Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trò chuyện vui vẻ cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du Washington hồi tháng 6/2018. (Nguồn: Bloomberg) |
Từ ngày 25 - 28/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du tới Tokyo, gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đáng chú ý, ông chủ Nhà Trắng sẽ có vinh dự được trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản dưới triều đại Lệnh Hòa của Nhật hoàng Naruhito.
Theo lịch trình, Tổng thống Mỹ và phu nhân sẽ cùng Thủ tướng Nhật Bản, thậm chí là cả Nhật hoàng, Hoàng hậu, dự khán giải đấu sumo hôm 26/5 và trao cúp cho người thắng cuộc. Ông chủ Nhà Trắng cũng được cho là sẽ tham quan tàu chiến Izumo, hiện đang trong quá trình cải tạo và nâng cấp thành tàu sân bay. Ưu ái đặc biệt mà Nhật Bản dành cho người đứng đầu nước Mỹ cho thấy Tokyo đặc biệt coi trọng quan hệ với Washington, bất chấp những rào cản còn tồn tại.
Quý nhau vì lợi ích
Trong bối cảnh các đồng minh truyền thống khác của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Canada hay Hàn Quốc đang lao đao trước những động thái "vô tiền khoáng hậu" đến từ Nhà Trắng, Tokyo vẫn có thể duy trì quan hệ “môi hở răng lạnh” với Washington nhờ có những bước đi hợp lý.
Đầu tiên, dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản ưu tiên gìn giữ quan hệ đồng minh với Mỹ, coi đây là mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại và duy trì an ninh khu vực. Song song với đó, Tokyo tiếp tục củng cố, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực và bên ngoài Ấn Độ - Thái Bình Dương với Ấn Độ, Việt Nam, Australia, EU, Canada…
Cách tiếp cận này không chỉ giúp Nhật Bản duy trì quan hệ với Mỹ, mà còn nâng cao vai trò của xứ sở Mặt trời mọc là đối tác lớn, đáng tin cậy trong và ngoài khu vực. Trong một bài phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đánh giá cao khả năng lãnh đạo của người đồng cấp Nhật, khẳng định rằng cách tiếp cận của ông Abe trong việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đã khiến ông được “mở mang tầm mắt”.
Thứ hai, về mặt chiến lược, Thủ tướng Abe đã tránh đưa ra những phát ngôn có thể gây xung đột với Tổng thống Trump, dành nhiều lời khen và thúc đẩy quan hệ song phương, qua đó thuận theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông chủ Nhà Trắng. Cụ thể, Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Mỹ, mở rộng tập trận chung, đẩy mạnh trao đổi quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp và giới quân sự, hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương và cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới.Người xưa có câu “Gái có công, chồng không phụ” – những nỗ lực của Nhật Bản đã được Mỹ đền đáp xứng đáng. Washington nhận thức rõ vai trò quan trọng của Tokyo trong chính sách đối ngoại tại Đông Bắc Á cũng như Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc leo thang, đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên bế tắc và quan hệ với Hàn Quốc vẫn gập ghềnh, Nhật Bản tiếp tục là chốt chặn vững chắc của Mỹ. Chính sách đối ngoại của Tokyo trong vấn đề Triều Tiên, Biển Hoa Đông và Biển Đông đã phần nào bổ khuyết cho sự hiện diện của Washington tại khu vực này.
Đặc biệt, trong vấn đề Triều Tiên, cách tiếp cận “vừa đấm vừa xoa” của Nhật Bản tương đối trùng khớp với Mỹ. Một mặt, Tokyo tiếp tục gây áp lực, phản đối việc Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa tầm ngắn; mặt khác, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn “chìa cành ô liu” với Chủ tịch Kim Jong-un, khẳng định sẵn sàng đàm phán vô điều kiện nhằm giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi Mỹ tiếp tục thắt chặt quan hệ với người anh em cùng chí hướng, củng cố lợi ích quốc gia và ảnh hưởng quốc tế tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung. Trước thềm chuyến thăm, ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn hợp đồng tên lửa phòng không trị giá 600 triệu USD với Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nguồn tin ngày 20/5 cho biết đàm phán thương mại Mỹ - Nhật cũng đang vào giai đoạn nước rút. Một ngày trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ đến Nhật Bản nhằm hoàn thiện những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận thương mại song phương trước thượng đỉnh Mỹ - Nhật.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến triển thời gian qua, quan hệ Mỹ - Nhật tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Ngày 18/5, nguồn tin giấu tên của Chính phủ Nhật Bản tiết lộ Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe có thể sẽ không đưa ra một tuyên bố chung, nhằm tránh để lộ khác biệt quan điểm trong vấn đề thương mại song phương và Triều Tiên. Theo đó, việc tìm kiếm thỏa thuận trong đàm phán thỏa thuận thương mại song phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, dù thượng đỉnh Mỹ - Nhật cận kề.
Mong manh tình anh em
Cùng ngày, ông Trump đã “chọc giận” các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, trong đó có Toyota, khi tuyên bố rằng một số xe ô tô và phụ tùng nhập khẩu gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời trì hoãn quyết định về áp thuế quan mới để có thời gian đàm phán với Nhật Bản và EU.
Về vấn đề phi hạt nhân hóa, Nhật Bản và Mỹ vẫn có một độ “vênh” nhất định. Nhật Bản khẳng định vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên vi phạm các Nghị quyết của Liên hợp quốc, trong khi Mỹ lại cho rằng nó không “phá vỡ lòng tin” giữa lãnh đạo Mỹ - Triều. Những khác biệt này khiến cả Mỹ và Nhật Bản tin rằng không nên đưa ra một tuyên bố chung ở thời điểm hiện tại.
Một số nhà phân tích còn cho rằng xét trên bối cảnh hiện tại, việc cho phép Mỹ hưởng những ưu đãi như vậy là không hợp lý, đặc biệt khi Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích Tokyo, có hành động tổn hại tới lợi ích quốc gia của Nhật Bản nói riêng và khu vực nói chung như khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, áp thuế sắt/thép nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, xét về toàn cảnh, quan hệ song phương nói chung, quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe nói riêng vẫn được duy trì và sẽ tiếp tục được củng cố qua chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ tới Nhật Bản ngày 25 – 28/5 tới.