Đến cuối giờ chiều ngày 13/12, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã chọn được 19 vị trí trong nội các mới của mình. Trong đó, 15 đề cử Bộ trưởng hoặc tương đương như Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc… phải được sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ. Bốn vị trí bao gồm Chánh Văn phòng Nhà Trắng của ông Reince Priebus, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn, Chiến lược gia trưởng Stephen Bannon và Cố vấn Nhà trắng Donald McGann II không cần phải thông qua Thượng viện. Hiện còn 6 chức vụ nội các như Đại diện thương mại Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp… chưa tìm được người phù hợp. Dự kiến nội các mới chính thức ra mắt công chúng vào ngày 20/1/2017 và đây là nội các rất đặc biệt của Mỹ.
“Doanh nghiệp hóa” chính quyền
Mặc dù, ông Trump chưa chọn được nội các hoàn chỉnh nhưng danh sách sơ bộ cho thấy 4 đặc điểm quan trọng.
Nguồn: CNN |
Đầu tiên, có thể thấy rất nhiều tỷ phú, triệu phú được lựa chọn tham gia nội các mới như đề cử Bộ trưởng Giáo dục, bà Betsy DeVos là chủ tập đoàn mỹ phẩm Amway; đề cử Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin là triệu phú, đối tác của tập đoàn Goldman Sachs; đề cử Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng là một tỷ phú chuyên về lĩnh vực mua bán doanh nghiệp… Tổng tài sản ước tính của các nhân vật trong nội các mới của Mỹ trị giá khoảng 35 tỷ USD.
Bên cạnh đó, phần lớn các nhân vật được chọn đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh hoặc điều hành doanh nghiệp như Amway, Goldman Sachs, Exxon Mobil… Lý do nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Mỹ được lựa chọn vào nội các là vì ông Trump tin rằng, một khi họ đã biết kiếm tiền, biết điều hành doanh nghiệp thì giờ đây họ cũng có thể điều hành chính phủ. Những năm qua, nước Mỹ bị ảnh hưởng rất mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế 2008-2009. Trong quá trình tranh cử, ông Trump cam kết “đưa nước Mỹ ra khỏi vũng lầy kinh tế”. Do vậy, ông hy vọng các lãnh đạo doanh nghiệp có thể giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử. Danh sách đề cử sơ bộ cho thấy xu hướng “doanh nghiệp hóa” chính quyền Mỹ đang ngày càng rõ nét.
Trong nội các mới của Trump, dự báo ảnh hưởng của giới tướng lĩnh và quân đội Mỹ, nhất là trong lĩnh vực an ninh, quân sự và đối ngoại sẽ gia tăng. Nhiều nhân vật được lựa chọn đề cử đều từng là các tư lệnh chiến trường hoặc từng làm trong lĩnh vực tình báo quân đội, ví dụ như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - nguyên là tư lệnh trên chiến trường Iraq, Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly - từng là tư lệnh trên chiến trường Afghanistan, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Giám đốc CIA Mike Pompeo đều từng có thời gian làm công tác tình báo…
Rất ít chính trị gia được lựa chọn vào nội các của Trump vì hiện nay ở Mỹ đang có tình trạng người dân không tin vào giới chính trị gia. Sở dĩ ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua có một lý do quan trọng là đa phần người dân Mỹ, đặc biệt là những người da trắng bất mãn với các chính sách của ông Obama, muốn thay đổi. Họ không muốn một chính khách lão luyện như bà Hillary Clinton lên cầm quyền. Họ chọn ông Trump với tư cách là người “ngoại đạo” về chính trị để tìm kiếm sự thay đổi. Vì vậy, một trong những lý do ông Trump không lựa chọn các chính trị gia chuyên nghiệp là để đáp ứng kỳ vọng của cử tri.
Ẩn số Ngoại trưởng mới
Trong số các vị trí trong nội các, đề cử Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã chính thức được công bố với một gương mặt rất mới là ông Rex Tillerson, Giám đốc điều hành, Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil. Trên tài khoản Twitter, ông Donald Trump gọi ông Rex Tillerson là một “người chơi, một tay mặc cả đẳng cấp thế giới”.
Ông Tillerson chưa từng có kinh nghiệm tham gia chính quyền, và cũng không có kinh nghiệm về ngoại giao. Việc lựa chọn ông Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã gặp phải phản ứng không thuận của nhiều nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ như John McCain, Marco Rubio… Họ lo ngại ông Tillerson có quan hệ quá gần gũi và thân thiết với nước Nga và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin.
Ông Tillerson có một số điểm rất gần gũi với ông Trump. Tương tự như ông Trump, Tillerson là người đã từng đi đàm phán, mặc cả rất nhiều dự án dầu lửa ở nhiều nơi trên thế giới. Ông Tillerson muốn cải thiện quan hệ với Nga và không ủng hộ lệnh cấm vận kinh tế đối với nước Nga, vì lệnh này đã làm tập đoàn Exxon Mobil thiệt hại hàng tỷ USD. Ông Tillerson ủng hộ việc đánh thuế đối với vấn đề phát thải khí carbon, nhưng cũng đồng thời ủng hộ việc tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch tương tự như ông Trump.
Tuy nhiên, ông Tillerson khác biệt với ông Trump ở chỗ ông ủng hộ các hiệp định thương mại tự do. Điều này cũng dễ hiểu vì tập đoàn Exxon Mobil có dự án ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ông Tillerson từng là Chủ tịch Hiệp hội hướng đạo sinh Mỹ giai đoạn 2010 - 2012 và ông đã thuyết phục được Hiệp hội cho phép người đồng tính nam tham gia Hiệp hội.
Nếu được phê chuẩn, từ đầu năm tới, ông Tillerson sẽ phải gánh vác những trọng trách rất lớn, rất khác so với công việc mà ông làm trong hơn 40 năm qua. Dù được đề cử chính thức, nhưng vị trí Ngoại trưởng mới của Mỹ vẫn còn là một ẩn số rất lớn đối với phần còn lại của thế giới.
Chính sách đối ngoại khó đoán
Trong vòng 40 năm qua, ông Donald Trump chủ yếu làm kinh doanh và tham gia lĩnh vực truyền hình thực tế. Do vậy, việc lựa chọn người cho nội các của mình đã phản ánh khá rõ kinh nghiệm, lịch sử và tư duy của ông. Điều này chắc chắn sẽ tác động mạnh tới phong cách điều hành Chính phủ Mỹ, và cách làm chính sách của Mỹ thời gian tới sẽ rất khác so với phong cách của ông Obama và đảng Dân chủ hiện nay. Ông Trump thích trả lời phỏng vấn truyền hình, thường là phỏng vấn trực tiếp và không có chuẩn bị trước. Ông cũng thường xuyên lên tài khoản Twitter để phát biểu quan điểm chính trị của mình.
Về tính cách, ông Trump là người thích mặc cả và thỏa thuận. Ông Trump đã cùng với Tony Schwartz viết cuốn sách “The Art of Deal” (Nghệ thuật mặc cả) năm 1987. Ngày 11/12 vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Fox News, ông Trump tỏ ý muốn đem chính sách “một Trung Quốc” ra để mặc cả với Bắc Kinh về một số vấn đề như thương mại hay tiền tệ… Cách ông Trump đáp trả bà Clinton cũng cho thấy ông là người phản kháng mạnh mẽ với các thách thức.
Về chính sách, đến thời điểm hiện nay, việc dự đoán chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Donald Trump rất khó bởi nhà tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm trong chính quyền và lĩnh vực đối ngoại. Ông Trump sẽ phải dựa rất nhiều vào bộ máy cố vấn. Dù vậy, có thể thấy 4 điểm quan trọng như sau:
Một là, để làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, ông Trump sẽ tăng chi tiêu quốc phòng và nâng cao vai trò của quân đội, đẩy mạnh triển khai các lực lượng tiền tiêu, đặc biệt là hải quân và không quân ở nhiều nơi, trong đó tập trung chủ yếu vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hai là, trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, nước Mỹ sẽ không thể quay trở lại chủ nghĩa biệt lập hoàn toàn như trước đây. Nhưng nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, có thể rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kêu gọi đầu tư vào Mỹ, kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ ở bên ngoài về nước, đồng thời sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát biên giới, kiểm soát nhập cư… Điều này sẽ tác động mạnh tới nhiều đối tác ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ba là, đối với châu Á – Thái Bình Dương, bên cạnh việc gia tăng sự hiện diện quân sự, một số vấn đề khác đáng chú ý bao gồm việc Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ với các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…, nhưng cách chơi sẽ khác trước. Rất có thể Mỹ sẽ không còn coi trọng ASEAN như trước.
Bốn là, quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ căng thẳng hơn, cọ xát nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, do ông Trump chủ trương tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, tăng cường các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ, cứng rắn hơn trong chính sách tiền tệ đối với Trung Quốc… Tuy nhiên, hai nước có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn về kinh tế và khó có thể đi tới chiến tranh. Không loại trừ hai bên có sự mặc cả hoặc đổi chác về lợi ích.