📞

Quan hệ Nga - Anh: Ngừng ăn miếng trả miếng

15:28 | 15/09/2011
Tổng thống Dmitry Medvedev và các quan chức Nga đã phải bật cười trước câu chuyện của Thủ tướng Anh David Cameron, hôm 12/9, khi ông đến thăm Điện Kremlin và kể rằng ông đã không qua được cuộc phỏng vấn của các nhân viên KGB (Nga). Không khí cuộc gặp ấm áp hơn như minh chứng cho một sự “phá băng" trong quan hệ Nga-Anh.

Ông Cameron là Thủ tướng Anh đầu tiên thăm Nga kể từ thời cựu Thủ tướng Tony Blair tới St Petersburg dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm 2006. Trong 4 năm qua, không có Bộ trưởng hay nhà ngoại giao nào của Anh tiếp xúc với Thủ tướng Nga Putin.

Quan hệ giữa London và Mátxcơva căng thẳng từ sau vụ cựu nhân viên an ninh Nga Alexander Litvinenko bị ám sát tại London năm 2006. Litvinenko vốn là người công khai chỉ trích Điện Kremlin và bị đầu độc chết bằng chất phóng xạ. London muốn Nga dẫn độ nghi phạm chính trong vụ sát hại này là cựu nhân viên KGB Andrei Lugovoi. Nhưng Mátxcơva cho rằng không có bằng chứng để họ giao Lugovoi, dẫn đến căng thẳng và hai nước lần lượt trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

Trong một lần phát biểu hồi năm ngoái, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã đưa ra các mục tiêu về chính sách đối ngoại và kêu gọi thắt chặt quan hệ với nhiều quốc gia lớn ở EU như Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha mà không đề cập tới nước Anh. Vài tháng trước, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) cũng đã buộc tội 4 nhà ngoại giao Anh làm gián điệp. Điện Kremlin còn giận dữ trước việc Anh cấp phép tị nạn cho một số người chống chính phủ Nga cũng như từ chối lời yêu cầu của Nga về dẫn độ những người này, trong đó có thủ lĩnh phiến quân Chechnya A.Zakayev bị buộc tội khủng bố và tỷ phú lưu vong người Nga B.Berezovsky. Trong khi đó, giới chức Anh cũng than phiền về số gián điệp Nga hoạt động ở Anh ngày càng tăng. Theo AFP, đến nay, Mátxcơva còn thường xuyên từ chối chia sẻ thông tin tình báo về chống khủng bố và tội phạm với London, còn các công ty Anh bị gạt khỏi những dự án hợp tác năng lượng béo bở...

Tiếp ông Cameron, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ đặt nền móng mới cho quan hệ hai nước, vốn lâm vào tình trạng lạnh nhạt suốt nhiều năm theo sau các tranh cãi về chính trị. Tuy nhiên, việc chấm dứt "ăn miếng trả miếng" được đặt trong thời điểm này cũng có lý do của nó. Rõ ràng nước Anh, hiện còn nhiều vấn đề chưa giải quyết với Mátxcơva, đang muốn bắt kịp tốc độ của các nước phương Tây khác trong việc "tái khởi động" quan hệ với Nga. Ngoài ra, để thảo luận các vấn đề nóng nhất hiện nay như Libya, Syria và Iran cùng chủ đề an ninh châu Âu, giới lãnh đạo Anh không thể không tính tới một đối tác như Nga.

Còn về phía Nga, bản thân Tổng thống Medvedev hiểu rằng để điều chỉnh nền kinh tế Nga đang thiên lệch và phụ thuộc vào dầu lửa thì ông cần sự trợ giúp của phương Tây, và "cần quan hệ tốt hơn với thế giới giàu có". Chính vì vậy, thời gian gần đây Nga đã có nhiều dấu hiệu hợp tác như đồng ý với nghị quyết trừng phạt mới của Liên hợp quốc chống Iran, nhanh chóng hủy bỏ việc bán hệ thống phòng thủ chống tên lửa cho Iran hay chuyển một tranh chấp với Na Uy lên LHQ quanh chuyện nhận ranh giới chủ quyền ở Bắc Cực…

Theo Tổng thống Medvedev, hiện nay Nga và Anh đang chú trọng tới việc khôi phục cuộc đối thoại chính trị đầy đủ, bao gồm cả các vấn đề quốc tế cấp bách. Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã chứng tỏ hùng hồn rằng các quốc gia hàng đầu cần chung tay đề ra những nguyên tắc và xây dựng cấu trúc thể chế thế giới hậu khủng hoảng. Về phần mình, Thủ tướng Cameron khẳng định cả Anh và Nga sẽ cùng được lợi nếu quan hệ song phương trở nên gần gũi hơn. "Nếu London và Mátxcơva có thể xây dựng mối quan hệ vững chắc hơn, chắc chắn cả hai nước sẽ có lợi trên mọi lĩnh vực", Thủ tướng Cameron nói. Ông Cameron cho rằng hai bên nên tiến hành nhiều cuộc thảo luận hơn nữa về quan hệ song phương, đặc biệt là về vấn đề thương mại.

Quan hệ hai nước đã có vẻ dần tan băng, nhưng thực sự có nóng lên phải cần có thiện chí và nỗ lực "vì cái lợi chung của hai bên" cũng như còn phải đợi thời gian. Nhất là khi những vướng mắc lớn như vụ án Litvinenko cũng như vấn đề Syria hai bên còn chưa tìm được lập trường chung.

Minh Khôi