Nước Pháp ngày nay đã bị chia rẽ sâu sắc, khi người dân không có lý tưởng chung, mất phương hướng và đánh mất niềm tin vào tầng lớp chính trị của mình. Họ dường như đã quá mệt mỏi; một sự pha trộn cảm xúc bao gồm tức giận, thất vọng và sợ hãi đang lan khắp đất nước.
Chú gà trống Gaul dường như không còn cất những tiếng gáy tự hào như nó đã từng trong suốt chiều dài lịch sử nước Pháp. Ở thời khắc quyết định này, người ta tự hỏi rằng liệu sự bùng nổ về cảm xúc của những cử tri Pháp có dẫn tới sự tái sinh của nền dân chủ vốn đã cũ kĩ, hay các lực lượng chính trị đen tối sẽ dễ dàng giành chiến thắng.
Thời khắc khó khăn
Người Pháp có nhiều lý do để lo lắng. Lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, nhà lãnh đạo một đảng theo kiểu xu hướng phát xít có cơ hội điều hành nước Pháp. Trên thực tế, ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen sẽ khó có thể trở thành Tổng thống tiếp theo của Pháp, nhưng khả năng bà giành được vị trí chủ điện Elysee là không thể bác bỏ.
Trong khi đó, vụ bê bối tài chính “Penelopegate” liên quan tới ứng cử viên của đảng "Những người Cộng hòa", ông François Fillon, đã châm ngòi cho sự tức giận của người Pháp. Điều này làm cho những người từng bầu cho ông Fillon cảm thấy bị phản bội. Điều này vô hình trung không chỉ làm xấu hình ảnh một đảng nói riêng, mà còn khiến cho người dân ngày càng chán ghét và mất niềm tin vào giới tinh hoa.
Cựu Thủ tướng Pháp François Fillon. (Nguồn: Assemblée Martinique) |
Không chỉ có vậy, người ta có thể cảm nhận rõ ràng nỗi lo sợ của người Pháp ở 3 khía cạnh: toàn cầu hóa, sự biến mất của bản sắc quốc gia và tiếp tục mất đi ảnh hưởng trên sân khấu châu Âu và thế giới. Đối với một đất nước luôn muốn là nhất, luôn muốn thể hiện mình, chỉ là kẻ về nhì đã là không xứng đáng.
Quan trọng không kém, Pháp đang có quá nhiều xung đột và khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội. Sự đối đầu này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, nhưng tại Pháp, chúng ngày càng mang tính sống còn, vì sự bình đẳng và tính nhất thể của các quyền công dân về cơ bản đã gắn liền với nhận thức về nền cộng hòa Pháp trong lịch sử.
Sau các cuộc tấn công khủng bố gần đây, nỗi lo sâu sắc rằng sự đoàn kết xã hội của Pháp có thể sụp đổ dần xuất hiện. Nhưng trên hết, hàng thập kỷ thất nghiệp đã để lại hậu quả rõ ràng: Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang ở mức 10%, trong nhóm từ 18-24 tuổi là 26%. Theo các cuộc thăm dò, 64% người Pháp tin rằng thanh niên hiện nay có ít cơ hội hơn so với cha mẹ của họ.
Tất cả những điều này là một bữa tiệc dành cho các lực lượng dân túy.
Ứng cử viên Le Pen – thiên thời địa lợi
Ứng cử viên của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Le Pen đã sử dụng những nỗi lo sợ bị dồn nén này để làm lợi cho bản thân. Hiện các quan điểm về bà Le Pen hoàn toàn đối lập nhau: 55% số người Pháp được hỏi cho rằng bà là “người đáng sợ”; tuy nhiên, trong số các chính trị gia mà người dân tin tưởng rằng “thấu hiểu tốt nhất các vấn đề của người dân bình thường”, bà lại đứng ở vị trí hàng đầu. Một Tổng thống thuộc phe cực hữu giờ không còn là một điều cấm kỵ tại Pháp nữa. Đó cũng là một trong những lý do vì sao cuộc bầu cử lần này lại trở nên khó dự đoán như vậy.
Bà Marine Le Pen phát biểu tại Paris ngày 2/3. (Nguồn: Reuters) |
Vào đầu tháng 2, bà Le Pen đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với tỷ lệ ổn định là 25% số phiếu trong vòng đầu tiên. Chỉ mới 48 tuổi, bà Le Pen rất quyết tâm leo lên đỉnh cao quyền lực.
Với các khẩu hiệu và lời hứa theo chủ nghĩa bảo hộ, với nội dung bảo vệ nhà nước phúc lợi trước chính sách kinh tế “tân tự do” hay người nước ngoài, bà muốn tiếp cận các cử tri dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân túy ở cánh tả lẫn cánh hữu. Bà thể hiện bản thân như là tấm khiên bảo vệ chống lại bất cứ lực lượng bên ngoài nào, trước hết là Liên minh châu Âu (EU).
Đương nhiên, nhiều người đang cho rằng bà Le Pen đang mơ mộng, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân không tin vào ảo tưởng của bà. Nếu chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Fillon sụp đổ, bà sẽ hưởng lợi từ việc này. Cả sự chia rẽ và cấp tiến hóa bên phía cánh tả cũng có thể đem lại lợi thế cho bà.
Macron – ánh sáng của Paris
Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều người Pháp ủng hộ dân chủ đã đặt niềm hy vọng của họ vào chính trị gia 39 tuổi Emmanuel Macron. Họ ngày càng coi ông là một bức tường thành để chống lại Le Pen. Vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống của François Hollande, chính trị gia trung dung này đã bày tỏ thái độ phẫn nộ với tình hình nền chính trị Pháp và những khó khăn để cải cách đất nước. Cựu Bộ trưởng Kinh tế trước đây của Hollande, với xu hướng cường điệu gây ấn tượng, đã khởi động một chiến dịch tranh cử tương đối khác thường và phá vỡ công thức cánh tả - hữu truyền thống. Chiến dịch vận động “En Marche!” (“Tiến bước!’) của ông đã có 170.000 thành viên kể từ khi được thành lập cách đây 10 tháng.
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Getty Images) |
Bên cạnh sức trẻ của mình, một điểm đặc trưng của Macron là việc ông sử dụng các kỹ thuật tranh cử khiến người ta nhớ tới chiến dịch tranh cử của Barack Obama năm 2008, trong đó có việc sử dụng dữ liệu lớn (một tập hợp dữ liệu lớn để dự báo, phân tích hành vi người sử dụng), “bản đồ hóa” chính trị các khu vực trong thành phố, việc phái có chủ ý các nhà hoạt động tiếp cận trực tiếp với cử tri tại nhà. Giống như ông Obama, Macron nhìn nhận bản thân đang đóng vai trò người mang lại hy vọng – trong các sự kiện tranh cử của mình, ông liên tục nhắc đến “chiến thắng của niềm hy vọng”.
Ông muốn hòa giải những khác biệt về chính trị, sắc tộc và tôn giáo đang tồn tại trong xã hội Pháp. Ông tiếp cận bộ phận cử tri thành thị, có liên kết với nhau, được giáo dục tốt, “được toàn cầu hóa” và vẽ ra bức tranh một nước Pháp quá mệt mỏi với “hệ thống cũ”, nhưng không cảm thấy sợ hãi. Điều này ngược với bà Marine Le Pen, người tiếp cận những cử tri đã quá chán nản và lo sợ; đáng báo động là số lượng những người như vậy không hề nhỏ.
Tìm lại bản sắc
Trong bối cảnh như vậy, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 không chỉ đơn giản là một cuộc đua vào Điện Élysée, nó còn xoay quanh một định nghĩa mới về bản sắc tập thể và vai trò của một quốc gia trong thế kỷ 21. Trong thời đại của Brexit, chủ nghĩa Trump (Trumpism) và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, cuộc bầu cử là bài kiểm tra cho sự vững chắc của nền dân chủ Pháp, cũng như sự tồn tại của EU.
Có thể một số người Pháp đã cảm thấy quá mệt mỏi và cần một làn gió mới, một nhà lãnh đạo khác biệt hơn những con người họ đã quá quen mặt trong giới tinh hoa. Tuy nhiên, nhiều khả năng nhiều cử tri Pháp sẽ vẫn nghe theo lý trí để bầu cho một ứng cử viên có tính ổn định cao hơn. Dẫu vậy, dù chủ nhân Điện Elysee lần này là ai đi chăng nữa, nhà lãnh đạo này sẽ có rất nhiều điều phải làm, nếu muốn tiếng gà trống Gaul một lần nữa vang vọng khắp châu Âu.