📞

Sắc lệnh di trú mới của Mỹ về đâu?

15:52 | 24/02/2017
Sắc lệnh di trú được đưa ra hồi tháng Một của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị tòa án Mỹ “đóng băng” và Nhà Trắng hứa hẹn sẽ sớm ban hành một sắc lệnh mới.

Sắc lệnh di trú trước đó đã vấp phải thách thức pháp lý, tình trạng hỗn loạn tại các sân bay cũng như các cuộc biểu tình quy mô lớn. Nhà Trắng dự đoán con đường triển khai phía trước sẽ suôn sẻ hơn trong lần thứ hai. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer dự báo “sắc lệnh này sẽ được triển khai suôn sẻ bởi sự tận tâm của các quan chức”.

Cho dù nội dung của chính sách mới là gì đi chăng nữa, các vụ kiện liên quan đến các mục đích của sắc lệnh này được cho là sẽ xảy ra. Dưới đây là một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

Người dân tham gia biểu tình chống lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump tại New York, ngày 2/2. (Nguồn: Reuters).

Thời điểm ban hành và nội dung của sắc lệnh mới?

Nhà Trắng cho biết sắc lệnh mới sẽ được đưa ra vào tuần tới, dù không nói rõ thời điểm chính xác. Stephen Miller, cố vấn của ông Trump, phát biểu tại trụ sở hãng Fox News tuần này rằng sắc lệnh mới sẽ tương tự như sắc lệnh đầu tiên, và “chủ yếu bao gồm các thay đổi nhỏ về mặt kỹ thuật” để phản ứng trước những quan điểm phản đối của các thẩm phán, những người đã chặn sắc lệnh này.

David Levine, giáo sư đại học California (UCLA), cho rằng sắc lệnh mới có thể có hiệu lực ngay lập tức và sẽ không bị ngăn chặn bởi phán quyết đình chỉ sắc lệnh hiện hành của tòa án. Ông Levine nói rằng các luật lệ và quy định mới được cho là có hiệu lực cho đến khi một tòa án ra phán quyết ngược lại.

Sắc lệnh mới sẽ vấp phải thách thức pháp lý?

Câu trả lời gần như chắc chắn là “Có”. Jon Michaels, giáo sư luật của đại học UCLA, cho rằng rất khó có thể tưởng tượng một sắc lệnh nào có thể lắng dịu các quan ngại của các nhóm bảo vệ quyền của người di cư cũng như của các nhóm phản đối khác. Ông Michaels nói: “Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều thách thức”.

Stephen Vladeck, giáo sư luật của đại học Texas, cho rằng sự trở lại của tình trạng hỗn loạn như sau khi sắc lệnh ban đầu được đưa ra là hoàn toàn có thể. Ông nói: “Chắc chắn, tình hình sẽ rất hỗn loạn”. Tuy nhiên, chính quyền khẳng định rằng điều đó sẽ không xảy ra.

Ngày 23/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết chính quyền đã “thu thập ý kiến phản hồi và góp ý, và đã tiếp thu một cách toàn diện để đảm bảo rằng các bộ và các cơ quan thi hành sắc lệnh này sẽ nhận thức được điều gì đang diễn ra”. Ông cho biết chính quyền lường trước được sẽ có nhiều thách thức pháp lý mới, nhưng Nhà Trắng sẽ chuẩn bị tốt hơn.

Sắc lệnh mới có phù hợp với Hiến pháp?

Điều này khó có thể khẳng định. Ví dụ như, phán quyết của Tòa án phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Mỹ nói rằng sắc lệnh di trú đầu tiên đã vi phạm các quyền theo Hiến pháp của những người có thẻ xanh, đó là được thông báo và ra điều trần trước khi họ bị hạn chế đi lại. Bất kỳ chính sách mới nào cũng cần phải giải quyết thấu đáo quan ngại này.

Bộ Tư pháp lập luận rằng một lệnh cấm không ảnh hưởng đến người mang thẻ xanh và chỉ tập trung vào người nước ngoài từ 7 quốc gia trong danh sách cấm, những người chưa bao giờ đặt chân tới Mỹ, sẽ hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, tòa án nói rằng lập luận của bang Washington và bang Minnesota cũng hợp lý bởi thậm chí những người nước ngoài này cũng có quyền theo hiến pháp được thách thức sắc lệnh này.

Chris Edelson, chuyên gia về quyền lực của tổng thống tại Đại học Mỹ ở Washington, nói: “Nếu chính quyền nói: ‘Chúng tôi muốn có một lệnh cấm áp dụng với công dân của 7 quốc gia này’, thì tôi sẽ nói với chính quyền rằng: ‘Chúng tôi sẽ cố gắng, nhưng có khả năng các tòa án sẽ nói rằng hiện có một vấn đề vi hiến ở đây”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Điều gì sẽ xảy ra với các vụ kiện cũ?

Các chuyên gia pháp lý cho rằng nếu sắc lệnh ban đầu được chính thức hủy bỏ và thay thế, theo như đặc quyền của tổng thống, khi đó các vụ kiện pháp lý phản đối sắc lệnh này cũng bị hủy bỏ khi sự tập trung đổ dồn về chính sách mới.

Tuy nhiên, Simona Grossi, chuyên gia về các thủ tục của tòa án liên bang tại trường Luật Loyola tại Los Angeles, cho rằng chính quyền không thể dễ dàng thoát khỏi “cái bóng” của vụ kiện hiện tại trước Tòa án phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9. Bà cho rằng sắc lệnh mới không được vấp phải các vấn đề vi hiến nào như sắc lệnh ban đầu và chính quyền phải cho thấy sắc lệnh đầu tiên sẽ không được khôi phục trong tương lai.

(theo AP)