Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhóm G7 quyết tâm triển khai sáng kiến B3W như đối trọng với BRI của Trung Quốc. (Nguồn: News Wolf) |
Lãnh đạo nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc 3 ngày nhóm họp (11-13/6) bằng việc ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền.
Ở trung tâm hội nghị thượng đỉnh, một sáng kiến về đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu được đề xuất nhằm tạo ra phương án thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Sáng kiến này có tên gọi “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, viết tắt là B3W.
Tuy thông tin cụ thể về sáng kiến này ít được đề cập trong thông cáo chung của G7, song Nhà Trắng đã đăng tải một bài viết giải thích chi tiết hơn, trong đó nhấn mạnh các mối quan hệ chiến lược bền vững, quản trị tốt và các nguyên tắc được thúc đẩy dựa trên giá trị.
Sáng kiến mới, đối trọng mới
Ý tưởng đằng sau sáng kiến này là điều mà nhiều nhà phân tích đã nghĩ đến trong thời gian dài, trong bối cảnh có nhiều ý kiến chỉ trích với BRI.
Theo quan điểm của phương Tây, BRI được cho là thiếu minh bạch. Đây là một trong những nguyên nhân chính tác động đến sự phát triển chậm lại của BRI trong những năm qua. Vì vậy, điều này tạo ra cơ hội cho các nước G7 thiết lập một cơ chế thay thế.
Việc ngày càng có nhiều quốc gia tham gia BRI khiến cho Mỹ càng thêm e ngại, bởi các sáng kiến của Washington chưa thể trở thành những dự án thực tế.
Tuy vậy, các sáng kiến của Nhật Bản, Ấn Độ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhận được sự ủng hộ, thể hiện nhu cầu xây dựng các dự án thay thế cho BRI.
Năm 2019, Bộ Quy tắc về Chất lượng Đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật Bản được các nhà lãnh đạo nhóm 20 nước phát triển và mới nổi (G20) tán thành.
Cũng trong năm đó, EU và Nhật Bản tuyên bố ký Hiệp định Đối tác về Kết nối bền vững và Chất lượng cơ sở hạ tầng. Vào tháng 1 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết về Chiến lược Kết nối Toàn cầu của EU. Đây là sự mở rộng của Chiến lược Kết nối EU - châu Á.
Nỗ lực từ phía các nước đồng minh của Mỹ cho thấy những mối quan ngại chung với BRI. Trong bối cảnh này, Mỹ đã hiểu ra nhu cầu và đưa ra một lựa chọn khác như “Mạng lưới điểm xanh”, sáng kiến ra mắt năm 2018 cùng Nhật Bản và Australia. Dù được nhìn nhận tích cực, song các sáng kiến này đều được triển khai khá chậm chạp.
Sáng kiến B3W của G7 có thể là bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, các nền kinh tế G7 vẫn đang cố gắng phục hồi sau cuộc khủng hoảngdo đại dịch Covid-19.
Việc nước Anh cắt giảm khoản viện trợ nước ngoài thể hiện sự khó khăn mà xứ sở sương mù đang phải đối mặt, đồng thời cho thấy những mối lo về khả năng các nước huy động đủ vốn để duy trì sáng kiến này.
Các dự án về cơ sở hạ tầng yêu cầu lượng vốn lớn đến từ khu vực tư nhân của các nước thành viên.
Tuy vậy, các quốc gia này vẫn đang tìm cách thu hút nguồn vốn từ Trung Quốc để sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng trên chính nước mình. Điều này sẽ làm tình hình thêm phức tạp và có thể nảy sinh nhiều vấn đề khi các cuộc thảo luận thực chất bắt đầu diễn ra.
Hướng đi nào cho B3W?
Với những khó khăn này, B3W sẽ khởi đầu như một nỗ lực vừa phải để đối phó với BRI. Do đó, các dự án của B3W có thể sẽ tiến triển một cách chậm chạp, giống như dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Vì vậy, Mỹ và các nước G7 cần rút ra các bài học từ BRI để không mắc phải những sai lầm tương tự, chẳng hạn như trong quá trình tái đàm phán nợ, khi Sri Lanka chấp nhận quyền kiểm soát cảng Hambantota, còn Pakistan đòi hỏi các điều khoản tốt hơn về CPEC.
Đây có thể được xem là những lời cảnh báo cho Washington và các đối tác.
Dù sao, giới quan sát nhìn nhận rằng, B3W có khả năng đánh bại BRI trong dài hạn nếu sáng kiến này tiếp tục cam kết với những dự án nhỏ thí điểm và dần lôi cuốn các quốc gia khác vốn bắt đầu lo ngại về BRI.
Nếu xét đến các khoản nợ của các quốc gia này với Trung Quốc và những tác động có thể có của Bắc Kinh lên chính sách của các quốc gia này nếu khoản nợ không được hoàn trả; sự thiếu niềm tin giữa Trung Quốc và các nước tham gia BRI sẽ gia tăng, tạo cơ hội cho B3W thiết lập một khuôn khổ với các chính sách vay-cho vay thực tế.
Nước Mỹ cần chuẩn bị nhiều yếu tố nếu muốn B3W thành công. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần truyền đi thông điệp rằng, dự án này khá sát sườn với lợi ích chiến lược của các quốc gia đang phát triển.
B3W không chỉ là một công cụ về kinh tế - phát triển. Đây còn là vấn đề chiến lược: liệu phương Tây có thể đáp trả ảnh hưởng của Trung Quốc hay không.
Không khó để giải thích tại sao Mỹ muốn khởi động sáng kiến này. Ngoài cơ sở hạ tầng, Mỹ và Trung Quốc còn đang cạnh tranh trên nhiều mặt trận khác.
Sáng kiến cho thấy xu hướng của ông Biden muốn hợp tác với các quốc gia “chung chí hướng” và tạo ra cơ sở cho một kế hoạch bền vững và cụ thể hơn. Trong đó, những dự án đầu tiên sẽ cho thấy khả năng thành công của B3W trong tương lai. Chỉ khi thành công, B3W mới có thể nhân rộng các giá trị của sáng kiến này.
Bởi lẽ đó, một trong những di sản hàng đầu của ông Biden có thể là việc tạo ra nền tảng cho các thế hệ sau hướng về EU, như các đồng minh hàng đầu trong một thế giới đầy cạnh tranh.
* ThS. Priyanjali Simon hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kalinga, Ấn Độ. Các lĩnh vực nghiên cứu bao gồm chính sách đối ngoại của Mỹ, chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chính sách của Mỹ đối với Nam Á.