📞

Quan hệ Mỹ-Triều và nền Hòa bình "nóng" ở Đông Bắc Á

09:10 | 18/04/2013
"Cái mà chúng ta cần nói lúc này là khả năng hòa bình. Và tôi nghĩ vẫn còn có những khả năng đó" - Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 14/4.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo, ngày 14/4/2013.

Trái với dự đoán của các nhà quan sát, không nhà lãnh đạo cấp cao nào của Mỹ, từ Tổng thống, Bộ trưởng ngoại giao đến Bộ trưởng quốc phòng chọn châu Á là điểm đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình sau khi ông Obama nhậm chức nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, với những ai còn nghi ngờ về cam kết của Mỹ với chiến lược tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phản ứng quân sự quyết liệt của Mỹ đối với Triều Tiên, cùng các tuyên bố không khiêu khích, nhưng cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong suốt chuyến thăm ba nước Hàn Quốc Nhật Bản và Trung Quốc từ 11-14/4 vừa qua là câu trả lời khá rõ ràng.

Trấn an đồng minh, răn đe đối phương

Thông điệp xuyên suốt chuyến đi của ông Kerry là Mỹ luôn sát cánh cùng các đồng minh châu Á của mình, thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước đe dọa của Triều Tiên và chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

Hàn Quốc là nước đồng minh nằm ngay sát giới tuyến và luôn đối mặt với nguy cơ chiến tranh cận kề, đặc biệt kể từ sau khi Bình Nhưỡng chuyển sang tình trạng chiến tranh với Seoul, triển khai các hệ thống tên lửa và đe dọa sẽ tấn công bất cứ lúc nào. Đặc biệt, với 15.000 khẩu pháo được triển khai tại các vị trí trọng yếu xung quanh Seoul, toàn bộ thủ đô và các vùng phụ cận của nền kinh tế lớn thứ 15 trên thế giới có nguy cơ tan thành mây khói trong phút chốc một khi nổ ra chiến tranh. Trong tình thế như vậy, cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc bằng mọi giá của ông Kerry không chỉ khiến người Hàn Quốc yên tâm, mà các đồng minh khác của Mỹ cũng thấy vững lòng.

Với Nhật Bản, mặc dù cách Triều Tiên gần 1000km nhưng vẫn nằm trong tầm hỏa lực tên lửa của Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh Nhật Bản chưa tự đủ sức để bảo vệ trước các cuộc tấn công tên lửa, cùng những lo ngại về sự trỗi dậy quá nhanh và hành động quyết đoán của Trung Quốc thì những cam kết mạnh mẽ từ phía Mỹ sẽ là những liều thuốc "an thần" cần thiết. Trung Quốc tuy được xem là nước có ảnh hưởng nhất đối với Triều Tiên, nhưng việc ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tận dụng tình hình căng thẳng để đẩy mạnh vũ trang, lập thế cân bằng quân sự mới ở Đông Bắc Á gây bất lợi cho Trung Quốc đang khiến Bắc Kinh "đứng, ngồi không yên". Việc ông John Kerry xuất hiện tại Bắc Kinh vào giữa lúc căng thẳng leo thang cho thấy cả hai nước sẽ hợp tác để giải quyết căng thẳng, chứ không ở hai bên chiến tuyến như thời kỳ "Kháng Mỹ, viện Triều" 1950-1953 trước đây. Nhưng việc gây sức ép để Trung Quốc gia tăng áp lực với Triều Tiên cũng không dễ vì ảnh hưởng hiện nay của Trung Quốc ở Triều Tiên khá hạn chế. Ngoài ra Trung Quốc còn có những tính toán riêng trong việc giữ ở bán đảo Triều Tiên ở trạng thái "không hòa, không chiến".

Ưu tiên đàm phán, nhưng...

Tại cả ba nơi viếng thăm, Ngoại trưởng Kerry liên tục phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên nếu nước này thật sự có thiện chí, với mục đích "xì hơi" căng thẳng và tránh cho khu vực rơi vào thảm họa chiến tranh. Tuy mô tả Triều Tiên là một "mối đe dọa không thể chấp nhận được dù theo bất cứ tiêu chuẩn nào", ông Kerry cũng nhấn mạnh, "lựa chọn của chúng tôi là đàm phán, là cùng ngồi vào bàn và tìm ra con đường để khu vực có được hòa bình" và cho biết Mỹ sẵn sàng nối lại đối thoại nếu Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân. Bên cạnh đó, ông Kerry cũng không quên giơ cao củ cà rốt với việc gợi khả năng tái viện trợ tài chính cho Triều Tiên.

Tuy ông Kerry khéo léo trang trí bằng những lời lẽ ngoại giao bên ngoài, nhưng Bình Nhưỡng cũng mau chóng nhận thấy hai yêu cầu tiên quyết của họ để giảm căng thẳng là: (i) được công nhận là "cường quốc" hạt nhân, tức ở vào vị thế và được đối xử ngang như Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc hạt nhân khác; và (ii) việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đảm bảo an ninh từ phía Mỹ không được đáp ứng. Chính vì vậy, Triều Tiên đã bác bỏ các đề nghị hòa đàm của Mỹ, cho rằng "không thực chất".

Còn phía Mỹ không muốn tỏ ra yếu thế đã cho rằng "các phát biểu của ông Kerry đã bị Bình Nhưỡng hiểu sai". Đồng thời, để thể hiện sự cứng rắn, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin NBC ngày 16/4, Tổng thống Obama nhấn mạnh "Mỹ đang áp dụng các biện pháp dự phòng cần thiết và việc tái bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa là để phòng vệ trước các tính toán của Triều Tiên".

Mặc dù chưa đạt được kết quả cụ thể, song qua chuyến thăm đầu tiên đến Đông Á ông Kerry đã thể hiện khá tốt vai trò "quản lý khủng hoảng". Với những gì diễn ra cho đến nay, Mỹ được xem là một trong những bên liên quan "hưởng lợi" nhiều nhất từ cuộc khủng này. Tuy nhiên, nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu thì khả năng Mỹ sẽ mất cả "vốn" lẫn "lời" là rất cao và đây là những thử thách không nhỏ đang đặt lên vai ông Kerry và các cộng sự trong thời gian tới.

Hoàng Tú Linh