Tổng thống Trump ca ngợi mối quan hệ Mỹ - Nhật “hết sức tuyệt vời” và đang ở giai đoạn phát triển nhất từ trước tới nay. |
Kết thúc chuyến thăm đầy thiện chí tới Tokyo, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không quên nhấn mạnh tới con số thâm hụt thương mại với Nhật Bản mà ông cho là “lớn đến mức không thể tin nổi”. Con số này hiện là 68 tỷ USD.
Mối quan hệ đặc biệt
Tổng thống Trump được phía Nhật Bản mời với tư cách là quốc khách - vị khách của Hoàng gia Nhật Bản và đã được đón tiếp với nghi thức đặc biệt và trọng thị nhất. Chuyến thăm càng có ý nghĩa khi Tổng thống Trump là vị khách đầu tiên của Nhật hoàng Naruhito trong Triều đại mới. Đây được cho là sự trọng thị đặc biệt mà Hoàng gia Nhật dành riêng cho ông chủ Nhà Trắng.
Với Nhật Bản, từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là “vị khách quen” cả ở phòng Bầu Dục và “đường hotline”. Còn với Washington, lần này là chuyến công du Nhật Bản thứ hai của nguyên thủ Mỹ, chưa kể đến cuối tháng 6/2019, ông Trump sẽ trở lại Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G20.
Báo chí quốc tế vẫn nói đến những dấu ấn quan trọng trong “mối quan hệ đặc biệt” giữa ông chủ Nhà Trắng và Thủ tướng Nhật Bản. Bởi trước Tokyo, cả Bắc Kinh lẫn Paris và London đều đã trải thảm đỏ đón nguyên thủ Mỹ nhưng Tổng thống Trump vẫn mở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, không nghe Pháp thuyết phục mà vẫn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Và dù London là đồng minh thân thiết nhất của Washington tại châu Âu, thì vẫn bị ông Trump không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích.
Nhật Bản là một đồng minh thân thiết của Mỹ tại châu Á. Cùng với nhiều vấn đề mang tính chiến lược khác, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc, trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang được Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản nghiêm túc thực hiện. Vì vậy, việc củng cố vững chắc quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ trong thời điểm hiện tại dường như là mục tiêu mà cả hai bên cùng hướng đến.
Tuy nhiên, tất cả những “ưu ái” trên vẫn chưa đủ để ngăn Tổng thống Mỹ bỏ quan điểm coi Nhật Bản là một đối thủ kinh tế, ra lệnh áp thuế với kim loại xuất khẩu và đe dọa tăng thuế với ngành xe hơi của Tokyo. Ông Trump cũng chưa bao giờ từ bỏ mục đích thu hẹp thâm hụt thương mại 70 tỷ USD/năm của Mỹ với Nhật Bản.
Nội dung bên lề
Dù không được nhấn mạnh là nội dung chính trong chuyến thăm của Tổng thống Trump, song Hiệp định thương mại hàng hóa song phương là một nội dung lớn mà cả Mỹ và Nhật Bản đều đang quan tâm, nên nó vẫn là vấn đề quan trọng trong chương trình hội đàm giữa hai bên.
Và rằng, dù trước “bàn dân thiên hạ”, nhấn mạnh về mối quan hệ “hết sức tuyệt vời” và đang ở giai đoạn phát triển nhất từ trước tới nay, Tổng thống Trump vẫn phải thừa nhận, giữa hai đồng minh thân cận này vẫn còn vướng mắc trong vấn đề thương mại. Nghiêm trọng hơn, đối với ông, nước Mỹ đang phải gánh chịu “sự mất cân bằng lớn” đó.
Phát biểu tại cuộc gặp giới doanh nghiệp Nhật Bản, Tổng thống Mỹ nêu thẳng vấn đề, ông muốn giải quyết về mất cân đối trong cán cân thương mại Mỹ - Nhật và dỡ bỏ hàng rào đối với các hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, đồng thời bảo đảm sự công bằng giữa hai nước và dành đặc quyền cho nhau.
Về đối nội, hai nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ đều muốn tạo dựng một thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả hai, giúp họ gia tăng sự ủng hộ trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở mỗi nước đang tới gần. Nhưng có điều, là một doanh nhân, ông Trump chủ trương đàm phán song phương để buộc Nhật Bản nhượng bộ, giảm thâm hụt thương mại. Ngược lại, Thủ tướng Abe lại chủ trương đàm phán đa phương, nhằm gia tăng ảnh hưởng thực chất và lâu dài tại khu vực.
Sức mạnh liên minh
Tổng thống Mỹ ngày 28/5 đã kết thúc chuyến thăm Nhật Bản. Truyền thông đưa tin ông Trump đã thành công lớn với mục tiêu phô diễn mối quan hệ đồng minh bền chặt Mỹ - Nhật, vượt qua những bất đồng về thương mại vẫn còn đang bao trùm.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, tất cả điều này dường như không đủ để che giấu xung đột giữa hai quốc gia về thương mại.
Kể từ sau vòng đàm phán đầu tiên về thỏa thuận thương mại cho đến sát thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh ở Tokyo, các quan chức thương mại hai nước đã có một cuộc chạy đua nước rút với hàng loạt cuộc đàm phán ở nhiều cấp, với mục tiêu đạt được thỏa thuận sơ bộ. Tuy nhiên, các nỗ lực đó đã không mang lại kết quả nào.
“Hồ sơ” gây tranh cãi nhất trong quan hệ thương mại Mỹ - Nhật vẫn là ô tô và nông nghiệp. Washington nhiều lần hối thúc Tokyo cắt giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ, nếu không sẽ đánh thuế đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản - một mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Nhật vào Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản lại bác bỏ mọi hạn chế đối với nhập khẩu, cho rằng đây là một sự vi phạm các quy định của WTO.
Hai bên đã bắt đầu dàn xếp với nhau từ tháng 9/2018 và đưa ra một nền tảng để từ đó bắt đầu đàm phán. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng thừa nhận, hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết những bất đồng và chưa có một lộ trình nào được ấn định cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Tổng thống Trump mới đây quyết định hoãn áp thuế với ngành xe hơi trong 6 tháng để đàm phán thương mại song phương với Nhật. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố chờ đợi Tokyo thông báo về một điều gì đó rất tốt đẹp cho hai nước, có thể là vào tháng 8 tới. Tuy nhiên, thời hạn này được đánh giá là quá ngắn ngủi để hai nước có thể đạt được một thỏa thuận làm vừa lòng Tổng thống Mỹ. Mặt khác, ông chủ Nhà Trắng vẫn duy trì thuế mức thuế cao với các mặt hàng thép và nhôm của Nhật Bản, bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Abe.
Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng, không sớm thì muộn, hai bên sẽ đạt được đồng thuận, bởi vì Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật cần nhau cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Ngồi lại với nhau, họ có thể cùng hưởng lợi, cùng vẽ lên những quy tắc mới và cùng bước qua thách thức của tương lai bằng sức mạnh liên minh và sự “phô diễn” của họ trong những ngày qua là có lý do.