Vụ Snowden chỉ là đỉnh của tảng băng chìm của những rạn nứt trong quan hệ Nga - Mỹ? |
Sự kiện nước Nga gần đây đã cho phép Edward Snowden, “người thổi còi” đã tiết lộ với toàn thế giới về chương trình nghe lén của Mỹ được tị nạn tại quốc gia này và hành động trả đũa từ phía Mỹ huỷ bỏ cuộc họp thượng đỉnh dự kiến tháng 9 tới giữa người đứng đầu hai nước đã làm dấy lên những quan ngại về rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Nga. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quát, vụ Snowden thực chất chỉ là đỉnh của tảng băng bên trong ẩn chứa các vết nứt rạn và vực sâu ngăn cản quan hệ Mỹ-Nga.
Sự kiện được “thổi phồng”?
Phản ứng tức thời và gay gắt của phía Mỹ trong vụ Snowden đã vô tình phóng đại tầm ảnh hưởng của sự việc này và khiến dư luận lầm tưởng đây là trở ngại chính làm cho quan hệ Mỹ và Nga trở nên căng thẳng. Khi biết tin cựu nhân viên An ninh Quốc gia Mỹ Snowden đang lẩn trốn tại sân bay quốc tế Sheremetyevo của Nga, Tổng thống Obama ngay lập tức yêu cầu Nga trao trả Snowden cho Mỹ để xét xử với tội danh gián điệp, đồng thời cảnh báo rằng bất cứ sự thiếu hợp tác nào từ Moscow cũng có hậu quả tiêu cực tới quan hệ song phương. Ngay khi Nga công bố cho phép Snowden tị nạn tạm thời 1 năm tại nước này, phía Mỹ đã phản ứng quyết liệt – nhiều nghị sỹ Cộng hòa lẫn Dân chủ yêu cầu hủy vai trò chủ tịch của Nga trong Hội nghị G-20 vào tháng 9 tới hay yêu cầu tẩy chay Thế vận hội Mùa đông diễn ra tại Sochi, Nga, năm 2014.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Nga “đã hành động phù hợp với luật pháp Nga và nghĩa vụ quốc tế của mình”. Quả thực, ngay khi Snowden đặt chân vào lãnh thổ Nga, nước này đã ngăn chặn, đưa cựu nhân viên an ninh vào khu vực quá cảnh trong vòng năm tuần rồi mới xét đơn xin tị nạn. Việc Nga kiên quyết từ chối dẫn độ Snowden với lý do nước này không có trách nhiệm phải làm vậy cũng hợp lý khi giữa Nga và Mỹ không ký kết Hiệp định về dẫn độ. Chắc chắn trong trường hợp ngược lại, Mỹ cũng chẳng ngần ngại khi từ chối trả một kẻ đào ngũ người Nga về nước.
Sâu xa hơn, phần đông người Nga tin rằng với vị thế nước lớn của mình, họ có quyền nói chuyện ngang bằng với Mỹ chứ không ở thế Mỹ muốn ép làm gì cũng được. Việc ông Obama sau đó quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin đã được ấn định từ trước lại càng khiến dư luận tin tưởng rằng căng thẳng trong mối quan hệ này đang dần gia tăng.
Vấn đề nhỏ trong cục diện lớn
Bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga hiện đang tồn tại hàng loạt những bất đồng quan điểm, xét ra còn quan trọng hơn vấn đề Snowden. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, tuy đã mất đi vị thế siêu cường, nhưng Nga luôn coi mình là nước lớn, có lợi ích toàn cầu và không nhất thiết song trùng với lợi ích của Mỹ. Trước hết, trong vấn đề phòng thủ tên lửa ở Châu Âu, Nga đã phản đối hết sức quyết liệt và buộc Nhà trắng phải đi đến nhượng bộ. Hay trong chương trình hạt nhân của Iran, cái “lắc đầu” của Nga cũng khiến Mỹ phải cân nhắc lại và từ chối giải pháp quân sự. Căng thẳng Nga-Mỹ càng hiện hữu trong vấn đề Syria khi Nga đã nhiều lần khước từ đề nghị của Washington và vẫn tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phe “nổi dậy”. Hay gần đây nhất, ông Obama đã bày tỏ sự thất vọng về luật mới chống người đồng tính của nước Nga.
Như phát ngôn viên Nhà Trắng John Carney mới đây thừa nhận “Vụ việc Snowden chỉ là một trong những vấn đề gây ra bất đồng giữa hai nước” và quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin còn liên quan đến một loạt những sự khác biệt giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin.
Có thể khẳng định quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga trước thềm Hội nghị G-20 là việc “cực chẳng đã” trong bối cảnh Obama rất cần duy trì mối quan hệ tốt với Nga để xử lý hàng loạt các thách thức mang tính toàn cầu. Tuy nhiên dư luận Mỹ lại không nghĩ như vậy. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Robert Menendez,cho rằng hành động của Nga sẽ làm tổn hại mối quan hệ song phương, còn Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa, John McCain, miêu tả quyết định của Nga là“điều ô nhục” và kêu gọi xem xét lại một cách căn bản mối quan hệ của Mỹ với Nga… Do đó quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Nga của ông Obama còn nhằm xoa dịu dư luận trong nước.
Mặc dù vậy, Chính quyền Mỹ cho biết sẽ không chấm dứt hoàn toàn các mối liên hệ cấp cao. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng vừa rồi đã có cuộc gặp “tích cực và xây dựng” trong khuôn khổ quan hệ song phương Nga-Mỹ về một loạt các vấn đề như Syria, Afghanistan, Iran và bán đảo Triều Tiên, và vấn đề Snowden đã “không thống trị hoặc làm lu mờ chương trình nghị sự.” Còn Tổng thống Obam vẫn có kế hoạch dự hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp G20 tại St Petersburg, Nga, vào đầu tháng 9 tới.
Ngô Minh Hằng