Iran và Nga đều không giấu diếm tham vọng cho Mỹ “ra rìa” ở Trung Đông. Trong chuyến thăm gần đây tới Tehran của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei đã nói với Putin rằng: “Sự hợp tác của chúng ta có thể cô lập Mỹ”. Về phần mình, ông Putin cũng ca ngợi mối quan hệ giữa Moscow - Tehran là “rất hiệu quả”.
Rõ ràng, liên minh Nga - Iran đã gặt hái được thành quả ở Syria, nơi hợp tác quân sự Moscow - Tehran đã giúp lật ngược tình thế theo hướng có lợi cho đồng minh chung của họ là Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khiến Mỹ phải từ bỏ mục tiêu buộc Assad rời khỏi quyền lực.
Tuy nhiên, dù Washington vẫn nên thận trọng với liên minh Nga - Iran, song đây có vẻ là một “cuộc hôn nhân vụ lợi” hơn là một “liên minh chiến lược” - và một trong những vết rạn nứt đã bắt đầu hình thành. Việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria dường như đã cho thấy những khác biệt quan trọng trong mục tiêu và chiến thuật của ông Putin và ông Khamenei.
Tổng thống Nga Putin và Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei trong một cuồc gặp năm 2015. (Nguồn: Reuters) |
Đồng sàng dị mộng tại Syria
Mục tiêu cuối cùng của Moscow là ngăn chặn sự thay đổi chế độ, thúc đẩy ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và giữ các căn cứ quân sự của nước này ở Syria. Ông Putin hy vọng những mục tiêu này sẽ giúp ông giành các lợi thế về ngoại giao ở phương Tây và thúc đẩy Mỹ công nhận Nga là một đối thủ ngang hàng.
Tuy nhiên, dù Moscow coi Assad là nhà lãnh đạo hợp pháp của Syria, song sự quan tâm chính của ông Putin vẫn là bảo vệ và củng cố các thể chế nhà nước Syria hơn là bản thân Assad. Nga thậm chí còn gợi ý các đối tác phương Tây rằng Moscow sẽ chấp nhận để Assad “ra đi”, miễn là việc này trở thành một phần trong tiến trình hòa bình chung.
Ngược lại, Iran coi sự ra đi của Assad là một “lằn ranh đỏ” và tin rằng việc để nhà lãnh đạo Syria tiếp tục nắm quyền là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với hai mục tiêu chính của mình. Đầu tiên, việc một nhà lãnh đạo thân Iran tại vị sẽ giúp Tehran vừa duy trì cung cấp vũ khí cho Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shi'ite, được Iran xem là lực lượng “ủy nhiệm”, vừa xây dựng một hành lang ảnh hưởng của Shi’ite và “không có người Sunni" kéo dài từ Iran tới Địa Trung Hải.
Thứ hai, Iran tin rằng sự hiện diện của họ tại Syria là đặc biệt quan trọng đối với khả năng gây áp lực cho Israel từ cả Lebanon và Syria. Do đó, Tehran quyết tâm duy trì và “mượn tay” các nhóm dân sự người Shi’ite tại Syria. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) muốn biến các lực lượng này trở thành một tổ chức chính trị và quân sự được thể chế hoá tương tự như Hezbollah ở Lebanon. Ý đồ này mâu thuẫn với mong muốn của Nga nhằm xây dựng một Syria mạnh mẽ hơn và giảm sự phụ thuộc của quốc gia Trung Đông này vào Iran.
Nga và Iran cùng chiến tuyến tại Syria nhưng với mục đích khác nhau - Ảnh minh họa. (Nguồn: Sputnik) |
Đã đến lúc chia tay?
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngoại giao về tương lai của Syria bắt đầu “tăng nhiệt”, những khác biệt giữa mục tiêu của Nga và Iran cũng trở nên sâu sắc hơn. Iran cho rằng việc Nga sẵn sàng hợp tác với những nước như Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm suy yếu lợi ích của Iran tại Syria. Các nhà lãnh đạo Iran cũng bày tỏ quan ngại về mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một số thông tin được truyền thông Iran đăng tải cho biết Tehran đã tức giận khi ông Putin thông báo cho Mỹ về các mục tiêu của Moscow trước cả khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh tại Sochi hồi tháng 11/2017 giữa Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Việc Nga sẵn sàng hợp tác với nhiều đối tác trong vấn đề Syria phản ánh chính sách rộng lớn hơn của cường quốc này tại Trung Đông, chính sách được một nhà phân tích hàng đầu tại Nga miêu tả bằng cái tên “học thuyết linh hoạt”. Đây cũng là yếu tố có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Putin.
Một ví dụ điển hình là việc Nga muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Saudi Arabia. Tổng thống Putin cho rằng hợp tác Nga - Saudi Arabia là cần thiết để hạn chế sản lượng dầu mỏ và đẩy giá dầu lên cao - những yếu tố rất cần để đảm bảo hai mục tiêu mà ông hướng đến là gia tăng sức mạnh quân sự và củng cố những vấn đề nội tại của Nga. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt tại Trung Đông giữa Iran theo dòng Hồi giáo Shi’ite và Saudi Arabia theo dòng Sunni. Vì vậy, Tehran không hài lòng với việc Moscow thay đổi thái độ sau nhiều năm căng thẳng với Riyadh.
Mối quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Netanyahu đang làm Iran "nóng mặt". (Nguồn: Russia Now) |
Dưới sự lãnh đạo của Putin, Nga cũng đã phát triển quan hệ tốt đẹp chưa từng có với Israel. Putin là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đến thăm Israel hai lần và cũng đã nhiều lần đón tiếp thành công Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về lợi ích của Israel ở Syria. Ông cũng có “mối quan hệ cá nhân tốt đẹp” với ông Netanyahu và đã “chỉ thị” cả ông Assad lẫn lực lượng Hezbollah không trả đũa các cuộc tấn công của Israel ở Syria.
Nhà lãnh đạo Nga thậm chí còn thúc đẩy một thỏa thuận nhằm ngăn chặn các thế lực nước ngoài lợi dụng Syria làm bàn đạp để tấn công nước láng giềng Israel, một lập trường đối lập hoàn toàn với mục tiêu của Iran là lợi dụng Syria để gây áp lực với khu vực biên giới phía Bắc Israel. Khi căng thẳng Iran - Israel ngày càng sâu sắc, mối quan hệ tốt đẹp giữa Moscow với nhà nước Do Thái có thể khiến căng thẳng vốn có trong quan hệ Nga - Iran thêm trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Mỹ cần duy trì sự chủ động ở Trung Đông và tránh thể hiện rằng họ đang từ bỏ khu vực. Mỹ cũng có thể tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, bởi điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chính Mỹ, mà còn khiến Iran ngờ vực và lo sợ Nga sẽ “bán đứng” Iran để đổi lấy một mối quan hệ nồng ấm hơn với phương Tây. Đây rõ ràng không phải là một “canh bạc” dễ chơi, song nếu Washington biết chọn đúng quân “át chủ bài”, họ vẫn có thể làm suy yếu liên minh chiến lược mà Moscow và Tehran đều rất cần này.