vệ tinh lên cao 220km, tiến hành làm giàu Uranium vượt qua mức trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đó cũng là lúc chính biến diễn ra tại Myanmar ngày 1/2, khi quân đội bắt giữ nhiều quan chức cấp cao của chính phủ dân cử, trong đó có Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Aung San Suu Kyi.
Thứ hai, phản ứng của Mỹ dưới thời ông Joe Biden trước các vấn đề này từng bị đánh giá là chưa đủ sức răn đe, khi so sánh với hành động của người tiền nhiệm Donald Trump tại Syria hay Iraq. Bài phát biểu là cách ông Joe Biden thể hiện hướng xử lý những vấn đề này.
Phản ứng của Mỹ dưới thời ông Joe Biden về trước các vấn đề này từng bị đánh giá là chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là so với hành động của người tiền nhiệm Donald Trump tại Syria hay Iraq. Bài phát biểu là cách ông Joe Biden thể hiện hướng xử lý những vấn đề này. |
Cụ thể, Mỹ kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực, trả tự do cho các thủ hiến và quan chức cấp cao, dỡ bỏ các lệnh cấm truyền thông và không sử dụng vũ lực. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược Mới (New START), cũng như hợp tác trong một số lĩnh vực với Nga là cần thiết, song khẳng định rằng sẽ “bảo vệ lợi ích quan trọng của nước Mỹ và người dân Mỹ” bằng bất cứ giá nào, kêu gọi trả tự do cho chính trị gia đối lập Alexei Navalny. Ông cam kết sẽ hỗ trợ và giúp Saudi Arabia tiếp tục bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và người dân trước “các lực lượng do Iran tài trợ ở nhiều quốc gia”.
Ngoại giao là trung tâm
Thứ ba, khẳng định “ngoại giao là trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ”, ông Joe Biden muốn kẻ rõ ranh giới với người tiền nhiệm Donald Trump. Theo ông, củng cố quan hệ với đồng minh truyền thống và đối tác, tận dụng triệt để ngoại giao đa phương, thể hiện cam kết quốc tế của Mỹ trong các thách thức an ninh phi truyền thống, dù là di cư, chống biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng nhân đạo tại các khu vực chiến sự, mới là thứ có thể thực sự đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, không chỉ với người dân Mỹ, mà với cả cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản ông Biden ứng xử như người tiền nhiệm, thể hiện sự quyết liệt khi cần thiết đối với Nga hay Trung Quốc, mạnh tay chấm dứt hỗ trợ của Mỹ đối với chiến dịch quân sự của Saudi Arabia tại Yemen. Nếu ngoại giao là trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ, thì lợi ích Mỹ là trung tâm của ngành ngoại giao xứ cờ hoa.
Ông Joe Biden tin rằng họp tác với các đồng minh truyền thống và đối tác là cần thiết nhằm giải quyết những điểm nóng và thách thức toàn cầu - Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Song “nói dễ, làm khó”. Giờ đây, Mỹ đồng thời vừa phải thể hiện vai trò dẫn dắt, nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Nga tại châu Âu và Trung Đông, song vẫn cần duy trì hợp tác với Moscow trong một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tương tự là câu chuyện Iran: Ông Joe Biden đã có động thái “dọn đường”, phản ứng nhẹ nhàng hiếm thấy khi Iran thử nghiệm phóng tên lửa đẩy vệ tinh và thúc đẩy tiến trình làm giàu Uranium, song đồng minh của Mỹ là Israel và khối Arab Hồi giáo rõ ràng muốn có hành động cứng rắn hơn.
Cuối cùng là bài toán Myanmar: Đồng minh truyền thống, đối tác khu vực của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ có lợi ích chiến lược tại đây. Trừng phạt mạnh tay của Mỹ có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Myanmar, tác động tiêu cực tới lợi ích đồng minh, đối tác khu vực của Mỹ. Ngược lại, thỏa hiệp sẽ khiến Washington đi ngược lại cam kết thúc đẩy giá trị dân chủ toàn cầu, gây tổn hại uy tín của ông Joe Biden nói riêng và vị thế Mỹ nói chung.
Trong loạt phim “Kẻ Hủy diệt”, người máy T-800 thường cứu vãn tình hình bằng cơ bắp cuồn cuộn, hàng loạt vũ khí tân tiến từ tương lai và nhiều pha hành động mãn nhãn mỗi lần trở lại. Liệu nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden, với chính sách đối ngoại lấy ngoại giao và quan hệ với đối tác, đồng minh làm trung tâm, có thể cứu vãn thế giới khi “trở lại”? Đáp án còn ở phía trước.