Sau bốn tuần, ngày 19/11, đại diện của đảng Dân chủ tự do (FDP) rời bỏ bàn đàm phán, chính thức khiến quá trình thành lập Chính phủ “Liên minh Jamaica” mới tại Đức thất bại hoàn toàn. Điều này có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử mới, đồng thời khiến chiếc ghế Thủ tướng của bà Angela Merkel trở nên lung lay.
Một kịch bản khác có thể diễn ra nếu Liên minh đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên đoàn Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) lựa chọn đàm phán “liên minh thiểu số” thay thế cho “Liên minh Jamaica” theo như mục đích ban đầu.
Thủ tướng Angela Merkel vẫn chưa thể thành lập Chính phủ mới tại Đức. (Nguồn: Reuters) |
Kịch bản nào cho Berlin?
Việc thành lập Liên minh Jamaica bao gồm 4 bên tham gia: CDU/CSU, Đảng Xanh và Đảng dân chủ tự do (FDP). Về lý thuyết, hai đảng CDU/CSU vẫn có thể liên minh với Đảng Xanh hoặc FDP để thành lập một Chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, bà Angela Merkel không ủng hộ phương án này. Trong khi đó, điều kiện tiên quyết cho một Chính phủ ổn định là lòng tin và sự phối hợp giữa các đảng.
Kể từ khi thống nhất năm 1990, nước Đức luôn được biết đến như một quốc gia hiện đại và phát triển. Cội nguồn của sự ổn định này là do giữa các đảng ở Đức luôn có những mục tiêu, định hướng chung. Do đó, một chính phủ thiểu số cầm quyền sẽ khiến vị thế của quốc gia này sa sút và dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ hơn. Hơn nữa, đảng dân chủ xã hội Đức (SPD) - đối tác của liên minh CDU/CSU trong vòng 4 năm qua, đã khẳng định sẽ không tham gia đàm phán thành lập Chính phủ liên minh, bất kể các diễn biến trên chính trường hiện nay.
Nên kịch bản được cho là có thể diễn ra nhất ở thời điểm hiện tại là tiến hành bầu cử lại. Theo như kết quả của cuộc thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Forsa thực hiện công bố ngày 21/11, 45% cử tri cho rằng bầu cử lại chính là lối thoát hữu hiệu nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị Đức hiện nay, 27 % bày tỏ mong muốn một chính phủ “ đại liên minh” giữa CDU/CSU và SPD, 24% ủng hộ chính phủ thiểu số tại nước Đức.
Ngay cả bà Merkel cũng có những động thái cho thấy bà đã sẵn sàng chấp nhận một cuộc tái bầu cử Liên Bang. “Tôi không muốn nghĩ về chính phủ thiểu số... Đức cần một chính phủ ổn định. Mục tiêu của tôi vẫn là xây dựng một chính phủ ổn định”.
Nguy cơ tiềm ẩn
Nếu đi theo kịch bản này, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trước hết sẽ giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi một cuộc Tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, đây là phương án mà hầu như không một chính Đảng lớn nào ở Đức mong muốn, bởi nếu tái bầu cử thì đảng cực hữu “Sự lựa chọn của nước Đức” (AfD) sẽ có thể giành thêm ghế và tăng cường ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy tại Quốc hội Đức.
Đảng AfD có thể tận dụng tái bầu cử để tăng cường ảnh hưởng. (Nguồn: Getty Images) |
Thêm vào đó, nếu thực sự diễn ra bầu cử, thì kỷ nguyên cầm quyền hơn một thập kỷ của “Người đàn bà quyền lực” Angela Merkel rất có thể sẽ chấm dứt. Theo một cuộc thăm dò dư luận được tờ Die Welt của Đức công bố hôm 19/11, có đến 61,4% cử tri Đức cho rằng nếu việc thành lập chính phủ liên minh thất bại, bà Merkel không thể giữ được ghế Thủ tướng. Thực tế cho thấy uy tín của bà Merkel đã giảm sút rất nhiều sau cuộc bầu cử vừa qua, khi bà cùng liên đảng CDU/CSU không còn duy trì được chiến thắng áp đảo, dẫn đến các Đảng đối lập có thêm nhiều ghế trong Quốc hội.
Thất bại trong đàm phán “Liên minh Jamaica” càng khiến cho tương lai chính trị của bà Merkel đang rất mịt mờ, đặc biệt là nếu tái bầu cử diễn ra. Điều này có thể sẽ dẫn đến chuyển biến sâu sắc về quyền lực trong chính trường Đức, vốn đã được duy trì hơn một thập kỷ dưới sự chèo lái của Angela Merkel.
Giữa những rối ren chính trị hiện tại, vào ngày 21/11, Tổng thống Đức Steinmeier đã đã đánh tiếng loại trừ khả năng tổ chức một cuộc bầu cử mới ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó, ông nhấn mạnh nghĩa vụ của mỗi đảng đối với cử tri của họ: “Tất cả các đảng được bầu vào quốc hội có nghĩa vụ phục vụ lợi ích chung của đất nước. Tôi mong các bạn sẵn sàng đối thoại để nhất trí thành lập chính phủ trong tương lai gần”. Ông kêu gọi các bên, gồm CDU/CSU, đảng Xanh và FDP tái đàm phán để thành lập Liên minh cầm quyền, nhằm kéo nước Đức ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau khi thống nhất.