📞

Rào cản vào giờ chót trong đàm phán liên minh tại Đức

15:23 | 12/01/2018
Các chính đảng hàng đầu của Đức vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại lớn để đạt được một thỏa thuận về liên minh mới, trong khi vòng đàm phán đang dần khép lại.

Sau hơn 15 giờ đàm phán và vẫn chưa có dấu hiệu đạt được thỏa thuận giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), truyền thông Đức đưa tin các cuộc đàm phán có thể kéo dài thời hạn chót sang ngày 12/1. 

Bà Merkel, người đang vật lộn để thành lập một chính phủ mới để cứu vãn tương lai chính trị của bà, đã cảnh báo rằng đây là “ngày đàm phán khó khăn” và CDU sẽ “làm việc mang tính xây dựng để tìm ra các thỏa hiệp cần thiết, nhưng chúng tôi cũng nhận thức rõ rằng chúng ta cần thi hành các chính sách đúng đắn cho đất nước chúng ta”.

Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz cũng nhắc tới các “trở ngại lớn” trong ngày cuối cùng của vòng đàm phán sơ bộ khi các đảng phái vẫn thăm dò quan điểm của phía còn lại về việc chuyển sang các cuộc đàm phán liên minh chính thức hay không. Đảng của ông muốn đảm bảo chính phủ mới cam kết “làm tất cả mọi thứ để hướng tới cải tổ Liên minh châu Âu (EU)”. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thì nhắc nhở tất cả các bên rằng họ “phải có trách nhiệm với châu Âu và với sự tin cậy, quan hệ đối tác và hợp tác trên trường quốc tế”.

Đáng chú ý, các vấn đề liên quan đến tài chính đã nổi lên biến thành trở ngại chính trong đàm phán, ngay cả khi Đức đã có tốc độ tăng trưởng thực chất trong năm 2017 và thặng dư ở mức kỷ lục.

Chủ tịch Đảng SPC Martin Schulz và Thủ tướng Angela Merkel vẫn gặp nhiều trở ngại thành lập Chính phủ liên minh. (Nguồn: AFP)

Một Berlin bối rối

Điều này dẫn tới nhiều lời kêu gọi bà Merkel, một người theo chủ nghĩa thực dụng, sử dụng “vận may bất ngờ này” để công bố tầm nhìn cho tương lai nước Đức. Tờ Bild đặt câu hỏi rằng “Kế hoạch của bà cho nước Đức là gì”, và sau đó viết rằng “Thực tế ở đây là: tiền bạc là thứ luôn sẵn có”. Tờ báo đề xuất bà Merkel tái cấu trúc y tế, thúc đẩy trật tự công cộng hay vạch ra các mục tiêu mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. 

Giới doanh nghiệp Đức cũng đưa ra lời kêu gọi đó, với việc Phòng Thương mại và Công nghiệp DIHK đề xuất bà sử dụng “vận may về tài chính” này để đơn giản hóa bộ máy quan liêu trong khi một số khác đang thúc đẩy việc cắt giảm thuế. Tuy nhiên, Chủ tịch SPD Martin Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu, đang theo đuổi một tầm nhìn khác, kêu gọi việc thành lập một nước Mỹ của châu Âu trước năm 2025 - ý tưởng bị nhiều nhân vật bảo thủ coi là “điều điên rồ”.

Karl-Rudolf Korte, nhà phân tích chính trị tại đại học Duisburg-Essen, nói rằng bà Merkel đang vô cùng mong muốn các cuộc đàm phán này thành công, cũng như ông Schulz và ông Horst Seehofer - Chủ tịch đảng CSU. Phát biểu với đài phát thanh ZDF, ông nói: “Các cuộc đàm phán này không chỉ bàn về việc thành lập liên minh mà còn về sự nghiệp của chính họ. Đây sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của 3 nhà lãnh đạo này nếu liên minh không được thành lập”.

Đức cần ổn định chính trị, tiếp tục phát triển kinh tế để duy trì vị thế dẫn dắt châu Âu. (Nguồn: Europarl)

Chia rẽ về thuế

Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi không kém trong cuộc đàm phán liên quan đến phân bổ thuế. Với việc tìm cách thúc đẩy chương trình phúc lợi xã hội, đảng SPD đang đòi hỏi giảm thuế cho những người thu nhập thấp và trung bình, trong khi yêu cầu tăng thuế với những người có thu nhập cao. Tuy nhiên, đảng CSU, đồng minh của bà Merkel, sẽ không chấp nhận việc tăng thuế. 

Theo nhật báo Bild, một nhà đàm phán của đảng SPD, yêu cầu giấu tên, nói rằng việc đạt được một thỏa thuận với đảng CDU “không phải là vấn đề, nhưng đảng CSU đang cản trở mọi thứ”. 

Bên cạnh các vấn đề tài chính và chi tiêu, các đảng đang vật lộn để né tránh sự “xâm lấn” của các đảng cánh hữu, vốn đang tận dụng sự tức giận của người dân về vấn đề người tị nạn và có được kết quả cao kỷ lục trong cuộc bầu cử hồi tháng 9/2017. Để ngăn chặn tình trạng các đảng trở nên theo quan điểm thiên hữu, liên minh của bà Merkel muốn có quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề nhập cư, điều khó có thể chấp nhận với đảng trung tả SPD. 

Người đại diện của đảng CSU, ông Markus Soeder trong cuộc họp báo về thành lập Chính phủ liên minh ngày 11/1. (Nguồn: Reuters)

Các hoài nghi chính đáng 

Ngay cả khi thỏa thuận thành hình, nó vẫn có thể bị phá vỡ khi các đại biểu và các thành viên của đảng SPD bỏ phiếu để quyết định xem liệu đảng này có nên điều hành đất nước một lần nữa dưới cái bóng của bà Merkel hay không. Kevin Kuehnert, lãnh đạo cánh thanh niên của đảng SPD cho biết sẽ bắt đầu công du khắp cả nước để phản đối một Đại liên minh mới. Ông nói: “Các thành viên trong đảng vẫn thể hiện thái độ thờ ơ, chán nản về việc thành lập một Đại liên minh. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng chúng tôi có cơ hội tốt”. 

Công bố của tạp chí Focus cho thấy chỉ có 30% người dân Đức ủng hộ việc trở lại liên minh CDU/CSU và đảng SPD, trong khi 34% mong muốn tiến hành cuộc bầu cử mới. Một khảo sát khác được công bố bởi đài phát thanh ARD chỉ ra 45% người được hỏi cho biết việc thành lập một đại liên minh mới là mang tính tích cực, trong khi 52% trả lời ngược lại.

Điều tra của tờ Handelsblatt thống kê 56% người được hỏi tin rằng bà Merkel sẽ không thể tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ 4. Thật vậy, tương lai của nữ Thủ tướng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cuộc đàm phán liên minh Chính phủ lần này.

(theo AFP/Reuters)