📞

Quan hệ Mỹ - Nga: Lập lòe hy vọng hòa giải

Hải Yến 14:20 | 04/07/2019
TGVN. Một nghịch lý chi phối quan hệ Mỹ - Nga hiện nay là trong khi Tổng thống Trump luôn đề cao mối quan hệ cá nhân với người đồng cấp Nga, thì Washington lại gia tăng cấm vận Moscow. Cuộc gặp bên lề G20 giữa Mỹ và Nga ngày 28/6 có là tạo đột phá trong quan hệ đầy mâu thuẫn Washington - Moscow? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (G20), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái ngộ người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Đây là cuộc gặp mang ý nghĩa đặc biệt vì một lý do: Lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga gặp gỡ kể từ lần gặp tại Helsinki (Phần Lan) tháng 7/2018. Trong quãng thời gian đó, vụ điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 do công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành đã kết thúc mà không thể buộc tội ông Trump cấu kết với với chính quyền Tổng thống Putin.

Quan trọng hơn, chỉ trong 1 năm, quan hệ Nga – Mỹ đã nhiều phen thăng trầm: Washington không còn mặn mà với chiến trường Syria, song tiếp tục đối đầu Moscow ở các điểm nóng khác như tại châu Âu, Ukraine hay Venezuela.

Tình bạn đẹp…

Một nghịch lý lớn, chi phối quan hệ Mỹ - Nga là trong khi Tổng thống Trump luôn đề cao mối quan hệ cá nhân với người đồng cấp Nga, coi ông chủ Điện Kremlin là “người bạn mới tốt nhất”, thì chính phủ Mỹ lại muốn tăng cường cấm vận Moscow.

Lập trường và hướng đi khác biệt của Tổng thống Trump với phần còn lại của “bộ sậu” trong quan hệ với Nga đã hình thành một chính sách không hiệu quả, cùng mớ hỗn độn những cách tiếp cận trái ngược. Giới phân tích cho rằng, về dài hạn, Washington khó quản lý tốt mối quan hệ tồn tại nhiều mâu thuẫn và đang bị phủ kín bóng đen với Moscow.

Thái độ của ông Trump được thể hiện rõ nét qua cuộc gặp với ông Putin bên lề Hội nghị G20. Ca ngợi tình bạn đẹp đẽ với ông chủ Điện Kremlin, Tổng thống Mỹ đã dành không ít “lời có cánh” cho người đồng cấp Nga. Đề cập tới nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ông Trump một mực khẳng định “cuộc săn phù thủy” này không chỉ bủa vây Nhà Trắng ngay từ đầu nhiệm kỳ, mà còn tổn hại quan hệ song phương mà ông hằng muốn cải thiện.

Về phần mình, ông Putin phủ nhận sự can thiệp vào bầu cử Mỹ để giúp ông Trump đắc cử, mặc dù công tố viên Mueller đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Chiến dịch đột nhập email của đảng Dân chủ do tình báo quân đội Nga thực hiện, chiến dịch phát tán các giọng điệu chia rẽ, gây bất ổn chính trị Mỹ, sử dụng mạng lưới tài khoản mạng xã hội giả là những bằng chứng được công tố viên Mueller đưa ra.

…nhưng đầy mâu thuẫn

Dành những ngôn từ hoa mỹ để ca ngợi “hảo bằng hữu” là vậy, song hai Tổng thống Mỹ - Nga vẫn đang ở thế đối đầu trong nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có căng thẳng Mỹ - Iran, vấn đề Venezuela, nội chiến Syria, tranh chấp tại Ukraine và quan hệ Nga - Trung.

Hai tuần trước, Tổng thống Trump suýt tấn công trả đũa Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ, vài giờ sau khi Tổng thống Putin khẳng định dùng vũ lực tại đây sẽ châm ngòi cho “một thảm họa”. Động thái nhằm vào Tehran của Washington đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ phía Moscow, cho rằng ông Trump cố tình đẩy khu vực vào “miệng hố chiến tranh”.

Không chỉ vậy, căng thẳng Mỹ – Nga còn được đẩy lên tầng nấc mới khi các quan chức và truyền thông Nga so sánh giọng điệu cứng rắn của Mỹ khi nói về Iran giống như “những chiếc lọ nhỏ chứa đầy bột trắng” mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Powell từng sử dụng làm bằng chứng về vũ khí hóa học của Iraq, lấy đó làm cái cớ lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein.

Iran không phải nơi duy nhất mà ông Putin và ông Trump đang ở tình trạng “khúc mắc cũ chưa qua, ngờ vực mới đã tới”. Nhờ sự hậu thuẫn chặt chẽ của Nga, Cuba và Iran, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã giành lại vị thế, từng bước khôi phục đất nước và thực hiện cải cách kinh tế, bất chấp sức ép từ phía Mỹ. Còn tại Syria, sự ủng hộ của ông Putin đã khiến chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dần thắng thế, đẩy lùi lực lượng nổi dậy do Mỹ từng chống lưng.

Bên cạnh đó, vấn đề Ukraine được cho là đang đè nặng lên quan hệ Mỹ - Nga, khi Moscow liên tiếp có những động thái gia tăng sức ép lên Kiev, cụ thể là gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống mới đắc cử Vladimir Zelensky, cấp hộ chiếu Nga cho các công dân của khu vực Đông Ukraine, hay bắt giữ 24 thủy thủ và 3 tàu hải quân Ukraine cuối năm 2018. Ngoài ra, việc ông Putin “thân thiện” với Bắc Kinh cũng khiến Washington đứng ngồi không yên.

Nhận định về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard Haass cho rằng: “Dù nhìn dưới góc độ nào, quan hệ giữa hai quốc gia đang ở tình trạng xấu và các chính sách đối với Nga của Mỹ khá cứng rắn, dù giọng điệu của Tổng thống Trump lại không như vậy”.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga vẫn duy trì quan hệ cá nhân tốt đẹp và thể hiện sự thấu hiểu lẫn nhau trong mỗi lần gặp gỡ. Tổng thống Nga Putin đã mời ông Trump đến Moscow để dự lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng của đồng minh trong Thế chiến II vào tháng 5/2020.

Nếu đội ngũ của chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục coi những tương tác trong cuộc gặp ở Osaka là nhằm kiểm tra giới hạn, thay vì cơ hội thực sự để thúc đẩy các lợi ích quốc gia Mỹ, quan hệ Mỹ - Nga sẽ tiếp tục bế tắc. Khi đó, dù có cố gắng đến mấy thì Tổng thống Trump cũng khó có thể khiến người đồng cấp Nga Putin trở thành “người bạn mới tốt nhất” của mình.

Hải Yến