Đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người bị sa thải hoặc mất việc làm. (Nguồn: Economic Times) |
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn thị trường lao động toàn cầu. Hàng triệu người bị sa thải hoặc mất việc làm, trong khi nhiều người khác phải chuyển sang làm việc tại nhà khi các văn phòng đóng cửa. Những người làm việc trực tiếp tại công sở hay cửa hàng thì phải tuân thủ các quy định chặt chẽ nhằm giảm sự lây lan của virus Corona.
Báo cáo mới của công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co đã đánh giá tác động lâu dài của đại dịch đối với nhu cầu lao động và các kỹ năng cần thiết mà lực lượng lao động cần có tại 8 quốc gia với thị trường lao động-kinh tế đa dạng nhất, chiếm 62% GDP toàn cầu: Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh và Hoa Kỳ.
Các công việc yêu cầu sự tiếp xúc gần có khả năng bị gián đoạn nhiều nhất
Covid-19 có tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực đòi hỏi nhiều nhất sự tiếp xúc liên tục với nhau như chăm sóc y tế, dịch vụ khách hàng tại chỗ, giải trí và du lịch. Về lâu dài, các lĩnh vực này cũng gặp phải nhiều bất ổn hơn, dù sự tiếp xúc gần gũi không phải là lý do duy nhất.
Sự tương tác tại chỗ và thường xuyên với khách hàng phải nói tới các nhân viên làm việc trong các cửa hàng bán lẻ, ngân hàng và bưu điện... Không khó để thấy thương mại điện tử và các giao dịch kỹ thuật số khác là sự lựa chọn tối ưu để nhiều nhân viên thích ứng với công việc giữa mùa dịch bệnh.
Mảng du lịch-giải trí là nơi tập trung sự tương tác hàng ngày với khách hàng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay và các địa điểm giải trí công cộng khác. Năm 2020, Covid-19 khiến hầu hết các địa điểm này phải đóng cửa, trong khi sân bay và các hãng hàng không phải hoạt động trên cơ sở hạn chế nghiêm ngặt. Về lâu dài, sự tự động hóa ở một số nghề có thể làm giảm nhu cầu lao động trong lĩnh vực nêu trên.
Trong cuộc khảo sát hồi tháng 05/2020 của McKinsey, 2/3 số quản lý cấp cao cho biết doanh nghiệp của họ đang đẩy mạnh đầu tư vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong các nhà kho, cửa hàng tạp hóa và nhà máy sản xuất để giảm mật độ công nhân và ứng phó với sự gia tăng cung-cầu.
Các ngành nghề có mức độ tương tác trực tiếp càng nhiều thì tốc độ áp dụng tự động hóa và AI càng nhanh.
Làm việc từ xa và các cuộc họp trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục
Số liệu thống kê cho thấy khoảng 20-25% lực lượng lao động ở các nền kinh tế tiên tiến có thể làm việc tại nhà từ 3-5 ngày/tuần, dẫn đến một sự thay đổi lớn về mặt địa lý khi các cá nhân và công ty chuyển từ thành phố lớn ra các vùng ngoại ô lân cận.
Một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch linh hoạt không gian làm việc sau khi đã quen làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, một hướng đi giúp giảm không gian văn phòng và hạn chế nguy cơ lây nhiễm giữa nhiều nhân viên. Do đó, nhu cầu về ăn uống và mua bán tại các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ ở các khu vực trung tâm thành phố có thể giảm xuống đáng kể.
Làm việc từ xa cũng khiến các chuyến công tác bị đứt gãy vì việc sử dụng rộng rãi hội nghị truyền hình trong thời kỳ đại dịch đã mở ra cơ hội cho các cuộc họp ảo và nhiều khía cạnh công việc khác.
Trong khi ngành du lịch có thể phục hồi sau khủng hoảng Covid-19, khoảng 20% chuyến công tác - phân khúc sinh lợi nhất cho các hãng hàng không sẽ không trở lại.
Điều này sẽ có những tác động đáng kể đối với việc làm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, sân bay, nhà hàng khách sạn và dịch vụ ăn uống.