TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ - Nhật Bản: Mối quan hệ đồng minh không thể tách rời | |
Tổng thống Obama đề cao quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản |
Ngày 27/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Hawaii, cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Trân Châu Cảng. Sự kiện được dư luận hết sức chú ý bởi đây là lần đầu tiên sau 75 năm, Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ đương nhiệm cùng thăm nơi xảy ra sự kiện quân đội Nhật tấn công hạm đội của Mỹ năm 1941.
Sức mạnh của hòa giải
Trân Châu Cảng là địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của quần đảo Hawaii, Mỹ. Hải cảng này nằm ở phía Tây thành phố Honolulu trên đảo O'ahu, giữa vùng Bắc Thái Bình Dương. Sáng 7/12/1941, hàng đoàn máy bay chiến đấu của Nhật bất ngờ dội bom tấn công tàu chiến Mỹ neo đậu ở Trân Châu Cảng, gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Mỹ. Đây là bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khiến Mỹ quyết định đứng về phe Đồng minh, chính thức tuyên chiến với Nhật Bản, mở ra mặt trận ở Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm USS Arizona. (Nguồn: Reuters) |
Chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Abe được cho là hành động đáp lễ chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ Obama vào tháng 5 vừa rồi khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản. Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm thành phố Nhật Bản mà Mỹ đã thả bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Tại Trân Châu Cảng, Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama đã đặt hoa viếng tại Đài tưởng niệm USS Arizona, nơi chiến hạm USS Arizona bị đánh chìm. Đây là một tòa nhà bê tông được xây trên xác tàu chiến bị đắm, phần trang trọng nhất trên đó đặt tấm bia cẩm thạch khổng lồ ghi danh 1.177 thủy thủ Mỹ đã chìm theo con tàu xuống đáy biển.
Cả Washington và Tokyo đều nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm, đồng thời khẳng định sức mạnh của sự hòa giải đã thúc đẩy quan hệ đồng minh bền chặt giữa hai nước. Nhà Trắng cho rằng, chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật giúp đưa những cựu thù trong Chiến tranh Thế giới trở thành đồng minh thân cận nhất. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng mục đích của chuyến thăm là để tỏ lòng kính trọng đối với những người bỏ mạng vì chiến tranh, không phải để xin lỗi.
Đến thăm nơi tưởng niệm, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Chúng ta không bao giờ được lặp lại những điều kinh hoàng mà chiến tranh gây ra. Đây là lời thề thiêng liêng của người dân Nhật Bản”. Tuy không có lời xin lỗi nào được đưa ra, song rõ ràng, hành động của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật có giá trị hơn nghìn lần những lời xin lỗi.
Đưa quan hệ đi đúng hướng
Cuộc viếng thăm Hawaii lần này diễn ra trong bối cảnh chỉ vài tuần nữa, nước Mỹ sẽ chính thức thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực và Nhật Bản lo ngại Washington sẽ có những điều chỉnh trong chính sách với Tokyo. Trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có những ngụ ý sẽ xem xét lại các mối quan hệ đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, đồng thời yêu cầu Nhật phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của mình. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump nhiều lần đánh giá Tokyo chưa sẵn sàng chi trả thêm chi phí cho sự hiện diện của các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản. Theo ông Trump, Tokyo phải nghĩ đến việc tự lo phòng thủ, và có thể tự trang bị vũ khí nguyên tử.
Trong khi đó, Nhật Bản trước sau luôn muốn duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Tháng trước, ông Abe là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến gặp ông Trump sau cuộc bầu cử. Cuộc gặp gỡ được thu xếp vội vã ở New York. Ông Abe nói ông Trump là một nhà lãnh đạo “đáng tin cậy”. Tại Hawaii, ông Abe hy vọng ông Obama sẽ cố vấn cho Nhật Bản để tiếp tục duy trì và củng cố mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Trong lịch sử quan hệ Mỹ - Nhật Bản, Hiroshima là vết thương lòng đối với người Nhật, còn Trân Châu Cảng là một cái gai nhức nhối đối với người Mỹ. Thế nhưng qua thời gian, hai nước đã nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa giải, hơn nữa còn xây dựng liên minh bền chặt trên các khía cạnh, kể cả lĩnh vực quân sự và an ninh. Vì vậy, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật ở Trân Châu Cảng không chỉ là để viếng thăm đáp lễ, chia tay với ông Obama, mà còn khẳng định tiến trình hòa giải giữa hai nước đang đi đúng hướng, qua đó tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.
75 năm trận Trân Châu Cảng và quan hệ Mỹ - Nhật Cách đây 75 năm, ngày 7/12/1941, đã diễn ra một cuộc tấn công trên không với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử ... |
Hàn - Mỹ - Nhật thảo luận biện pháp trừng phạt Triều Tiên Ngày 27/10, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung-nam cùng những người đồng cấp Mỹ Tony Blinken và Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã thảo ... |
Mỹ - Nhật: Hợp tác “tự động hóa” Cả Washington và Tokyo đều đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy đổi mới ngành công nghệ ... |