📞

RCEP cho thấy bất lợi của Mỹ và vai trò nổi bật của Trung Quốc

Khắc Hiếu 15:00 | 03/01/2022
Sự ra mắt của RCEP diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang tìm kiếm những vai trò lớn hơn trong việc đưa ra các quy tắc thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi Mỹ hầu như vắng mặt.
Ngày 1/1, Trung Quốc khai trương chuyến tàu RCEP đầu tiên đến Việt Nam. Trong ảnh, container chở hàng hóa được xếp lên tàu trước giờ khởi hành. (Nguồn: People's Daily)

Theo Wall Street Journal, Trung Quốc cùng với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng Mỹ lại đứng ngoài thỏa thuận này.

Mỹ đang đi theo hướng khác?

RCEP sẽ loại bỏ hơn 90% dòng thuế quan đối với hoạt động trao đổi thương mại giữa 15 quốc gia thành viên. Các nhà kinh tế cho rằng, điều này sẽ đem lại lợi ích cực kỳ to lớn cho thương mại khu vực. Đặc biệt, thỏa thuận này sẽ đem lại cho Trung Quốc một vai trò nổi bật hơn trong việc thiết lập các quy tắc thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gây bất lợi cho Mỹ.

Bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện chính sách Á châu (ASPI), nói: “Đây sẽ là một thỏa thuận bao gồm một nhóm các nước sẽ làm việc cùng nhau và cố gắng xây dựng các quy tắc mới và tiêu chuẩn mới. Trong khi đó, Mỹ lại đang đi theo hướng khác”.

Trung Quốc đã bị loại khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một hiệp định thương mại mà Mỹ xây dựng để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi TPP vào năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - người cho rằng hiệp định này gây tổn hại cho người lao động Mỹ.

Nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng phản đối thỏa thuận và chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã cho biết, không có kế hoạch tái gia nhập TPP, nay đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) .

Ông Henry Gao, chuyên gia thương mại châu Á và Phó Giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, nhận định, thỏa thuận RCEP có thể là một lời cảnh tỉnh cho Mỹ xem xét lại chiến lược của nước này cũng như việc quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giáo sư Gao cho biết, RCEP sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi đưa các phụ tùng và linh kiện do nước này sản xuất trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà máy tạo nên chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á, cũng như thông qua thúc đẩy thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thỏa thuận RCEP do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khởi xướng vào năm 2012 nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á. Bà Cutler, người làm việc với Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vào thời điểm đó, cho biết, Mỹ không được mời tham gia. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng RCEP quá yếu và thiếu các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết Nhà Trắng nhận thấy sự cần thiết để Mỹ can dự kinh tế vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra.

Với việc các nước thành viên chiếm tới 30% dân số và GDP toàn cầu, RCEP trở thành hiệp định thương mại khu vực lớn nhất thế giới, vượt qua Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) và Liên minh Hải quan châu Âu.

Thỏa thuận trên nhằm mục đích xóa bỏ hầu hết các loại thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu giữa các quốc gia trong vòng 20 năm và thiết lập các tiêu chuẩn chung về quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Tuy vậy, một số nhà phân tích thương mại cho biết, RCEP vẫn chưa giải quyết được các vấn đề được coi là điểm yếu của Trung Quốc, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, cũng như sự hỗ trợ của nước này đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Trong một bức thư ngày 8/11, 13 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Biden tham gia vào việc xây dựng quy tắc thương mại mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các thượng nghị sỹ này cho rằng, sự vắng mặt của Mỹ đã “khuyến khích các đối tác tiềm tàng tiến lên phía trước mà không có Mỹ”.

Cơ hội để xây dựng và củng cố chuỗi cung ứng bên trong châu Á

Sự ra mắt của RCEP diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang tìm kiếm những vai trò lớn hơn trong việc đưa ra các quy tắc thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khi Mỹ hầu như không có mặt.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA), một thỏa thuận mới đầy tham vọng giữa Chile, New Zealand và Singapore nhằm xây dựng các tiêu chuẩn chung trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Một số chuyên gia coi DEPA là hình mẫu cho một thỏa thuận trong tương lai cho khu vực rộng lớn hơn.

Nhấn mạnh những tiến bộ mà Trung Quốc đã đạt được trong việc mở cửa nền kinh tế trong bài phát biểu ngày 5/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ ra rằng, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn RCEP trong nước. Ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ tích cực hướng tới việc gia nhập CPTPP và DEPA.

Là hiệp định thương mại tự do đầu tiên liên kết Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia này một cách đáng kể.

Thuế quan sẽ được xóa bỏ đối với 86% hàng hóa công nghiệp xuất khẩu từ Nhật Bản sang Trung Quốc, tăng so với mức 8% hiện nay, bao gồm việc loại bỏ thuế đối với 87% phụ tùng ô tô xuất khẩu trị giá gần 45 tỷ USD hàng năm. Khoảng 92% sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản sẽ được xuất khẩu miễn thuế sang Hàn Quốc, so với 19% hiện nay.

Viện Brookings ước tính, RCEP có thể tạo thêm 209 tỷ USD hàng năm đối với thu nhập thế giới và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, đặc điểm đáng chú ý nhất của RCEP là các quy tắc xuất xứ linh hoạt. Thỏa thuận này chỉ yêu cầu 40% hàm lượng của một sản phẩm có nguồn gốc trong khối RCEP để đủ điều kiện được miễn thuế, so với mức 50% đến 60% đối với USMCA.

Ông Jeffrey Schott, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng, “điều đó mang lại rất nhiều cơ hội để xây dựng và củng cố chuỗi cung ứng bên trong khu vực châu Á”.

(theo Wall Street Journal, TTXVN)