📞

Quan hệ Đức-Nga: Thế khó xử của người Đức

Lưu Huỳnh 13:45 | 10/09/2020
TGVN. Duy trì lợi ích trong hợp tác với Nga mà không làm tổn hại đến hình ảnh đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) sẽ là bài toán khó dành cho Thủ tướng Đức Angela Merkel vào thời điểm hiện nay. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2017. (Nguồn: New York Times)

Quan hệ Nga - Đức đã diễn biến phức tạp khi Berlin cho rằng Moscow có liên quan tới việc nhà lãnh đạo đối lập Nga, Alexei Nalvany, “bị nghi đầu độc” bằng chất độc thần kinh Novichok, tương tự như vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại London năm 2018.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố có nhiều “bằng chứng khó chối cãi” về sự can dự của Nga trong vụ việc và khẳng định: “Tôi hy vọng rằng người Nga không buộc chúng tôi phải thay đổi lập trường về đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2”.

Nga ngay lập tức đáp trả. Ngày 8/9, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Đức tại Moscow Geza Andreas von Geir để thảo luận về vụ ông Nalvany “bị nghi đầu độc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định: “Chúng tôi mong Berlin sẽ cung cấp tất cả dữ liệu họ có, bao gồm kết quả xét nghiệm do Viện Dược lý và Độc chất của quân đội Đức tiến hành, cũng như ‘bằng chứng’ mà Bộ Ngoại giao Đức sở hữu”. Đáng chú ý, bà Zakharova không ngại ngần khi cho rằng Berlin “đang dối trá nhằm phục vụ âm mưu chính trị đáng xấu hổ".

Trong khi đó, Liên hợp quốc ngày 7/9 kêu gọi Nga hợp tác hoặc tiến hành cuộc điều tra “kỹ lưỡng, minh bạch, độc lập và khách quan” về nghi vấn ông Navalny bị đầu độc.

Đáng chú là thái độ của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Người phát ngôn Thủ tướng Đức cho biết: “Thủ tướng đồng ý với bình luận của Ngoại trưởng Đức cuối tuần trước”. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, trong một cuộc thảo luận khác, Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier lại tỏ ra thận trọng khi được hỏi về số phận Dòng chảy phương Bắc 2 hay một kế hoạch trừng phạt Nga.

Điều này là có thể hiểu được, khi vụ nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc đang đẩy Đức vào thế khó trong cân bằng lợi ích.

Một bên là Dòng chảy phương Bắc 2. Hệ thống đường ống này đã hoàn thành tới 90% (2.300-2.460 km), dự kiến đi vào hoạt động năm 2021. Với công suất gấp đôi so với Dòng chảy phương Bắc 1, dự án năng lượng hợp tác chung với Moscow được cho là sẽ đáp ứng nhu cầu về khí đốt ngày một tăng của Berlin thời gian tới.

Đây cũng là lý do trước đó, bất chấp ý kiến từ các đồng minh EU và sự chỉ trích từ Mỹ về việc Đức đang phụ thuộc về năng lượng “vào đối tác bất ổn về chính trị”, Thủ tướng Angela Merkel vẫn không nao lòng. Thú vị thay, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nhận được nhiều sự ủng hộ trong nước, không chỉ vì khí đốt, mà còn bởi ông Donald Trump: Tổng thống Mỹ không được nhiều người Đức ưa thích và việc ông chỉ trích dự án này càng khiến họ ủng hộ nó hơn.

Tuy nhiên, bên còn lại là vị thế của Đức trong EU. Đức vẫn tiếp tục là đầu tàu về kinh tế ở châu Âu, nhưng quan hệ của nước này với Nga, bất chấp lệnh trừng phạt của Brussels với Moscow sau bất đồng về Crimea và Ukraine, đã ít nhiều gây tổn hại vị thế lãnh đạo của Berlin trong khối. Là quốc gia đi đầu trong EU, Đức cần thể hiện rõ lập trường của mình, làm gương cho phần còn lại.

Vừa phải đảm bảo lợi ích về an ninh năng lượng quốc gia, vừa bảo toàn vị thế dẫn dắt trong EU, chẳng trách tại sao người Đức lại phân vân tới vậy.