Nữ Hoàng Anh Elizabeth II tiếp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và phu nhân |
Tuy nhiên, khi đoàn đến sân bay Heathrow, báo chí Anh lại dồn sự chú ý vào "đối tác" sánh bước cùng ông chủ Điện Elysée. Tao nhã trong bộ váy áo màu xám của Christian Dior cùng với chiếc mũ bê-rê xinh xắn, tân Đệ nhất Phu nhân Carla Bruni-Sarkozy thậm chí còn được so sánh với Công nương Diana và Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jackie Kennedy. Robert Hardman, người phụ trách một chuyên mục trên tờ Daily Mail viết, "không hề nghe ai bàn tán về mối quan hệ song phương" mà "Carla là chủ đề duy nhất của cuộc đàm luận". Với dòng tít trên trang nhất, tờ Daily Telegraph tổng kết: "Sarkozy cố gắng quyến rũ chúng ta, nhưng tất cả mọi người đều yêu quý Carla". Tờ Daily Mirror "hóm hỉnh" hơn: "Tổng thống Sarkozy được chào đón trở lại, miễn là mang theo cả người vợ Carla".
Đĩnh đạc hơn, đàng hoàng hơn - đó là những gì vị Tổng thống vốn gây điều tiếng về tính khí nóng nảy và phong cách "mất lịch sự" đang muốn thể hiện trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên này. Và tinh tế hơn khi trang phục Christian Dior của Đệ nhất Phu nhân còn mang ngôn ngữ của ngoại giao. Hãy nghe biên tập viên thời trang Carolyn Asome của tờ Time nhận xét, "đó là một sự lựa chọn thời trang ngoại giao, vì Dior là hãng thời trang Pháp nổi tiếng mà thiết kế chính là huyền thoại người Anh John Galliano".
Vài giờ trước khi tới London, ông Sarkozy nói, đây là lúc Anh và Pháp gạt sang bên sự hoài nghi kéo dài và làm ấm lại quan hệ bang giao vốn trở nên "lạnh lẽo" giữa hai người tiền nhiệm Jacques Chirac và Tony Blair xung quanh cuộc chiến Iraq năm 2003. Thực tế có vẻ như phát biểu của Tổng thống Sarkozy trong bài diễn văn gửi tới Quốc hội Anh, Pháp và Anh "chưa bao giờ gần gũi nhau đến vậy". Ông Sarkozy nói rằng ông đã từng muốn có một "tình bằng hữu" Pháp - Anh mới và nhấn mạnh điều mang hai nước láng giềng này đến với nhau còn "mạnh hơn những gì chia cách chúng ta".
Trong cuộc tiếp xúc, cả Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Brown đều nêu rõ thiện chí muốn tạo ra một kỷ nguyên mới của những mối quan hệ gần gũi hơn. Các vấn đề từ tài chính toàn cầu đến Afghanistan cũng được đưa lên bàn thảo luận. Ông Sarkozy tỏ ý muốn Anh và Pháp cùng nâng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dân nhập cư. Khả năng là hai bên sẽ ký các thoả thuận về quốc phòng và phát triển năng lượng nguyên tử giữa hai nước, ra tuyên bố chung về khủng hoảng tài chính toàn cầu và thảo luận về vấn đề nhập cư.
Rõ ràng một chuyến thăm thành công sẽ mang lại lợi ích cho cả Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Brown. Khi tỷ lệ ủng hộ Công đảng giảm, nền kinh tế khó khăn, chuyện ông Sarkozy thành công trên đất Anh sẽ giúp nâng cao hình ảnh Brown trên vũ đài quốc tế. Trong bối cảnh phải chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình "rơi tự do" vì kinh tế và đặc biệt là cuộc sống riêng tư, ông Sarkozy mong muốn cải thiện hình ảnh của mình ở cương vị nguyên thủ. Ở một chừng mực nào đó, cả hai nhà lãnh đạo đã đạt được mục tiêu đó.
Hoàng Tiến