Ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á, với điểm dừng chân đầu tiên là Indonesia, theo sau là Malaysia và Thái Lan. Jakarta cũng được Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev lựa chọn thăm cùng thời điểm trước khi tới Campuchia. Vì đâu lại có sự tình cờ này?
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Indonesia Joko Widodo gặp nhau ngày 13/12 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: AP) |
Nỗ lực mở rộng hiện diện
Indonesia là nước đông dân nhất với quy mô nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á. Đồng thời, đây là nước sáng lập và tiếp tục có tầm ảnh hưởng lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức đóng vai trò trung tâm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vì thế, có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên Jakarta được chọn làm điểm dừng chân đầu tiên của hai quan chức cấp cao từ Moscow và Washington.
Với Mỹ, ngay sau hội đàm với đồng cấp G7, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tiếp kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo, “bày tỏ sự ủng hộ với vai trò lãnh đạo của Indonesia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với tư cách là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới và là nước ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, cuộc thảo luận diễn ra “ấm cúng và cởi mở”, Mỹ muốn tăng cường đầu tư vào Indonesia, Jakarta sẵn sàng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác: “Cả Mỹ và Nga đều là đối tác tốt của Indonesia... sẽ luôn củng cố lòng tin chiến lược với tất cả các nước và tất cả các đối tác của Indonesia…
Lòng tin chiến lược là điều rất quan trọng, là nền tảng để xây dựng quan hệ hợp tác cùng có lợi và tôn trọng. Indonesia cam kết mạnh mẽ trong việc góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Phát biểu ngày 14/12, ông Blinken một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gọi đây là khu vực năng động nhất thế giới và Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng mối quan hệ quân sự và kinh tế với đối tác tại đây.
Vì thế, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng tất cả các bên đều có vai trò đảm bảo hiện trạng mà không được gây sức ép hay hăm dọa, một ám chỉ rõ ràng tới Trung Quốc. Washington cam kết sẽ cùng đồng minh và bên tranh chấp ở Biển Đông đẩy lùi bất kỳ hành động trái phép nào. Song ông cũng nhấn mạnh Washington không tìm cách buộc các nước chọn giữa Mỹ và Trung Quốc hay tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh.
Không khó thấy Mỹ đang nỗ lực mở rộng hiện diện, kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực “năng động nhất thế giới” này.
Đích đến thực sự
Cùng lúc đó, ngày 13/12, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev đã tiếp kiến Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo. Hai bên đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương cũng như sự tương tác trong các định dạng đa phương, bao gồm trong nhóm G20 và ASEAN.
Theo thông cáo báo chí của Hội đồng an ninh Nga, ông Patrushev nhấn mạnh cam kết của Nga duy trì cấu trúc an ninh hiện đại ở châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, ông cảm ơn Jakarta đã tiếp cận mang tính xây dựng trong thực hiện các chức năng của điều phối viên đối thoại Nga - ASEAN. Sau Indonesia, ông Patrushev sẽ đến Campuchia và thảo luận vấn đề an ninh với các quan chức nước chủ nhà.
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 13/12. |
Theo giới quan sát Nga, khác với mục tiêu củng cố hiện diện, kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, Campuchia mới chính là trọng tâm thực sự trong chuyến công du Đông Nam Á của Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev.
Sau cấm vận vũ khí mới đây nhất của Washington đối với Phnom Penh, Nga có thể ủng hộ Campuchia chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
Theo giới quan sát Nga, chuyến thăm của ông Patrushev tới nước này cũng có thể là thông điệp ủng hộ về chính trị của Nga với bước đi của Thủ tướng Hun Sen về Myanmar, trong bối cảnh Mỹ không ngừng gây áp lực với Campuchia và nước này sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2022.
Ngoài ra, Nga mong muốn gia tăng ảnh hưởng ở quốc gia này, tìm kiếm hợp đồng mua bán vũ khí mới. Lực lượng vũ trang Campuchia tương đối hạn chế và không có các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tiềm lực quân sự thấp. Nước này có nhu cầu hiện đại hóa quân đội lớn và Nga có thể đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí tiềm năng.
Theo truyền thống, ông Patrushev không chỉ dẫn đầu phái đoàn gồm các quan chức an ninh, mà còn cả các nhân vật phụ trách lĩnh vực quốc phòng và hợp tác kỹ thuật quân sự. Việc bán vũ khí cũng là một trong những thành tố để Moscow thúc đẩy quan hệ ngoại giao, gia tăng ảnh hưởng ở các nước ASEAN.
Cuối cùng, giới quan sát Nga cho rằng không loại trừ khả năng trong chuyến thăm Campuchia, ông Patrushev sẽ tiếp xúc với Đại tướng Hun Manet, ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng Campuchia một khi ông Hun Sen chuyển giao quyền lực. Nếu diễn ra, cuộc gặp này sẽ thể hiện sự ủng hộ của Nga với ông Manet.
Ngoài các cuộc thảo luận về an ninh, không loại trừ ông Patrushev và giới chức Campuchia sẽ trao đổi về ổn định chính trị với trọng tâm là đảm bảo việc chuyển giao chính quyền thuận lợi, ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài.
Chung nhận định, khác mục tiêu là vậy.