📞

"Sóng ngầm" trên Bán đảo Triều Tiên

10:19 | 19/08/2017
Có thể nói tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện tại vẫn rất bấp bênh, dù rằng nguy cơ chiến tranh hiện nay được cho là chưa cận kề. 

Triều Tiên tuyên bố đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đủ sức tấn công mọi mục tiêu trên đất Mỹ. Tuy nhiên, dường như Triều Tiên vẫn chưa làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới kích cỡ và khối lượng đủ để gắn vào tên lửa, mà không làm ảnh hưởng tới tầm bắn cũng như khả năng quay trở lại Trái Đất.

Do đó, các chuyên gia vũ khí cho rằng, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phải tiến hành thêm ít nhất là một vụ thử hạt nhân nữa cùng nhiều vụ thử tên lửa tầm xa. 

Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục đia (ICBM) đêm ngày 28/7. (Nguồn: AP)

Sẽ có vụ thử hạt nhân lần thứ 6? 

Theo giới chuyên gia, loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được Triều Tiên thử nghiệm hồi tháng trước nhiều khả năng có tải trọng thấp hơn trọng lượng các loại đầu đạn hạt nhân mà nước này có thể sản xuất được. Một cách để giảm trọng lượng của đầu đạn là tập trung phát triển thiết bị nhiệt hạch, hay còn gọi là bom hydro, loại chất nổ có sức công phá lớn so với trọng lượng và kích cỡ của nó.

Hans Kristensen, Giám đốc Chương trình Thông tin Hạt nhân thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng từng tuyên bố thử thành công bom hạt nhân song chưa có bằng chứng chứng minh điều này. Ông nói: “Để làm được điều đó, họ phải tiến hành thêm vài cuộc thử nghiệm hạt nhân. Lợi thế của đầu đạn nhiệt hạch là tuy nhẹ nhưng có thể gây ra một vụ nổ lớn”. 

Trong khi đó, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế Choi Jin-wook, hiện đang làm việc tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), từng là Giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên phải tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân thứ 6 nếu muốn phát triển ICBM có gắn đầu đạn hạt nhân. Ông nói: “Một vũ khí hạt nhân nếu muốn hoạt động được thì cần phải nhỏ và nhẹ, song Triều Tiên dường như chưa nắm trong tay công nghệ này”. 

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri vẫn đều đặn diễn ra một số hoạt động song chưa có dấu hiệu của một cuộc thử nghiệm. Một quan chức khác cũng nhận xét Triều Tiên trong nhiều tháng trước đã triển khai một số trang thiết bị chuẩn bị cho thử nghiệm hạt nhân, song gần đây lại “án binh bất động”. 

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri nhìn từ vệ tinh. (Nguồn: EPA)

Bên cạnh việc nỗ lực phát triển bom hydro thu nhỏ, một số chuyên gia cho rằng, có vẻ như các nhà khoa học tên lửa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa có được công nghệ bảo vệ đầu đạn trước tác động của nhiệt độ và áp suất khi quay trở lại khí quyển Trái Đất. Ngày 13/8, Thứ trưởng Quốc phòng Triều Tiên cho rằng, Triều Tiên sẽ cần ít nhất 1 hoặc 2 năm nữa để có thể nắm bắt được công nghệ này.

Nhà vật lý David Albright, người sáng lập Viện An ninh Quốc tế và Khoa học phi lợi nhuận tại Washington bình luận: “Công nghệ thu nhỏ đầu đạn cho tên lửa đạn đạo chỉ là một trong vô vàn thách thức đối với việc phát triển ICBM đủ sức tấn công Mỹ. Đầu đạn phải quay trở lại khí quyển thành công và có thể kích nổ đúng lúc. Tôi không cho là Triều Tiên đã có trong tay tất cả những yếu tố này”. 

Quan điểm trái chiều

Trong bối cảnh nguy cơ Mỹ tiến hành các cuộc không kích phủ đầu để phá hủy chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng có vẻ tạm lắng xuống, hãng tin AFP đưa tin ngày 17/8, Hàn Quốc đã khẳng định chiến tranh sẽ không nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố trấn an dư luận của Tổng thống Moon Jae-in đã thể hiện quan điểm phản đối hành động quân sự của Mỹ, sau nhiều tuần diễn ra các cuộc khẩu chiến và đòn tâm lý giữa nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump cũng như lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong bài phát biểu đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Moon Jae-in tuyên bố: "Tôi sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá... Tôi muốn mọi người dân Hàn Quốc tin chắc rằng chiến tranh sẽ không xảy ra". 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Reuters)

Những tuyên bố trấn an dư luận của nhà lãnh đạo Moon Jae-in được đưa ra ngay sau khi chiến lược gia của Tổng thống Trump Steve Bannon dự một cuộc phỏng vấn với Tạp chí American Prospect, trong đó thừa nhận mối đe dọa từ hỏa lực của Triều Tiên khiến giới chức phải cân nhắc thận trọng khả năng tấn công răn đe. Hãng AFP dẫn lời ông: "Trừ phi người ta có thể tìm được câu trả lời và bằng chứng có thể chứng minh cho tôi thấy được rằng khoảng 10 triệu người dân ở Seoul không bị tiêu diệt hoàn toàn trong chỉ 30 phút bằng các loại vũ khí truyền thống... Chúng tôi không tính đến lựa chọn quân sự". 

Trong khi đó, hãng AFP ngày 17/8 cũng dẫn lời Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, phát biểu trong chuyến công du Bắc Kinh rằng hòa bình với Triều Tiên hoàn toàn "có thể" diễn ra, song khẳng định Mỹ có "những lựa chọn quân sự" thực sự để đối phó với chế độ lầm lạc này. Ông cũng cho biết Mỹ không có ý định dừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, sự kiện khiến cả Trung Quốc và Triều Tiên hết sức giận dữ. Ông thừa nhận giải pháp quân sự là "tồi tệ", song cho rằng Mỹ có thể sẽ phải dùng tới biện pháp này nếu áp lực ngoại giao và kinh tế là không đủ để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại chính trị. 

Trong khi đó tại Washington, các quan chức cấp cao của Mỹ một mặt vẫn khẳng định quân đội luôn sẵn sàng đáp trả mọi hành vi hung hăng của Bình Nhưỡng, vừa nhấn mạnh đang phối hợp chặt chẽ với cả hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo hãng AFP, phát biểu trong cuộc phỏng vấn vừa qua của ông Bannon có thể không đại diện cho Chính phủ Mỹ.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cùng Ngoại trưởng Rex Tillerson đã có những quan điểm cứng rắn hơn hẳn trong các cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản. Cả hai quan chức này đều nhấn mạnh rằng họ đang phối hợp chặt chẽ với Seoul và Tokyo, đồng thời tìm kiếm sự hậu thuẫn của Trung Quốc nhằm gây sức ép buộc chế độ Kim Jong-un phải ngồi vào bàn đàm phán về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hai quan chức cấp cao của Mỹ đều cảnh báo rằng Mỹ có đủ các phương tiện để đáp trả mọi hành vi hung hăng của Triều Tiên.

Quan điểm này cũng được Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, người đang có mặt tại Washington cùng Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, nhất trí. Ông Kono nói: "Về vấn đề phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên, chúng tôi đều nhất trí gia tăng áp lực. Chúng tôi sẽ kêu gọi Trung Quốc có những biện pháp cụ thể để khiến Triều Tiên thay đổi hành vi của mình". 

(theo Reuters, AFP)