📞

Quan hệ Mỹ - Philippines: Đồng lợi hơn đồng minh

14:04 | 01/06/2012
Củng cố quan hệ đồng minh chắc chắn là mục đích của Mỹ khi đón Tổng thống Philippines tại Washington đầu tháng 6 tới, nhưng hẳn họ sẽ không thể vì mối liên hệ chặt chẽ này mà bỏ qua những lợi ích có được từ quan hệ với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) sẽ có chuyến thăm chính thức Mỹ vào đầu tháng 6.

Dù gần nửa tháng nữa Tổng thống Benigno Aquino mới chính thức thăm Mỹ, nhưng từ lúc này chuyến thăm đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi đó không chỉ là dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ đồng minh đang lớn dần giữa Washington và Manila.

Rõ ràng Philippines không thể không tìm sự hậu thuẫn từ một đối tác lớn như Mỹ về mọi mặt. Mỹ và Philippines là đồng minh, với hiệp ước phòng thủ chung đã tồn tại hơn 6 thập kỷ. Mỹ đang giúp Philippines nâng cấp quân đội trong thời gian qua, gần nhất là việc chuyển giao một tàu tuần tra lớp Hamilton. Về phía Philippines, Tổng thống Aquino cũng đồng ý cho phép một số lượng lính Mỹ lớn hơn được luân chuyển qua nước này. Hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, mà mới đây nhất là hoạt động diễn tập thường niên mang tên Balikatan (Kề vai sát cánh). Cuối tháng 4/2012, hai bên cũng đã có cuộc tham vấn cấp bộ trưởng nhân chuyến thăm chung hiếm có của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tới Mỹ. Theo báo chí Philippines, đây là sự kiện lịch sử vì Mỹ chỉ có cơ chế tham vấn tương tự với hai đồng minh lâu năm là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyến đi của ông Aquino cũng được thực hiện khi Mỹ đang chuyển dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á và không ngừng thúc đẩy quan hệ với khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ này. Một báo cáo mới đây của Cơ quan Nghiên cứu trực thuộc Quốc hội Mỹ coi mối quan hệ với Philippines là mối quan hệ cơ bản trong chính sách đối ngoại "trở lại" hoặc "tái cân bằng" tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á của Mỹ.

Nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh với Washington khiến nhiều người tin rằng ông Aquino đến Mỹ để “cầu viện”. Thế nhưng Mỹ có làm hài lòng đồng minh của mình?

Nếu xung đột có xảy ra, thì không ai hoài nghi việc Mỹ đứng đằng sau Philippines, nhưng cũng không ai khẳng định Mỹ sẽ vì Philippines mà tham chiến với TQ, dù hai bên đang diễn tập quân sự chung “vai kề vai”. Thứ nhất, từ sau Chiến tranh Triều Tiên, điều lệnh của quân đội Mỹ đã quy định: Không được xung đột quân sự trực tiếp với TQ, càng không được khai chiến với TQ. Quy định này càng có hiệu lực, trong bối cảnh ngân sách dành cho quân sự của Mỹ ngày càng bị thu hẹp và Mỹ đang trong thời điểm nhạy cảm là năm bầu cử.

Thứ hai, trong sự phát triển quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ được lợi rất lớn từ thị trường TQ. Báo cáo Thường niên của Ủy ban Thương mại Mỹ-Trung công bố mới đây cho biết trong năm 2011, xuất khẩu mậu dịch của Mỹ sang TQ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt 103,9 tỷ USD. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, chỉ sau hai nước đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với Mỹ là Canada và Mexico. Xuất khẩu sang TQ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của kinh tế Mỹ cũng như tạo việc làm.

Tuy nhiên, cả Washington và Manila chắc không phải “nghĩ ngợi” nhiều về khả năng này, vì ở thời điểm hiện tại, một cuộc chiến tranh “nóng” giữa TQ và Philippines là khó xảy ra. Vì nếu kéo căng mâu thuẫn và dẫn đến xung đột thực sự, xét về thực lực, TQ sẽ được lợi và nhanh chóng giành được quyền kiểm soát Scarborough. Tuy nhiên, lúc đó các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và các nước Đông Nam Á khác sẽ bị ảnh hưởng và họ sẽ không “khoanh tay đứng nhìn”. Bởi vậy, chiến tranh thực sự cũng không phải là điều TQ mong muốn.

Ngoài ra, không chỉ với Mỹ, mà với Philippines, TQ cũng là thị trường có tiềm năng lớn. Kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-Philippines năm 2011 đạt mức kỉ lục trên 30 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch thương mại đối ngoại của Philippines. Hiện nay, TQ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines.

Thực sự đến nay, tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila tại bãi cạn Scarborough mới dừng ở mức khẩu chiến và việc tăng cường lực lượng hải quân quy mô nhỏ của cả hai bên xuất phát từ những tính toán chính trị riêng rẽ. Nhưng nếu các cuộc khủng hoảng tiếp tục được tạo ra thì rất có thể là ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh quy mô hạn chế. Đến lúc đó cũng khó mà mong chờ “quân cầu viện” trong bối cảnh các lợi ích đan xen như hiện nay.

Nguyễn Kim