📞

Saudi Arabia thoái lui trước Iran?

19:00 | 11/12/2016
Riyadh đã và đang phải hứng chịu những thất bại trên nhiều mặt trận, từ chính trị, ngoại giao, quân sự cho đến kinh tế.

Hồi tháng 1 năm nay, Phó Thái tử Muhammad bin Salman, người trên thực tế đang điều hành Saudi Arabia, đã tuyên bố chấm dứt chính sách đối ngoại "rệu rã" của nước này và quyết tâm cạnh tranh với Iran.

Cục diện thay đổi

Các phiến quân Syria mà ông Bin Salman ủng hộ dường như bất khả chiến bại ở Aleppo, Syria. Các tướng lĩnh đã bàn tới chuyện sắp giành được thủ đô Sana'a của Yemen từ tay phiến quân Houthi. Phó Thái tử cũng đã ngăn cản Iran và lực lượng dân quân Hezbollah áp đặt sự lựa chọn Tổng thống ở Lebanon. Bên cạnh đó, các quan chức Saudi Arabia tính đến việc dồn Iran tới phá sản bằng cách làm bão hòa thị trường dầu, bất chấp ý nguyện của các đối tác OPEC. Saudi Arabia thậm chí đã cử Đại sứ trở lại Baghdad, lần đầu tiên sau suốt 25 năm đóng cửa đại sứ quán tại đây.

Tuy nhiên, cuối năm nay, Saudi Arabia dường như đang rút lui trên tất cả các mặt trận. Đại sứ nước này tại Iraq đã được triệu hồi về nước nhằm thoát khỏi sự chỉ trích dữ dội từ các chính trị gia người Shiite có tư tưởng thân Iran. Trong khi đó, các phiến quân ở Aleppo đang trên bờ vực bại trận dưới sức ép của lực lượng chính phủ Iran, Nga và Syria. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng đã bất đắc dĩ chấp nhận sự lựa chọn Tổng thống Lebanon của Iran. Và tại cuộc họp của OPEC hôm 30/11, Riyadh cũng đã đồng ý gánh vác phần cắt giảm sản xuất dầu lớn nhất nhằm khôi phục lại giá thị trường, trong khi cho phép Iran tăng sản lượng lên bằng với mức trước khi có lệnh trừng phạt.

Phó Thái tử Saudi Arabia Muhammad bin Salman. (Nguồn: Reuters)

Tại Yemen, Houthi dường như kiên quyết không để Saudi Arabia đường hoàng bước khỏi trận chiến khi liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công qua biên giới. Thậm chí, hồi tuần trước, nhóm phiến quân này còn tuyên bố lập chính phủ mới của riêng mình thay vì một chính phủ bao gồm Tổng thống lưu vong Hadi như mong muốn của Riyadh. Một quan chức Iran cho rằng: "Saudi Arabia chắc chắn sẽ thất bại ở Yemen. Chiến trường đó đang làm hao tổn uy tín quân sự và ngoại giao Riyadh".

Nỗi sợ hãi bá quyền Saudi Arabia

Cục diện nói trên là hệ quả của việc Iran hỗ trợ các lực lượng người Shiite và đồng minh trong thế giới Ả rập, bao gồm Tổng thống Syria Bashar al-Assad, quân đội và các lực lượng bán quân sự của Iraq, và dân quân Hezbollah (Lebanon).

Tướng Ahmad Asiri, cố vấn cho Phó Thái tử bin Salman trong chiến dịch Yemen, quả quyết rằng "họ (Iran) đang dùng các lực lượng dân quân bao vây chúng ta". Tuy nhiên, trên thực tế, Saudi Arabia cũng đang mất dần sức mạnh mềm khi cắt tài trợ cho các đồng minh truyền thống người Sunni, trong khi đó các đồng minh này cũng đã bắt đầu tìm kiếm tài trợ từ nguồn khác.

Với việc công ty xây dựng của mình ở Saudi Arabia gặp rắc rối sau khi chính phủ cắt giảm tài trợ, ông Saad Hariri - người đứng đầu phe Sunni ở Lebanon, đã chấp nhận vị trí Thủ tướng dưới quyền của Tổng thống mà Hezbollah lựa chọn. Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đang làm thân với Syria, Nga, và thậm chí cả Iran, sau khi Saudi Arabia cắt giảm các chuyến dầu miễn phí cho nước này.

Trong bối cảnh các quan hệ quốc tế tại khu vực ngày càng trở nên gay gắt hơn, Phó Thái tử bin Salman đang cố gắng tăng cường quan hệ với các quốc gia ở sân sau. Vua Salman, cha ngài, mới đây đã có chuyến công du hiếm hoi tới bốn quốc gia vùng Vịnh. Một hội nghị thượng đỉnh kết thúc ngày 7/12 tại thủ đô Manama của Bahrain được tổ chức nhằm thúc đẩy các kế hoạch biến Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh thành một Liên minh vùng Vịnh với sự phối hợp phòng thủ chặt chẽ hơn. Song ngay tại hội nghị đó, không phải tất cả các thành viên đều bị thuyết phục. "Có một nỗi sợ hãi ngấm ngầm đối với bá quyền của Saudi Arabia", theo Becca Wasser, chuyên gia quan sát vùng Vịnh của Tập đoàn RAND (Mỹ).

Vua Salman (ngoài cùng bên trái) gặp các lãnh đạo UAE hôm 3/12, một phần trong chuyến công du đến 4 nước vùng Vịnh của ông. (Nguồn: Arab News)

Ưu tiên kinh tế hơn đối đầu?

Dẫu vậy, thỏa thuận OPEC đã đi ngược lại các dự tính và cho thấy cả Iran và Saudi Arabia đều có thể ưu tiên kinh tế hơn là đối đầu. Cả hai đều không thể trang trải chi tiêu trong nước, chưa nói tới chuyện đầu tư ra nước ngoài. Theo IMF, trong khi chính phủ Iran cần bán được dầu ở mức giá 55 USD/thùng để có thể cân đối thu - chi, Saudi Arabia cần mức giá 80USD.

Theo lời một cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Beirut, "các nước sản xuất dầu không thể duy trì các cuộc chiến tranh trực tiếp bên ngoài và chiến tranh ủy nhiệm như trước kia, khi giá dầu còn ở mức 120 USD/thùng". Một quan chức Iran cũng cho rằng sự ổn định và biên giới cởi mở hơn sẽ giúp Iran tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu khác như xe hơi và xi măng.

Việc ông Donald Trump chuẩn bị lên nắm quyền ở Mỹ cũng là một lý do nữa để các bên kiềm chế. Như lời Adnan Tabatabai, người đứng đầu CARPO, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Bonn (Đức) đang tổ chức các cuộc đối thoại (không chính thức) giữa Saudi Arabia và Iran, "cả hai nước đều đang chơi trò chờ đợi". Cả hai đều e sợ tính cách bốc đồng của Trump. Thậm chí, một hoàng tử Saudi Arbia đã nhấn mạnh rằng Trump không nên phá vỡ thỏa thuận toàn cầu trong việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Cả hai bên dường như không chắc chắn liệu Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran hay sẽ bồi thêm JASTA, luật mới cho phép Mỹ kiện Saudi Arabia vì những tổn thất trong vụ 11/9.

(theo The Economist)