Sự hiện diện của Quân đội Mỹ trải dài từ Đông Nam Á tới Vành đai Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Không sai nếu nói rằng người Mỹ chưa bao giờ e ngại với những lời đe dọa từ phía Triều Tiên.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản hiện là quốc gia có lực lượng quân đội Mỹ đồn trú nhiều nhất, với 39.345 người, phân bổ tại 112 căn cứ. Phần nhiều trong số này đóng quân ở hòn đảo cận nhiệt đới Okinawa, cách các đảo chính của Nhật Bản 640km về phía Nam.
Vào tháng Tư vừa qua, lực lượng không quân Mỹ đã cho một loạt máy bay do thám, chuyên cơ chiến đấu, máy bay trinh sát xuất hiện của căn cứ không quân Kaneda ở Nhật Bản nhằm “dằn mặt” Triều Tiên. Mới đây, ngày 8/8, 2 máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer của Không lực Mỹ từ đảo Guam đã tập trận chung cùng 2 máy bay tiêm kích F-2 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản quanh đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản, vào ngày 8/8.
Quan trọng hơn, Nhật Bản là nơi có sự hiện diện của Hạm đội 7, hạm đội lớn nhất được Mỹ triển khai, với 50 - 70 chiến hạm, 140 máy bay chiến đấu và khoảng 20,000 thủy thủ. Nhân tố chủ chốt của lực lượng này, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đã được triển khai vĩnh viễn tại cảng Yokosuka.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ. (Nguồn: Wiki). |
Một lực lượng chủ chốt khác của Hạm đội 7 là 14 tàu khu trục và tuần dương hạm, được trang bị vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa tấn công đường dài Tomahawk và tên lửa phòng không. Cuối cùng, 12 tàu ngầm hạt nhân sẽ là con bài tẩy, sẵn sàng giáng cho Triều Tiên những đòn chí mạng nếu cần thiết.
Về phần mình, Hàn Quốc, quốc gia nằm ngay sát biên giới với Triều Tiên, là nơi đồn trú của 23.468 lính Mỹ cùng hơn 300 xe tăng, trong đó có nhiều xe M1 Abrams và xe bọc thép.
Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) được thành lập nhằm “ngăn chặn sự xâm lăng và bảo vệ Hàn Quốc nếu cần thiết”, 3 năm sau khi chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên kết thúc. Hồi tháng 4, Mỹ đã tiến hành lắp đặt Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để tiêu diệt tên lửa trong quá trình bay.
Trong khi đó, đảo Guam, khu vực từng bị Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công, cũng là nơi có hệ thống phòng thủ vô cùng kiên cố. Là vùng lãnh thổ của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương dưới sự điều hành của một Thống đốc được bầu cử, hòn đảo này có diện tích 544 km2 với dân số 162.000 người (2015), nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 3.429km. Đây cũng là nơi đồn trú của 3.831 quân nhân Mỹ. Căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam cũng là điểm dừng chân của nhiều máy bay ném bom B-52 và máy bay tiêm kích. Điều này góp phần lý giải tại sao nhiều nhà chỉ huy Mỹ lại gọi hòn đảo này là một “hàng không mẫu hạm vĩnh cửu”.
Căn cứ Anderson của không quân Mỹ tại đảo Guam. (Nguồn: Không quân Mỹ) |
Một khu vực lãnh thổ khác của Mỹ ở gần Triều Tiên là đảo Hawaii. Là trụ sở của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, không có gì khó hiểu khi có tới 40.000 lính đồn trú tại đây. Cơ quan đầu não của Quân đội Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương này nắm quyền chỉ huy lực lượng khổng lồ lên tới 375.000 người, 200 tàu và hơn 1.000 máy bay của Mỹ.
Tại những quốc gia khác như Thái Lan, Philippines và Singapore, Mỹ cũng duy trì sự hiện diện của mình, trong đó có 5 căn cứ quân sự được phép hoạt động trên khắp Phillipines. Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai 4 tàu chiến tới Singapore. Máy bay Mỹ cũng được phép sử dụng đường băng trong các căn cứ quân sự của Thái Lan.