📞

Quân đội Nga: Diện mạo mới, vượt xa Mỹ?

Quang Đào 09:30 | 01/08/2021
Trong những năm qua, Nga đã đẩy mạnh việc hiện đại hóa toàn diện quân đội, thay thế những món vũ khí từ thời Liên Xô, với mục tiêu tiếp tục khẳng định mình là một cường quốc quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi duyệt binh kỷ niệm 325 năm ngày thành lập Hải quân Nga. (Nguồn: TASS)

Ngày 25/7 vừa qua, tại thành phố St. Petersburrg và Kronstadt, Hải quân Nga đã tổ chức buổi duyệt binh kỷ niệm 325 năm ngày thành lập. Ngoài hai thành phố này, các sự kiện long trọng diễn ra tại các thành phố ven biển khác, các căn cứ của Hải quân Nga, trên Biển Địa Trung Hải cũng như tại cảng Tartus ở Syria.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Hải quân Nga trải qua “một chặng đường phát triển từ những con tàu nhỏ bé của Peter Đại đế đến những chiến hạm hùng mạnh của đại dương, cùng với các tuần dương hạm tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân”.

“Hải quân đã có được lực lượng phòng không tầm xa và tầm gần hiệu quả. Các hệ thống phòng thủ bờ biển đáng tin cậy. Chúng ta đang tiếp tục cải tiến thành công các hệ thống vũ khí siêu thanh chính xác cao mới nhất, mà trên thế giới không có hệ thống tương tự”, ông Putin nói.

Tổng thống Putin đồng thời nhấn mạnh, Hải quân Nga có mọi thứ cần thiết để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ đất nước và các lợi ích quốc gia. Các phương tiện của hạm đội Nga có khả năng phát hiện bất kỳ kẻ thù nào từ tàu dưới biển, trên mặt đất, trên không và sẽ giáng đòn tấn công tiêu diệt, nếu cần thiết.

Có thể thấy, đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, vừa để kỷ niệm 325 năm ngày thành lập Hải quân Liên bang Nga, vừa để phô trương sức mạnh bằng việc giới thiệu hàng loạt vũ khí hiện đại, trong đó có chiếc tàu ngầm mới được đưa vào biên chế trong năm 2021. Từ lâu, Nga đã đẩy mạnh việc hiện đại hóa toàn diện quân đội, thay thể những món vũ khí từ thời Liên Xô, với mục tiêu tiếp tục khẳng định mình là một cường quốc quân sự.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), chính sách cải cách “Diện mạo mới” do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov (2001-2007) xây dựng và Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov (2007-2012) thực hiện.

Thay đổi chiến lược

Những năm 1980, Lực lượng Vũ trang Liên Xô có mục tiêu đầy tham vọng để nâng cao sức mạnh quốc phòng để đối đầu với Mỹ. Khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô chính thức tan rã vào năm 1991. Thay vì việc có thể giới thiệu hàng loạt loại vũ trang tiên tiến trong thập niên 1990, những gì còn lại của Lực lượng Vũ trang Liên Xô phải duy trì sự tồn tại ở mức thấp nhất.

Những năm tiếp theo, trong khi Nga phải gánh chịu hậu quả từ việc Liên Xô tan rã, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu tiếp tục mở rộng thành viên, trong đó có những quốc gia thuộc khối Warsaw cũ tham gia.

Mỹ liên tục triển khai hàng loạt hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở các quốc gia gần với biên giới Nga cũng khiến Moscow thay đổi suy nghĩ chiến lược, buộc phải có những cải cách cũng như đẩy mạnh sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là an ninh quốc gia.

Sự hồi sinh của quân đội Nga không phải ngay lập tức. Quân đội nước này lộ những điểm yếu vào năm 1999, sau cuộc tấn công của các băng đảng Basayev và Khattab tại các quận Tsumadin và Botlikh ở Dagestan. Thủ tướng Vladimir Putin khi ấy nhận thức được năng lực yếu kém của quân đội Nga và bắt đầu đưa ra các quyết định cơ bản để cải tổ.

Sau đó, vào năm 2008, khi Georgia đưa quân vào đánh Nam Ossetia, một trong hai nước cộng hoà ly khai đòi độc lập tách khỏi quốc gia này, buộc Nga phải vào cuộc. Tuy có được chiến thắng chóng vánh nhưng cuộc chiến này cũng bộc lộ nhiều điểm yếu của quân đội Nga như yếu tố con người, vũ khí trang bị, trình độ chiến - kỹ thuật; thể hiện rõ sự lạc hậu so với quân đội phương Tây, đặc biệt là tư duy tác chiến cũ kỹ, ít áp dụng thành tựu công nghệ.

Từ cơ sở phân tích cuộc chiến này, Nga đưa ra những quyết định mang tính hệ thống để phát triển quân đội, nổi bật là chiến lược cải cách mang tên “Diện mạo mới” năm 2008. Với chiến lược này, quân đội Nga phát triển thông qua việc đơn giản hóa, giải tán sư đoàn hạng nặng, ưu tiên lữ đoàn cơ động làm nòng cốt, tăng cường hàm lượng vũ khí trang bị hiện đại. Kết quả đã gia tăng tính chuyên nghiệp và năng lực chiến đấu của quân đội Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu: An ninh của một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào sức mạnh của quân đội và khả năng bảo vệ đất nước của quân đội. Nó cũng phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào quân đội.

Thành quả ngày nay

Với ngân sách quốc phòng ít ỏi nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã có những thành tựu kinh ngạc, sản xuất thành công những vũ khí, trang, thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, có ý nghĩa quyết định nâng cao sức mạnh quân đội Nga.

“Diện mạo mới” của quân đội Nga bắt đầu lộ diện trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, khi họ mở chiến dịch kinh điển mang tên “Mùa xuân Crimea” vào tháng Hai và tháng 3/2014. Moscow triển khai chiến dịch quân sự chớp nhoáng nhưng bao gồm nhiều khâu phức tạp, bí mật xâm nhập Crimea, bảo vệ thành công cuộc sáp nhập bán đảo này về tay Nga đã cho thấy trình độ tổ chức và khả năng nghi binh, giữ bí mật của họ tốt đến mức nào.

Chỉ trong thời gian ngắn, Nga thực sự đã có một bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực quân sự và trở thành nước dẫn đầu thế giới về khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, quân đội Nga có tỷ lệ vũ khí và trang bị hiện đại cao nhất, trong số các lực lượng vũ trang trên thế giới thời gian qua, chiếm gần 71%; trong đó các lực lượng hạt nhân chiến lược, con số này là 83%.

Nga thành công trong việc hiện đại hóa tất cả các loại vũ khí truyền thống, từ xe bọc thép, pháo binh, vũ khí cỡ nhỏ đến máy bay chiến đấu, tàu chiến, hệ thống phòng không. Tất cả vũ khí này sau khi nâng cấp đều có tính năng chiến đấu vượt trội so với vũ khí cũ.

Nhà khoa học chính trị quân sự Alexander Perendzhiev, trong một cuộc phỏng vấn với PolitExpert cho biết: Như Tổng thống Putin trình bày vào ngày 1/3/2018, quân đội Nga sẽ được trang bị những vũ khí mới như tên lửa đạn đạo Dagger, ngư lôi hạt nhân Poseidon; hệ thống phòng không tầm xa S-500; các phương tiện hỗ trợ hỏa lực Terminator. Những vũ khí này, các đối thủ của Nga hoàn toàn chưa có.

Ngoài việc thúc đẩy hiện đại hoá vũ khí, Nga cũng tập trung vào việc áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái, robot…

Vũ khí hiện đại tất nhiên là quan trọng, nhưng đây không phải là thứ duy nhất khiến quân đội Nga đổi mới. Những điểm mới trong công tác bảo đảm hậu cần của quân đội cũng là một phần không thể thiếu trong chương trình hiện đại hóa quân đội nước này.

Những phương tiện vận tải binh lính và vật tư đã có những thay đổi. Bộ Quốc phòng Nga đã chú ý đến những điều, mà trước kia được coi là “nhỏ nhặt”. Hiện nay, sự hỗ trợ về vật chất và kỹ thuật, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của chiến tranh thế kỷ XXI. Do đó, Nga không chỉ mua vũ khí, mà còn tăng cường các bệnh viện dã chiến, thiết bị bảo đảm hậu cần ăn uống cho quân nhân.

Cho dù phải chịu không ít thách thức về kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn kiên cường và có những bước phát triển vượt bậc, từng bước hiện đại hóa và nâng tầm quân đội một cách mạnh mẽ nhất có thể.

Sự xuất hiện của vũ khí mới và công nghệ quân sự tiên tiến cho phép Nga thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Mỹ và đồng minh, nếu không muốn nói, có những mặt Moscow đã vượt xa Washington.

Tham gia lễ duyệt binh chính tại St. Petersburg có tàu tuần dương tên lửa Nguyên soái Ustinov, khinh hạm Đô đốc Kasatonov, tàu chống ngầm cỡ lớn Kulakov và các tàu đổ bộ cỡ lớn Pyotr Morgunov và Minsk, tàu hộ tống Alexander Obukhov và Vladimir Emelyanov. Lần đầu tiên tàu ngầm tên lửa chiến lược Knyaz Vladimir, thuộc dự án Borey-A tham gia lễ duyệt binh.

(tổng hợp)