"Độc lập trở lại"
Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 15/3 đang tới gần tại Hà Lan - một trong các nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU). Hơn nữa, nghị sĩ Geert Wilders đang chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận với bản tuyên ngôn theo chủ nghĩa biệt lập, kêu gọi Hà Lan “độc lập trở lại, bởi vậy phải rời khỏi EU”.
Ông Geert Wilders. (Nguồn: AFP) |
Sau khi nước Anh bỏ phiếu rời EU năm 2016, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có xảy ra khả năng “Nexit” - tức việc Hà Lan tách khỏi EU hay không. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, ông Wilders nói: “Tôi nhìn nhận EU như là Đế quốc La Mã cổ đang dần đến thời suy tàn. Điều đó sẽ xảy ra”.
Đảng Tự do của ông Wilders là một đối thủ “đáng gờm”, khi hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, được tiến hành một tháng trước cuộc bầu cử, cho thấy đảng này đứng trên tất cả đảng phái khác. Trong hơn một thập kỷ qua, Hà Lan đã hai lần tiến hành trưng cầu ý dân về việc phản đối các đề xuất của EU. Tuy nhiên, rất ít nhà phân tích cho rằng khả năng Nexit sẽ thành hiện thực, bởi mặc dù nhận được nhiều ủng hộ, nhưng ông Wilders sẽ phải vật lộn để tìm kiếm các đối tác cho liên minh cầm quyền trong số các đảng theo dòng chính thống, vốn không ưa gì ông cũng như những lời phát biểu bài Hồi giáo và EU của ông.
Nếu Hà Lan rời khỏi EU, đây sẽ là một “đòn giáng” với Rotterdam, thành phố nổi tiếng với bến cảng nằm trong số các thành phố nhộn nhịp nhất thế giới. Chiến lược gia Michiel Nijdam của Rotterdam cho rằng việc Hà Lan rời khỏi EU dường như khó có thể xảy ra bời vì Hà Lan phụ thuộc khá nhiều vào các hoạt động thương mại với EU.
Mặc dù vậy, trong một số tuyên bố, ông Wilders không đồng tình với quan điểm này. Ông dẫn nguồn kết quả báo cáo do đảng của ông thực hiện cho thấy kinh tế Hà Lan sẽ hưởng lợi từ việc rời khỏi EU. Báo cáo cho rằng Hà Lan sẽ vẫn là quốc gia trung chuyển lớn trong khi tiết kiệm hàng tỷ Euro tiền đóng góp cho EU. Ông nói: “Vị trí của Rotterdam sẽ vẫn giữ nguyên sau khi chúng ta rời khỏi EU. Rotterdam không thể bỗng nhiên được dời tới Thụy Điển”.
Sau Brexit sẽ là Nexit? (Nguồn: ORTEC Consulting) |
Cần cú hích kinh tế mới
Tháng 2/2017, ngân hàng Rabobank của Hà Lan đã đưa ra 4 kịch bản về tương lai của châu Âu và các tác động đi kèm. Kịch bản mà theo đó khối EU tan rã sau vụ “ly hôn” của nước Anh và làn sóng hoài nghi châu Âu trong số các thành viên còn lại tăng cao, không hề có lợi cho Hà Lan hay thành phố cảng Rotterdam.
Elwin de Groot, chuyên gia kinh tế của Rabobank, cho rằng cảng Rotterdam là biểu hiện cho mối liên hệ sâu sắc của Hà Lan với EU và thị trường chung châu Âu. Ông nói: “Chúng ta là ‘một con nhện’ trong mạng lưới ngành logistics của châu Âu. Bởi vậy, nếu Nexit diễn ra, điều này sẽ gây hậu quả đáng kể tới nền kinh tế của chúng ta”.
Một cú hích kinh tế mới là điều mà quốc gia 17 triệu dân này cần làm. Sau khi bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 và 2008, Hà Lan lại một lần nữa bị chao đảo hồi năm 2012. Nền kinh tế Hà Lan giờ đây đã phục hồi mạnh mẽ trở lại. Các số liệu công bố trong tháng 2 cho thấy nền kinh tế Hà Lan tăng trưởng 2,1% trong năm 2016.
Nhà nghiên cứu De Groot cho rằng Nexit có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng đó. Theo ông, nếu Hà Lan rời khỏi EU, thì “bỗng nhiên chúng ta phải đứng trước tất cả các rào cản thương mại. Điều đó sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hà Lan”.