Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Quốc vương Saudi Arabia Abdullah trong một cuộc gặp gỡ tại Thủ đô Riyadh khi ông Sarkozy thăm Saudi Arabia tháng 11 |
Và dĩ nhiên, việc Quốc vương Saudi Arabia hoãn thăm Pháp có thể làm cho những kết quả đạt được từ hai chuyến thăm nước Ả rập này của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy năm ngoái đổ xuống sông xuống bể.
Khúc mắc từ đâu?
Theo lịch trình, trong chuyến thăm dự kiến vào ngày 12/7 vừa qua, Quốc vương Abdullah sẽ khai mạc triển lãm các cổ vật của Saudi Arabia tại Bảo tàng Louvre, tuy nhiên ông đã hủy chuyến đi này. Nhiều ý kiến cho rằng việc website báo Le Figaro của Pháp đăng một bài báo gây nhiều tranh cãi hôm 30/6 chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định đột ngột trên. Bài báo này đã trích dẫn lời phát biểu của ông Abdullah nói với bộ trưởng Quốc phòng Pháp rằng: "cả Iran lẫn Israel đều không có quyền tồn tại." Tuyên bố trên ngay sau đó đã bị hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia phủ nhận, giới ngoại giao Saudi Arabia cũng lên tiếng phản đối kịch liệt, coi bài báo này là một sự rò rỉ thông tin có chủ đích của giới chức Pháp.
Bên cạnh đó, lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng bị trục trặc khi Trợ lý phụ trách quan hệ quân sự của Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia - Hoàng tử Khaled Bin Sultan Bin Abdulaziz cũng hủy bỏ chuyến viếng thăm của ông tới thủ đô nước Pháp.
Nhiều người tin rằng Quốc vương Abdullah kiểm soát các hợp đồng mua bán của quân đội Saudi Arabia. Do đó, các diễn biến trên không hề có lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp khi đang để mất những hợp đồng béo bở từ quân đội Saudi Arabia. Năm ngoái, quân đội nước này đã đàm phán một hợp đồng vũ khí quân sự trị giá 2,1 tỷ USD với Nga trong khi Pháp hoàn toàn có thể đáp ứng được những nhu cầu này. Trong một diễn biến tương tự, Saudi Arabia cũng đang đàm phán với Mỹ về một hợp đồng mua 84 chiếc máy bay Boeing F15 đời mới để thay thế cho thế hệ máy bay cũ của nước này.
Việc bỏ lỡ các hợp đồng mua bán vũ khí quân sự từ Saudi Arabia cũng có nghĩa là Pháp đang đi sai nước cờ trong việc tính toán điều chỉnh lại sự mất cân bằng hiện nay trong quan hệ thương mại với quốc gia lớn nhất vùng Vịnh này. Theo số liệu của Cơ quan quản lý tiền tệ của Saudi Arabia, trong năm 2008, Pháp đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu vào Saudi Arabia với giá trị xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Ngược lại, Saudi Arabia xuất khẩu vào Pháp, chủ yếu là mặt hàng dầu thô, lượng hàng hóa trị giá đến 5 tỷ USD, chiếm 15% tổng lượng xuất khẩu của nước này vào Liên minh châu Âu trong năm 2008.
Tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa của Saudi Arabia từ Pháp đã giảm từ 4,1 % trong năm 2000 xuống còn 3,5% trong năm 2008, cho dù lượng nhập khẩu của nước này đã tăng hơn 300% trong cùng thời kỳ. Những con số này báo trước một triển vọng không mấy khả quan cho Pháp khi nước này đang nỗ lực tham gia các hợp đồng xây dựng tại Saudi Arabia trị giá đến 400 tỷ USD.
Trì hoãn đàm phán đã tác động xấu tới Pháp. Người Saudi Arabia đã mất kiên nhẫn trong các cuộc đàm phán với Pháp về các hợp đồng mua vệ tinh quân sự phục vụ nhu cầu không quân và bảo vệ an ninh quốc gia của nước này. Trong khi đó, trong lĩnh vực quân sự, Saudi Arabia không thiếu đối tác. Một phái đoàn của nước này đã tiến hành một chuyến thăm Ân Độ hồi tháng 7 để đàm phán về hợp tác trong lĩnh vực không gian.
Nuôi hi vọng
Nhưng như thế không có nghĩa là nước Pháp sẽ tay trắng, nhất là trong các lĩnh vực nước này được coi là có thế mạnh. Người khổng lồ trong lĩnh vực chế tạo của Pháp, Alstom, vừa mới ký kết được một hợp đồng trị giá 12,68 tỷ USD trong lĩnh vực đường sắt, cung cấp các con tàu và thiết bị hỗ trợ đường sắt cao tốc nối các thành phố cổ kính của Saudi Arabia với khu vực duyên hải ven bờ Hồng Hải.
Chính phủ Saudi Arabia cũng vừa thông qua một thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Pháp. Tuy nhiên, thỏa thuận này không thể bảo đảm vai trò của Pháp đối với ngành năng lượng hạt nhân của Saudi Arabia trong tương lai. Giới chức quốc phòng Pháp vẫn còn có thể nuôi một số hy vọng khác, nhất là khi Israel dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn cản hợp đồng mua bán máy bay F15 của Saudi Arabia với lý do hợp đồng này sẽ làm mất cân bằng quân sự ở Trung Đông. Nếu điều này xảy ra, rất có thể một phái đoàn của Saudi Arabia sẽ đáp xuống Paris để đàm phán mua máy bay Rafael của Pháp. Tuy nhiên, Pháp nên tránh để xảy ra các sự cố về ngoại giao có thể làm phật lòng lãnh đạo của quốc gia lớn nhất vùng Vịnh này như trường hợp của tờ Le Figaro kể trên.
Quang Châu