Việt Nam đặt mục tiêu đến đầu năm 2022, 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Thực tế, ngay ở các quốc gia đang dẫn đầu về tiêm chủng vaccine Covid-19, tỉ lệ 70% này là vô cùng khó thực hiện. Thời gian tới, khi có nhiều nguồn vaccine về Việt Nam, cùng với sự hiện diện của các vaccine nội địa, chiến lược tiêm chủng theo hướng phục vụ tối đa miễn dịch cộng đông để phục hồi kinh tế, bảo đảm quyền bình đẳng vaccine đang được Việt Nam thực hiện quyết liệt.
Việt Nam đặt mục tiêu đến đầu năm 2022, 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine. |
Để tích lũy của người dân không vô nghĩa
Tính đến sáng ngày 27/7, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm ở Việt Nam là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.
Trong chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 từ nay đến hết năm 2021 và sang đầu năm 2022, Việt Nam đang vấp phải những khó khăn không hề nhỏ, đó là việc không dễ mua được vaccine do nhu cầu toàn cầu quá cao trong khi nguồn cung có giới hạn; trong nước chưa sản xuất thương mại. Các hãng lớn như Pfizer mới chỉ đàm phán với các chính phủ, không chấp nhận nhập lẻ qua các công ty nhỏ.
Trong khi đó, vaccine lại có nhiều loại khác nhau, nhu cầu các nhóm tiêm khác nhau. Vaccine là loại dược phẩm đặc biệt, bảo quản đặc biệt, phân phối đặc biệt và sử dụng cũng đặc biệt. Việc ngay lập tức tổ chức các điểm tiêm không khó nhưng công tác theo dõi, xử trí phản ứng bất lợi sau tiêm và đảm bảo an toàn tiêm chủng phải do đội ngũ được đào tạo bài bản và không thể có ngay lập tức với số lượng lớn.
Điều đáng lo nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng đạt cao, dịch bệnh giảm, sẽ xuất hiện nhiều nhóm bài trừ vaccine và tạo nên ngưỡng bão hòa của nhu cầu vaccine, điều này đã gặp ở hầu hết các quốc gia thể hiện qua việc tỉ lệ tiêm chủng chưa vượt qua nổi ngưỡng 60%.
Thực tế triển khai vaccine tại Việt Nam cho thấy, hiệu quả của vaccine đạt được là rất cao, đặc biệt trong dự phòng các thể nặng và nhập viện lên đến trên 90%. Hiện tại chưa có trường hợp nào tiêm đủ hai mũi vaccine tại Việt Nam mắc bệnh nặng, nhưng không có vaccine nào bảo đảm việc không bị lây nhiễm bệnh.
Đây chính là điểm mà cộng đồng hiện đang tranh cãi nhiều do có quá nhiều quan ngại đối với việc liệu người đã được tiêm đầy đủ, không mắc bệnh lại thành người lành mang trùng đi lây một cách âm thầm cho người khác hay không.
Một số trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam đã cho thấy vấn đề này, nhưng về cơ bản vaccine đã thể hiện được giá trị bảo vệ, phòng cả thể nặng cũng như hạn chế lây nhiễm thứ phát. Đó chính là cơ sở cho việc mở cửa sau này khi cộng đồng đạt độ bao phủ cao với vaccine.
Ngoài ra, hiện có quá nhiều loại vaccine với các hiệu quả bảo vệ khác nhau và đều chỉ mới có thông tin liên quan tới thử nghiệm lâm sàng chứ rất ít minh chứng về khả năng bảo vệ thực tế trong các vụ dịch. Chưa có minh chứng thực tế về tác dụng bảo vệ của vaccine với người Việt Nam nên việc khuyến cáo tiêm vaccine gì hay nhu cầu tiêm vaccine gì tại Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào phong trào và một ít thông tin được phổ biến trên mạng.
Các xu hướng này dù chỉ yếu ớt nhưng sẽ là ẩn số rất lớn cho việc triển khai sau này khi đã xuất hiện nhiều người thuộc đối tượng được tiêm nhưng cố tình trì hoãn hoặc né vaccine hiện tại để chờ loại vaccine khác. Điều này có thể gây khó khăn rất lớn sau này cho các nhà quản lý với tình trạng thừa giả, thiếu thật với từng loại vaccine đặc biệt là khi mở toang cánh cửa cho vaccine dịch vụ.
Mặt khác, dù đang hết sức tích cực trong chống dịch, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế mà để điều này khả thi thì vũ khí vaccine là không thể thiếu, đặc biệt là để bảo vệ các nhóm yếm thế, nhóm lao động, dân nghèo trong khi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội còn hạn chế và Covid-19 có thể cướp đi cuộc sống dù còn khó khăn của họ, biến những giá trị tiết kiệm, tích lũy của họ nhiều năm liên tục thành không còn gì cả.
Yếu tố bảo đảm cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Chính bởi các vấn đề trên, chiến lược vaccine cho Việt Nam phải bảo đảm được các nội dung chủ chốt sau:
Thứ nhất, tăng cường vận động mua vaccine song song với việc phát triển vaccine nội địa. Kinh nghiệm từ công tác kiểm soát và khống chế những bệnh có thể phòng bằng vaccine từ trước đến nay cho thấy, chỉ khi bảo đảm nguồn cung về vaccine một cách ổn định và chủ động về vaccine thì mới có thể khống chế và kiểm soát bệnh một cách triệt để.
Những bước đi nhanh và mạnh trong thời gian qua của các công ty vaccine trong nước đã thể hiện trách nhiệm của họ trong việc sớm có được sản phẩm hiệu quả cao của Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cho người dân trong nước.
Tuy vậy, việc phát triển vaccine cũng như nhập khẩu cũng phải bảo đảm cân bằng và có kế hoạch tránh tình trạng thừa vaccine như một số nước phương Tây đang gặp phải. Khi bão hòa nhu cầu, vaccine lại phải đem đi cho các nước khác vì thời hạn sư dụng của vaccine ngắn.
Giải phóng vaccine nhập khẩu nhanh chóng thông qua việc triển khai tiêm phòng nhanh nhất qua cả kênh công lập và tư nhân với nhiều phương thức triển khai. Hiện nay với hệ thống tiêm chủng mở rộng đang có sẵn cũng như hệ thống tiêm ngoài tiêm chung mở rộng nở rộ trong thời gian qua cùng với sự vào cuộc của khối bệnh viện thì việc triển khai 2-3 triệu liều tiêm mỗi ngày không phải quá khó.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn tiêm chủng cũng như phân luồng đối tượng hiện nay đặt các cơ quan chuyên môn và quản lý vào một bài toán khó. Cần sớm có được các bộ tiêu chí về điểm tiêm an toàn cũng như mạng lưới cấp cứu chuyên môn cao tới tận tuyến huyện cũng là việc cần sớm được kiện toàn.
Thứ hai, ưu tiên tiêm phòng cho các nhóm dân số có nguy cơ nhiễm hoặc lây cao. Đây là những nhóm người mà đặc điểm nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều người và có thể bị lây nhiễm cũng như là nguồn lây nhiễm nguy hiểm. Việc xét nghiệm thường xuyên cho họ không phải giải pháp căn cơ mà phải cho họ miễn dịch đủ mạnh để không nhiễm vi rút và từ đó tạo ra lá chắn cho cộng đồng.
Các khu vực có dịch cũng là nơi cần ưu tiên tiêm phòng, tuy nhiên chiến lược thông minh là tiêm chủng bao vây khu vực đang dịch thay vì tiêm tại nơi đang xác định dịch bùng phát bởi vaccine không có tác dụng điều trị, nếu một người đã nhiễm vi rút thì dù tiêm chủng vẫn không ngăn được bệnh.
Tốt nhất vẫn phải thực hiện công tác chống dịch như trước cho đến khi dịch kết thúc mới nên tổ chức tiêm chủng tại các khu vực này. Như vậy, việc xác định vùng đặc biệt nguy cơ, vùng đệm, vùng an toàn là vô cùng quan trọng trước khi lập kế hoạch tiêm chủng tại vùng dịch.
Ưu tiên tiêm phòng cho các nhóm dễ bị tử vong và diễn biến nặng nếu mắc Covid-19. Do đặc điểm sức khỏe của nhóm bệnh nhân này, việc xuất hiện các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên và tử vong sau tiêm là hoàn toàn có thể.
Đây là lý do nhóm này chưa triển khai trong giai đoạn đầu của chiến dịch. Tuy nhiên khi hệ thống cấp cứu sau tiêm đã hoạt động tốt, thành thục trong công tác an toàn tiêm chủng thì chiến dịch sẽ nhắm tới nhóm đối tượng này bởi đây là đối tượng yếu thế cần bảo vệ trước đại dịch.
Các nhóm lao động thiết yếu, người lao động chính, các nhóm dân số hoặc khu vực có đóng góp kinh tế lớn cũng cần được ưu tiên tiêm phòng nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh trong khu vực nhà máy, hạn chế tối đa sự đứt gãy của các chuỗi sản xuất.
Mặc dù về mặt sức khỏe, nhóm này ít nguy cơ nhất, nhưng nguy cơ mang dịch về cộng đồng mỗi khi nhà máy bị tấn công lại vô cùng lớn bởi mô hình hiện tại của các khu công nghiệp là mối đan xen giữa khu công nghiệp với khu dân cư. Vì vậy, nhà máy sẽ chỉ an toàn khi toàn thể công nhân được tiêm chủng và có sự quản lý đối tượng đến từ các cộng đồng nguy cơ.
Thực tế triển khai vaccine tại Việt Nam cho thấy, hiệu quả của vaccine đạt được là rất cao, đặc biệt trong dự phòng các thể nặng và nhập viện lên đến trên 90%. (Nguồn: VNA) |
Thứ ba, tạo nhu cầu, đẩy mạnh sự tham gia và truyền thông cộng đồng. Thực tế là nhu cầu trong giai đoạn dịch đang bùng phát là rất cao. Hiện tượng tranh giành để được tiêm trước đã xuất hiện ở một số điểm tiêm và là lý do tại nhiều nước công tác tiêm chủng phải có sự bảo vệ bởi lực lượng quân đội và cảnh sát.
Tại Việt Nam, việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tiêm chủng bao gồm các lực lượng vũ trang ngoài việc bảo về đảm phân phối an toàn vaccine thì cũng bảo đảm an toàn trong triển khai chiến dịch. Tuy nhiên, vào nửa sau của chiến dịch khi tỉ lệ tiêm đã cao thì công tác truyền thông cũng hết sức quan trọng để không để lại khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng do vấn đề từ chối vaccine.
Với sự hình thành quỹ vaccine, việc tiêm vaccine miễn phí cho toàn bộ người dân là hoàn toàn có thể thực hiện được và là cơ sở cho sự công bằng và bình đẳng, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh Covid-19. Hiện nay cơ sở dữ liệu về sức khỏe và dân cư hiện chưa được hoàn thiện nên thông tin về đăng ký và phân bổ vaccine chưa được tối ưu.
Điều này cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị đặc biệt là bảo hiểm y tế và công nghệ thông tin. Tuy nhiên việc tồn tại quá nhiều phần mềm cũng như thiếu sự chia sẻ dữ liệu gốc về dân cư cũng sẽ là những tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới.
Với những nỗ lực như hiện tại, chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam sẽ bảo đảm số liều tiêm, bảo đảm tiến độ, tuy nhiên chúng ta cần sự linh hoạt để điều chỉnh các quyết định kịp thời dựa trên bằng chứng. Chẳng hạn, tiêm phối hợp các vaccine thế nào để bảo đảm tiến độ và độ phủ vaccine cao nhất.
Những vướng mắc trong thời gian qua của hệ thống cần chấn chỉnh sớm và cần sự cam kết mạnh mẽ hơn từ phía chính quyền địa phương trong công tác triển khai. Hạn chế những tình huống trì hoãn tiêm chủng chỉ vì thiếu bơm kim tiêm trong khi vaccine đã được chuyển về đầy đủ. Cần có một kế hoạch tiêm chủng tổng thể để mỗi đợt vaccine về chỉ việc tổ chức tiêm chứ không cần làm lại các kế hoạch dựa vào mỗi lần nhận vaccine.
Thứ tư, các chuỗi cung ứng vaccine cũng cần kiện toàn. Hiện tại hệ thống dây chuyền lạnh của tiêm chủng mở rộng cũng đã cũ, số lượng tủ lạnh trên 10 năm tuổi khá nhiều. Nhiều tỉnh vẫn có tâm lý lệ thuộc vào sự cung cấp của chương trình quốc gia dẫn tới sự thiếu chủ động trong hệ thống bảo quản vaccine.
Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tiêm chủng khi số lượng vaccine chuyển về tỉnh còn bao gồm cả vaccine dùng trong tiêm chủng thông thường. Không phải vì tập trung quá mức vào tiêm vaccine Covid-19 mà quên đi hoạt động tiêm chủng thường xuyên để bảo vệ đối tượng trẻ em trước những bệnh lý nguy hiểm của trẻ nhỏ. Chính những bệnh lý nguy hiểm này nếu thiếu đi vaccine phòng bệnh sẽ tạo ra dịch chồng dịch dẫn tới rối loạn hệ thống y tế.
Cuối cùng, để có sự thành công của chiến dịch tiêm chủng, sự đồng thuận và ủng hộ từ toàn thể người dân là điều kiện tiên quyết. Ngoài việc vẫn phải bảo đảm 5K, việc cung cấp thông tin chuẩn xác về tình trạng sức khỏe và đối tượng tiêm chủng giúp cho các cơ quan chức năng tính toán và lập kế hoạch sát nhất cho chiến dịch.
Khi đến lượt đi tiêm, tuân thủ đúng các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch và thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà theo đúng hướng dẫn cũng là những đóng góp cho sự thành công chung của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này.
Thực tế triển khai vaccine tại Việt Nam cho thấy, hiệu quả của vaccine là rất cao, đặc biệt trong dự phòng các thể nặng và nhập viện lên đến trên 90%. Hiện tại chưa có trường hợp nào tiêm đủ hai mũi vaccine tại Việt Nam mắc bệnh nặng, nhưng không có vaccine nào bảo đảm việc không bị lây nhiễm bệnh. Đây chính là điểm mà cộng đồng hiện đang tranh cãi do có quá nhiều lo ngại với việc liệu người đã được tiêm đầy đủ, không mắc bệnh lại thành người lành mang trùng đi lây một cách âm thầm cho người khác hay không. Minh chứng về một số trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam đã thấy vấn đề này, nhưng về cơ bản vaccine đã thể hiện được giá trị bảo vệ, phòng cả thể nặng cũng như hạn chế lây nhiễm thứ phát. Đó chính là cơ sở cho việc mở cửa sau này khi cộng đồng đạt độ bao phủ cao với vaccine. |