📞

“Nước Mỹ không thể có hòa bình miễn phí”

20:03 | 27/05/2017
Đó là nhận định của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trong một bài viết đăng tải trên New York Times mới đây. Báo TG&VN xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Nỗ lực của Mỹ trong việc trở thành một quốc gia vĩ đại có nghĩa là cam kết xây dựng một thế giới tốt hơn, an toàn hơn không chỉ cho chính nước Mỹ mà còn cho con cháu trong tương lai. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ phải dẫn đầu thế giới trong việc thúc đẩy hòa bình, đối phó với bệnh tật và thảm hoạ, xóa bỏ cảnh hàng triệu người nghèo đói và truyền cảm hứng cho những người mong muốn tự do.

Tuy nhiên, tôn chỉ này đang bị đe dọa. Theo đề xuất của Chính phủ Mỹ được công bố mới đây, Mỹ sẽ cắt giảm khoảng 30% ngân sách dành cho các hoạt động ngoại giao và viện trợ nước ngoài, tương ứng với 1% GDP của Mỹ. Sự rút lui này có thể để lại một khoảng trống khiến Mỹ không còn an toàn và thịnh vượng. Nói cách khác, đề xuất cắt giảm này là sự "tham bát bỏ mâm".

Vai trò của ngoại giao

Về bề nổi, đề xuất này sẽ mang lại nguồn lực cho Mỹ, với 1/3 số tiền mà chúng ta đã chi tiêu trong suốt những năm theo tôn chỉ “hòa bình thông qua sức mạnh” của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện sự vô trách nhiệm quốc tế, gây bất an cho bạn bè, khuyến khích kẻ thù và phá hoại lợi ích riêng về kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.

Ý tưởng đưa người Mỹ trở thành “người đầu tiên” đòi hỏi sự rút lui khỏi thế giới là sai lầm và sẽ chỉ mang lại những điều mà chúng ta không hề mong muốn. Tôi đã học được bài học đó một cách không hề dễ dàng khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, vào thời điểm ngân sách cho các công cụ đối ngoại bị cắt giảm liên tiếp trong vòng 1 thập kỉ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell. (Nguồn: AP)

Nhiều người cho rằng kết thúc Chiến tranh Lạnh là thời điểm hoàn hảo cho Mỹ rút lui khỏi thế giới, nhưng sự cắt giảm trong có vẻ hợp lý vào thời điểm đó đã quay trở lại ám ảnh nước Mỹ khi căng thẳng tăng lên ở Trung Đông, châu Phi, bán đảo Triều Tiên và nhiều nơi khác. Đối phó với những thách thức như vậy đòi hỏi không chỉ một đội quân hùng mạnh không ai sánh kịp, mà còn cần những nhà ngoại giao và nhân viên hỗ trợ có nguồn lực vững chắc, hiệu quả và có tiếng nói.

Thật vậy, nước Mỹ mạnh mẽ nhất khi hình tượng của Mỹ không chỉ là một người lính cầm súng, mà còn là một nhà ngoại giao đàm phán hoà bình, một tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) đưa nước sạch vào một ngôi làng hoặc một nhân viên cứu trợ bước ra khỏi một chiếc máy bay tại vùng lũ lụt dâng cao. Trong khi tôi xem xét, cải cách và thúc đẩy Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), thì đề xuất cắt giảm ngân sách gần như đã xóa sạch sự hỗ trợ về kinh tế và phát triển của Mỹ ở hơn 35 nước.

Hại người, hại mình

Ngày nay, thế giới đang chứng kiến ​​một số cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử với hơn 65 triệu người di tản, số người chạy trốn chiến tranh và mất ổn định lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Những cuộc nội chiến kéo dài ở Nam Sudan, Yemen, Nigeria và Somalia đã khiến hơn 20 triệu người đối mặt với nạn đói, trong khi nhiều khu vực bất ổn đang bị đe doạ bởi các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al Qaeda, Boko Haram hay Al-Shabaab.

Vậy Mỹ có thật sự muốn cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và USAID tại thời điểm nguy hiểm như thế này? Câu trả lời luôn luôn là không. Đề xuất cắt giảm ngân sách này còn buộc nước Mỹ phải tự vấn lại vai trò của mình và vị thế của mình trên thế giới. Để trấn an dư luận, Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney đã mô tả sự cắt giảm này “không phản ánh chính sách của Tổng thống về quan điểm đối với Nhà nước”. Tuy nhiên, làm sao có thể cắt giảm 32% ngân sách cho chương trình dân sự của chúng ta ở nước ngoài, ngoại trừ thông qua một chính sách rõ ràng?

Việc bị cắt giảm 1/3 ngân sách sẽ khiến Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID hoạt động khó khăn hơn. (Nguồn: USAID)

Đa số nhân vật ở Quốc hội Mỹ đã thừa nhận hiệu quả do đề xuất cắt giảm ngân sách này mang lại, nhưng họ cũng hiểu rằng nó sẽ tiếp tục xuất hiện trong các cuộc tranh luận về ngân sách sắp tới. Đó là một câu chuyện sai lầm. Ngân sách ngoại giao và phát triển của Mỹ không đơn giản chỉ là giảm thiểu chi tiêu và tăng cường hiệu quả. Người Mỹ cần bàn luận một cách thẳng thắn về những phẩm chất đã khiến nước Mỹ trở thành "một thành phố chói lọi trên đỉnh đồi" (một quốc gia mẫu mực, thiêng liêng và đạo đức trên toàn thế giới). Tuy nhiên, trước hết họ cần hiểu rằng sự vĩ đại này đi cùng với một cái giá không hề rẻ.

Ngoại giao và viện trợ không đơn giản bị cắt giảm bởi đề xuất của chính quyền. Bởi nó sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả, gây tổn hại cho hàng ngàn công nhân Mỹ và thực sự làm tăng thâm hụt ngân sách. Bất kỳ sự cắt giảm nào đối với đầu tư phát triển kinh tế của Mỹ ở châu Phi và các nơi khác sẽ làm suy yếu khả năng xây dựng cơ sở khách hàng mới của Mỹ tại các thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

Khoản đầu tư đáng thực hiện

Với 95% người tiêu dùng nước ngoài, Mỹ không nên là quốc gia từ bỏ viện trợ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng ảnh hưởng, xây dựng đường cao tốc và đường sắt trên khắp châu Phi và châu Á. Đối lập với Mỹ, Trung Quốc đang tăng cường nguồn lực phát triển bên ngoài nhiều hơn nữa, với mức viện trợ tăng hơn 780% cho châu Phi kể từ năm 2003.

Kể từ khi công bố đề xuất ngân sách ban đầu vào tháng 3, chính quyền Mỹ đã bắt đầu thể hiện một cách tiếp cận chính sách đối ngoại chiến lược hơn. Điều này đáng được hoan nghênh, nhưng một cuộc không kích tại Syria, tỏ ra căng thẳng với Nga, gây áp lực lên Triều Tiên hay cam kết sâu sắc hơn với Trung Quốc là không đủ để định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ. Nước Mỹ cần tiêu tốn những nguồn lực nhất định để thực hiện những chính sách của mình.

Nước Mỹ cần những hoạt động ngoại giao, chứ không phải là những chiến dịch oanh kích, để khẳng định vị thế của mình. (Nguồn: AP)

Nước Mỹ rất tuyệt vời khi là một quốc gia mà thế giới ngưỡng mộ, một ngọn hải đăng của hy vọng với những con người có nguyên tắc, hào phóng, công bằng và chu đáo. Đó là con đường của Mỹ. Nếu Mỹ vẫn muốn là chính mình, xứ cờ hoa cần tiếp tục dành 1% ngân sách liên bang của mình cho chiến dịch nhỏ nhưng đầy tính chiến lược này.

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã học được rất nhiều về chiến tranh trên chiến trường, nhưng tôi thậm chí còn học được nhiều hơn về tầm quan trọng của việc tìm kiếm hòa bình. Đó là những gì Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID đang làm: ngăn ngừa những cuộc chiến mà chúng ta có thể tránh được, để chúng ta chiến đấu với những gì chúng ta đáng chiến đấu. Vì những người lính đang chiến đấu, vì những người dân đang sống trong hòa bình, đây là một khoản đầu tư mà nước Mỹ phải thực hiện.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của ông Colin Pow​ell.

(theo New York Times)