Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh đó, chi tiêu quân sự của Mỹ khó có thể cắt giảm. Công nghệ vũ khí hiện đại liên tục được phát triển qua từng năm. Chi phí y tế và các khoản trợ cấp cho những cựu chiến binh cũng phải tăng lên. Những chương trình mua sắm vũ khí đi cùng với việc vận động hành lang ở Quốc hội khiến Cơ quan lập pháp Mỹ khó lòng giảm bớt chi phí quân sự.
Hiện nay, chi tiêu quân sự hằng năm của Mỹ lên đến hơn 500 tỷ USD, song con số này cũng chỉ phần nào phản ánh chi phí các chiến dịch mà Lầu Năm Góc đang tiến hành.
Bản thân Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không chắc chắn về con số chi tiêu quân sự trên thực tế. Các khoản chi phí cho do thám điện tử, máy bay không người lái, vệ tinh cho Cục Tình báo Trung ương (CIA) không được tiết lộ. Thậm chí, Quốc hội Mỹ cũng khó có thể nắm thông tin đầy đủ về những khoản tiền này.
Trên thực tế, nước Mỹ không bị đe dọa bởi người láng giềng Canada, các bờ biển cũng rất an toàn. Vấn đề ở biên giới với Mexico chỉ là tình trạng người nhập cư bất hợp pháp. Bên cạnh đó, những tiến bộ về công nghệ đã giúp làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài.
Tuy vậy, mối lo ngại hàng đầu của Mỹ là hiểm họa khủng bố. Với các khu vực đầy bất ổn như Afghanistan, Yemen, Pakistan trước đây, hay như Iraq, Syria đang chịu sự hoành hành của phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện nay, các sứ mệnh quân sự của Washington vẫn phải được tiếp tục.
Trong khi đó, ở trong nước, Mỹ đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn. Vì xu hướng giảm công nghiệp hóa (deindustrialization), nhiều người Mỹ thiếu nhà ở, giáo dục, và chăm sóc y tế. Đường sá và hệ thống cấp thoát nước ở các thành phố lớn xuống cấp. Đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng không được quan tâm đúng mức.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chính quyền Washington không cắt bớt chi tiêu quân sự để bù đắp vào phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân trong nước?
Nguyên nhân sâu xa nằm trong ý thức hệ và trong lợi ích, được bao bọc bởi đặc trưng của triết lý chính trị Mỹ.
Lâu nay, giới tinh hoa cũng như công chúng Mỹ luôn có quan niệm về “chủ nghĩa ngoại lệ” (exceptionalism) của đất nước. Đây không chỉ đơn giản là học thuyết về sự độc nhất trong quá trình lập quốc với sự pha trộn của nhiều chủng tộc. Nó còn mang một niềm tin tôn giáo rằng, nước Mỹ có sợi dây liên hệ trực tiếp với Chúa Trời, nước Mỹ được khai sinh để nhằm mục đích thực hiện những sứ mệnh của Chúa Trời. Vì vậy, nước Mỹ phải luôn có trách nhiệm đối với toàn thế giới, đặc biệt với những quốc gia đang chịu cảnh lầm than.
Những người thế tục ở Mỹ thì không tin vào Chúa, nhưng họ lại viện đến trách nhiệm lịch sử của nước Mỹ để giải thích cho các chính sách can thiệp quân sự của Washington. Người Mỹ luôn tin rằng họ là những người dễ bị tổn thương, luôn bị bao quanh bởi những thế lực muốn làm suy yếu quyền lực Mỹ. Quan điểm đó cho rằng, các kẻ thù của Mỹ luôn cảm thấy thù địch với sự tốt đẹp của xã hội Mỹ.
Bên cạnh đó, ý thức hệ của Mỹ đương nhiên được “nuôi dưỡng” bởi những người được hưởng lợi ích từ nó. Đó chính là các học giả, nhà báo, quan chức chính phủ có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại, những người có lợi ích trong việc Mỹ hiện diện quân sự ở nước ngoài. Vậy nên, rất dễ hiểu là tại sao họ sẽ không bao giờ đánh đổi vị trí xã hội và công việc của mình để lên tiếng kêu gọi Washington cắt giảm chi phí quân sự.
*Norman Birnbaum
Tác giả là Giáo sư danh dự tại Trung tâm Luật – Đại học Georgetown (Mỹ). Bài viết trên phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
Quang Chinh (giới thiệu)