Thủ tướng Modi cùng Tổng thống Obama uống cà phê tại khu vườn thuộc Hyderabad House, New Delhi, ngày 25/1. (Ảnh: EPA/PRESS INFORMATION BUREAU) |
Đột phá khẩu nào?
Trong hàng chục thỏa thuận lớn đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ ba ngày từ 25-27/1 của Tổng thống Mỹ Obama, các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn cũng như các nhà quan sát quốc tế dành sự đánh giá cao đối với thỏa thuận quan trọng, giúp phá vỡ bế tắc trong việc thực hiện Hiệp định hạt nhân dân sự và coi đây là "thành tích" quan trọng nhất của cả chuyến đi.
Hiệp định hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn ký giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Singh ngày 18/7/2005 được coi là một "thỏa thuận lịch sử", mở đường cho hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Ấn Độ. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận và phát triển nguồn năng lượng sạch, thay thế cho các nguồn năng lượng than đá vốn bị coi là nguồn gốc chính làm tăng chất khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu trái đất.
Tuy nhiên, Hiệp định ký chưa ráo mực thì dư luận và các nhà lập pháp Ấn Độ chợt nghĩ ngay đến hậu quả không mong muốn của các sự cố hạt nhân. Người Ấn vẫn còn nhớ như in thảm họa khí thoát ra từ Nhà máy hoá chất thuộc sở hữu của hãng Union Carbide ngày 2-3/12/1984, cướp đi sinh mạng của gần 3.800 người và ảnh hưởng đến cuộc sống của 500.000 người khác.
Rút kinh nghiệm từ thảm họa trên, các nhà lập pháp Ấn thông qua bộ luật với những điều khoản chặt chẽ ràng buộc trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm dân sự đối với các nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân nếu để xảy ra thảm họa. Chính điều này đã khiến các công ty năng lượng hàng đầu của Mỹ như General Electric, Westinghouse… phải chùn tay và đứng ngoài thèm muốn thị trường khổng lồ của Ấn Độ.
Sau nhiều năm vận động cùng nỗ lực của hai phía, cả Mỹ và Ấn Độ đều tuyên bố về bước đột phá quan trọng đối với hiệp định hạt nhân dân sự, theo đó Chính phủ Ấn Độ sẽ lập một công ty bảo hiểm giúp san sẻ rủi ro để mở đường cho các công ty Mỹ. Với dự báo tăng tỷ lệ điện hạt nhân từ 4% hiện nay lên 25% vào năm 2050, Ấn Độ chắc chắn sẽ thu hút hàng chục tỷ USD từ các công ty Mỹ.
Năng lượng hạt nhân còn giúp Ấn Độ có nguồn năng lượng sạch, giá rẻ để hiện đại hóa kinh tế đang trỗi dậy, cũng như đưa Mỹ và Ấn Độ đến gần hơn thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu - một thỏa thuận được dự kiến sẽ có các tác động tương tự như thỏa thuận Mỹ-Trung trong vấn đề này được ký tại Bắc Kinh tháng 11/2004.
Khuôn khổ quan hệ mới
Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Việc công bố thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực hạt nhân dân sự làm cho dư luận không quá tập trung vào các thỏa thuận "nhạy cảm" trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng và mang tầm chiến lược. Việc vượt qua thỏa thuận đầy chông gai này sẽ là động lực lớn giúp tạo đà đưa quan hệ hai nước hướng đến tương lai.
Về hợp tác quốc phòng, hiện Mỹ đã vượt Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ. Không chỉ nhập khẩu các loại vũ khi tiên tiến từ Mỹ, từ máy bay vận tải C-130, máy bay trực thăng chiến đấu, tàu khu trục… Ấn Độ còn cùng Mỹ hợp tác nghiên cứu và sản xuất các thế hệ vũ khí mới.
Về mặt chiến lược, ngoài việc tăng cường trao đổi các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, hai nước còn công khai ý định mở rộng cơ chế trao đổi song phương với các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương - mà hàm ý là mở rộng cơ chế đối thoại song phương về các vấn đề an ninh hiện nay thành cơ chế Đối thoại ba bên với sự tham gia của Nhật Bản.
Đáng chú ý, trong tuyên bố chung khi kết thúc chuyến thăm có đoạn nói về hợp tác "quốc phòng, an ninh và kinh tế" trong đó các vấn đề quốc phòng và an ninh được đặt lên trên vấn đề kinh tế - một cách đặt vấn đề mà Mỹ thường chỉ đề cập quan hệ với các đồng minh. Cần nhớ rằng, chỉ riêng về kinh tế không thôi, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn cam kết sẽ đưa thương mại Mỹ-Ấn tăng lên gấp năm lần từ 100 tỷ USD hiện nay lên 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Thực ra, trong bất cứ mối quan hệ song phương nào, thước đo chính về lòng tin không chỉ là giữa hai nước có bao nhiêu cuộc gặp, tổng thương mại và đầu tư đạt được bao nhiêu… mà là mức độ sâu, rộng của hợp tác quốc phòng. Tuy chưa định hình một cách rõ nét, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Ấn hiện nay đang phát triển theo hướng này.
Hoàng Anh Tuấn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao