📞

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Yêu lắm, hận nhiều

Minh Vương 20:37 | 16/12/2019
TGVN. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa đóng cửa căn cứ Không quân Mỹ tại Incirlik sẽ là đòn chí mạng vào quan hệ Ankara – Washington, vốn chịu nhiều sứt mẻ thời gian qua. Phân tích của Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên cạnh người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO tại London đầu tháng 12 vừa qua. (Nguồn: AP)

Ngày 15/12, trên kênh A Haber TV (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Tayyip Recep Erdogan cho biết sẽ xem xét đóng cửa căn cứ Không quân Incirlik, nơi chứa 50 đầu đạn hạt nhân B-61 của Mỹ. Động thái này nhằm trả đũa cấm vận và việc lưỡng viện Mỹ chính thức công nhận sự tồn tại của “Diệt chủng” Armenia năm 1915, được cho là tiến hành bởi Đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự khác biệt trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây nhiều đến mức giới quan sát không còn xa lạ với những màn khẩu chiến giữa Washington và Ankara. Tuyên bố của ông Erdogan không giải quyết vấn đề, mà thậm chí có thể là nhát cắt chí mạng khiến Mỹ buộc phải “ân đoạn nghĩa tuyệt” với đồng minh thân thiết thuở nào. Tại sao hành động này lại nghiêm trọng như vậy?

Tình thân một thưở…

Đầu tiên, căn cứ Không quân Incirlik được lên kế hoạch và xây dựng vào những năm 1954-1958 là minh chứng rõ nét cho quan hệ của hai nước trong thời kỳ hoàng kim. Ngay sau khi thành lập, “đứa con” của Washington và Ankara đã đóng vai trò kiểm soát tầm ảnh hưởng của Moscow, làm bàn đạp cho các chiến dịch xâm nhập và do thám Liên Xô. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Incirlik tiếp tục là chốt chặn của Mỹ tại Trung Đông, giúp nước này phản ứng nhanh với khủng hoảng tại các điểm nóng trong khu vực như Lebanon hay Israel. Tầm quan trọng của căn cứ này, cùng mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn đó đã khiến Mỹ tự tin đặt 50 đầu đạn hạt nhân B-61 tại Incirlik, sẵn sàng triển khai khi cần thiết nhằm bảo vệ triệt để lợi ích Mỹ.

Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa có thể đóng cửa căn cứ này sẽ chính thức đặt dấu chấm hết cho thời kỳ phát triển và báo hiệu một giai đoạn trắc trở hơn trong quan hệ song phương thời gian tới.

Căn cứ Không quân Incirlik đã tồn tại hơn 60 năm qua.

Thật vậy, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi từng ngày. Mặt cạnh tranh đang ngày một nổi trội và rõ nét trong nhiều vấn đề. Về chính trị song phương, Mỹ vẫn từ chối yêu cầu dẫn độ Giáo sỹ Fetullah Gulen của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016 tới nay. Đây là nhân vật bị Tổng thống Erdogan cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính thất bại tháng 7/2016. Thêm vào đó, ngày 12/12 vừa qua, nối bước Hạ viện, Thượng viện Mỹ đã chính thức công nhận sự tồn tại của cuộc “Diệt chủng Armenia”. Trước đó, lưỡng viện Mỹ đã đồng loạt thông nhiều dự thảo nhằm mở rộng trừng phạt cá nhân và tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh cấm vận với Iran. Cuộc gặp song phương giữa hai lãnh đạo một ngày sau đó rõ ràng không khiến Ankara nguôi giận. Khi ấy, Ankara có thể dùng Incirlik trao đổi với Washington nhằm thoát cấm vận hay dẫn độ Giáo sỹ Fetullah Gulen về nước.

…hóa của nặng người

Quan trọng hơn, Tổng thống Tayyip Erdogan đã nhiều lần mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9, ông khẳng định: “Vũ khí hạt nhân nên bị cấm sử dụng hoặc được phát triển bởi bất kỳ ai… Thế giới có nhiều hơn 5 quốc gia. Đã đến lúc chúng ta thay đổi tâm thế, thể chế, tổ chức và luật chơi".

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có quyền phát triển vũ khí hạt nhân, đóng vai “nước lớn” để xây dựng lại luật chơi có lợi cho mình. Khi ấy, nước này có thể thu thập dữ liệu, tham khảo thông tin về tài sản chiến lược của Mỹ tại Incirlik. Hàng năm, Lầu Năm góc chi nhiều triệu USD cho công tác an ninh, bảo vệ tuyệt đối cho 50 đầu đạn hạt nhân B-61. Tuy nhiên, tuyên bố của Ankara đồng nghĩa rằng Incirlik có thể bị cô lập và tài sản chiến lược Washington phải thường xuyên đối mặt với sự nhòm ngó của nước sở tại.

Cuối cùng, diễn biến gần đây cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang có động thái xích lại gần Nga, “đối thủ” của Mỹ. Cụ thể, Ankara đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Moscow thay vì các máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35 của Washington, bất chấp cảnh cáo của Lầu Năm góc. Nước này đã phớt lờ thỏa thuận đạt được với Mỹ và tiếp tục triển khai chiến dịch Khởi nguồn Hòa bình và chỉ dừng lại khi đạt được thỏa thuận “phân chia” với Nga.

Sự thân thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng nghĩa rằng một khi căn cứ Không quân Incirlik bị đóng cửa, tài sản chiến lược của Washington trên lãnh thổ của Ankara có nguy cơ bị Moscow tiếp cận và khai thác.

Điều đáng theo dõi ở thời điểm này sẽ là phản ứng của Tổng thống Donald Trump. Từ trước tới nay, ông đã duy trì thái độ tương đối “dĩ hòa vi quý” trong quan hệ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể được lý giải theo hai cách sau. Thứ nhất, ông chủ Nhà Trắng vẫn nhận thức rằng Ankara có vai trò then chốt trong chính sách đối ngoại của Washington tại Trung Đông, đặc biệt là trong việc ổn định tình hình Syria để Mỹ có thể từ từ rút quân, đáp ứng lời hứa khi tranh cử. Thứ hai, đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự toàn vẹn của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dù ông Trump có đánh giá khối này “bớt cần” và “lạc hậu”, song NATO vẫn có vai trò khó thay thế trong chính sách Mỹ.

Tuy nhiên, khi mà lợi ích quốc gia nói chung và tài sản chiến lược của Mỹ nói riêng đang bị đe dọa, ông Trump sẽ làm gì – tiếp tục hòa hoãn hay đồng lòng cùng Quốc hội phản đối Thổ Nhĩ Kỳ? Câu trả lời nằm trong tay ông chủ Nhà Trắng.