Quan hệ Nga-NATO đã rẽ sang một hướng mới khi Moscow chấm dứt sự hiện diện của phái bộ tại tổ chức quân sự trên. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 18/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố sẽ đình chỉ phái bộ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời đóng cửa văn phòng thông tin và liên lạc quân sự của NATO ở Moscow.
Tạm thời, Đại sứ quán Nga tại Brussels sẽ chịu trách nhiệm cho các liên lạc khẩn cấp song phương.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định động thái trên của Moscow nhằm đáp trả việc hồi tuần trước, NATO trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga tại đây với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Cùng ngày, người phát ngôn của NATO Oana Lungescu lấy làm tiếc về hành động của Moscow, song khẳng định: “Chính sách của chúng tôi với Nga sẽ không thay đổi. Chúng tôi đã củng cố năng lực răn đe và phòng thủ trước các hành động quyết đoán của Nga, song chúng tôi cũng sẵn sàng đối thoại khi cần thiết, bao gồm liên lạc qua hội đồng Nga-NATO.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong khuôn khổ NATO, Berlin đã tìm cách đối thoại với Moscow. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) cần nhìn nhận Nga ở thời điểm hiện tại không còn sẵn sàng cho điều đó. Ông cho rằng quyết định đóng cửa phái bộ tại NATO của Nga sẽ gây tồn hại nghiêm trọng tới quan hệ song phương và khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng lấy làm tiếc về “quyết định không hợp lý” của Nga, đồng thời cho rằng Pháp chủ trương cần duy trì đối thoại Nga-NATO từ năm 2014, đặc biệt qua Hội đồng Nga-NATO.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: “Chính sách của NATO với Nga không thay đổi. Đó là đáp trả trước những hành động gây hấn của Nga, đồng thời để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đối thoại có ý nghĩa”.
Trả lời phỏng vấn các phương tiện truyền thông Nga, Giám đốc điều hành Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Andrei Kortunov nhận định, xung đột ngoại giao Nga-NATO tiềm ẩn hệ quả khó lường. Theo ông, hành động dứt khoát của Nga đã chấm dứt hy vọng khôi phục hoạt động liên lạc và phối hợp giữa quân đội hai bên, tăng nguy cơ dẫn đến kết quả tiêu cực một khi có khủng hoảng.
Song liệu động thái của Nga-NATO có thể dẫn tới tình huống xấu nhất? Câu trả lời là không hẳn.
Khó đụng độ
Bởi lẽ, quan hệ Nga-NATO đã có dấu hiệu căng thẳng trong thời gian qua với hàng loạt vấn đề nóng, từ chủ quyền bán đảo Crimea, chiến sự tại Đông Ukraine, vụ cựu điệp viên Nga Sergey Skripal nghi bị đầu độc, đường ống Nord Stream 2, tình hình tại Belarus.
Tuy nhiên, việc nhiều nước châu Âu và NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc hoạt động gián điệp đã là giọt nước tràn ly với Moscow. Trong bối cảnh đó, hành động của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin là bất ngờ, song không khó đoán trước.
Thêm vào đó, đây không phải là lần đầu NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Năm 2018, sau vụ cựu điệp viên Nga Sergey Skripal nghi bị đầu độc tại Anh, NATO đã tiến hành trục xuất nhà ngoại giao Nga và giảm quy mô phái bộ từ 30 xuống 20 người. Tuy nhiên, Nga không có động thái mạnh đáp trả NATO và thay vào đó, tập trung phản bác các cáo buộc của Anh và Mỹ.
Quan trọng hơn, phái bộ của Nga tại NATO và của NATO tại Moscow đã dừng hợp tác chính thức từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea và chủ yếu đóng vai trò là đầu mối liên lạc khẩn cấp. Hội đồng Nga-NATO được các bên đề cập trong tuyên bố cũng không thường xuyên hoạt động.
Do đó, việc đóng cửa văn phòng đại diện và chuyển đầu mối liên lạc khẩn cấp sang Đại sứ quán Nga tại Bỉ là cách Moscow thể hiện thái độ rõ ràng trước việc NATO trục xuất các nhà ngoại giao. Điều này có thể khiến quan hệ Nga-NATO căng thẳng, song sẽ khó dẫn đến đối đầu trên thực địa.
Không ngại đối đầu
Song đó chưa phải là tất cả. Động thái của Nga diễn ra trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine.
Ngày 18/10, ông Austin đã tới Georgia, quốc gia nằm dưới tầm ảnh hưởng của Nga và sẽ thăm Romania, trước khi dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels.
Phát biểu trong họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Andriy Taran ngày 19/10, ông đã thúc giục Nga “chấm dứt chiếm đóng Crimea, ngừng kích động xung đột ở Đông Ukraine, không có hành động gây bất ổn trên Biển Đen và biên giới Ukraine”.
Đồng thời, ông Austin kêu gọi Moscow “chấm dứt tấn công mạng và các hoạt động gây nguy hại tới nước Mỹ, đồng minh và đối tác”.
Đặc biệt, quan chức này nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ với chủ quyền của Ukraine là “không lay chuyển” và sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev xây dựng năng lực phòng thủ.
Ông Austin khẳng định, Ukraine có quyền tự quyết về chính sách đối ngoại mà không chịu sự can thiệp nào từ bên ngoài, đồng thời nhấn mạnh “không quốc gia thứ ba nào có thể phủ quyết các quyết định thành viên của NATO”.
Thời gian qua, quan hệ Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, với vấn đề đường ống Nordstream 2 và đơn xin gia nhập NATO của Kiev ngày một nóng, bên cạnh những câu chuyện về Crimea hay Đông Ukraine.
Khi đó, hành động trên là cách Moscow cảnh báo mọi nỗ lực giúp Kiev gia nhập NATO sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ Nga-phương Tây.