Phiên khai mạc kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc XIV ngày 5/3 tại Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 4/3, kỳ họp đầu tiên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa XIV đã khai mạc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Trong kỳ họp kéo dài 7 ngày, khoảng 2.000 đại biểu lắng nghe và thảo luận báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ CPPCC và báo cáo công tác về những đề xuất của các đại biểu.
Một ngay sau đó, kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân Đại - NPC) khóa XIV khai mạc với sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu. Các đại biểu xem xét báo cáo công tác chính phủ, dự thảo Luật Lập pháp sửa đổi, kế hoạch cải tổ cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện. Trong kỳ họp này, thành viên NPC cũng sẽ bầu để kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc lần này là câu chuyện tăng trưởng kinh tế và ngân sách. Trong đó, nổi bật là nỗ lực phục hồi kinh tế của nước này sau đại dịch Covid-19 với những nét mới.
Tăng trưởng thận trọng
Thực tế cho thấy một từ khóa xuất hiện với tần suất cao trong bản báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường là “ổn định kinh tế”. Gần đây, chính quyền trung ương của Trung Quốc đang có kế hoạch tăng các khoản vay lên gần 20% năm nay để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và giúp giảm áp lực lên chính quyền địa phương.
Ông Wei Yao, nhà kinh tế trưởng về châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc tại công ty dịch vụ tài chính Societe Generale SA (Pháp) nhận định: “Hiệu quả của chính sách tài khóa chắc chắn sẽ mạnh hơn năm ngoái do nguồn lực sử dụng cho các biện pháp kiểm soát Covid-19 sẽ được dồn vào thúc đẩy nền kinh tế”.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, từ khó khăn bên trong như tâm lý thận trọng của người dân, đầu tư tư nhân còn yếu, rủi ro từ thị trường bất động sản và các tổ chức tài chính nhỏ, dân số già nhanh, khoảng cách thu nhập tăng, cũng như cạnh tranh từ Mỹ và nền kinh tế toàn cầu bất ổn. Trước tình hình đó, Bắc Kinh hạ mục tiêu tăng trưởng xuống còn “khoảng 5%” năm nay, thấp hơn so với con số 5,5% đề ra năm 2022. Theo một số chuyên gia, đây là con số “không quá tham vọng” và phù hợp với dự báo bên ngoài, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này năm ngoái chỉ tăng 3% do dịch Covid-19. Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2%.
Một Trung Quốc “tự lực”
Viết trên trang ABC (Australia), nhà báo Bill Birtles, người có nhiều năm bình luận về Đông Á, nhận định những ngày “tăng trưởng bằng mọi giá” ở Trung Quốc đã qua và nước này đang chú trọng vào những ưu tiên khác, cụ thể là công nghệ, ngoại giao và an ninh, qua đó hướng tới xây dựng một Trung Quốc “tự lực”.
Đầu tiên, việc Bắc Kinh tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng năm thứ tám liên tiếp nhận được sự chú ý đặc biệt từ các nhà quan sát. Con số này trong năm 2023 sẽ là 1.533,7 tỷ NDT (224,79 tỷ USD), tăng 7,2% so với năm 2022. Thay đổi này đã dẫn đến hai luồng ý kiến khác nhau. Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nhận định mức tăng 7,2% chỉ cao hơn 0,1% so với năm ngoái và phù hợp nếu xét đến nhu cầu quốc phòng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Drew Thompson, chuyên gia thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, 0,1% GDP Trung Quốc (15 tỷ USD) là con số đáng kể so với láng giềng và có thể dẫn tới “quan ngại về ý định và năng lực quân sự” của cường quốc châu Á.
Thứ hai, lĩnh vực chất bán dẫn và công nghệ sẽ tiếp tục là trọng tâm trong định hướng phát triển của Bắc Kinh, đặc biệt khi Mỹ đã áp đặt thêm nhiều hạn chế với công ty công nghệ Trung Quốc và ban hành chiến lược an ninh mạng ngày 2/3.
Ngày 5/3, thảo luận với đại biểu từ tỉnh Giang Tô trong khuôn khổ kỳ họp NPC, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Xây dựng sức mạnh, tự lực về khoa học và công nghệ là chìa khóa xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, lớn mạnh về mọi mặt theo đúng thời gian đã đề ra”. Bên cạnh các khoản đầu tư hàng chục tỷ USD thời gian qua, Trung Quốc đã lập một quỹ đặc biệt trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất chip bán dẫn sau hạn chế mới đây từ Mỹ.
Cuối cùng, điểm nhấn không thể bỏ qua là việc ngân sách đề xuất tại NPC cũng bao gồm 54,84 tỷ NDT (7,91 tỷ USD) cho “các nỗ lực ngoại giao”, tăng 12,2% so với năm trước. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nhà ngoại giao. Nguồn lực mới sẽ giúp họ tích cực hơn trong nỗ lực thúc đẩy các lợi ích quốc gia, dù là trước sức ép từ Mỹ, củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ với Nga cùng đối tác, bạn bè truyền thống hay mở rộng ảnh hưởng tại khu vực mới, góp phần xây dựng một Trung Quốc “tự lực” trước biến động của thời đại.
| Trung Quốc đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, bày tỏ thiện chí hợp tác vì hòa bình tại Biển Đông Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho rằng ASEAN đã thúc đẩy hợp tác ở Đông Á đi đúng hướng. |
| Trung Quốc bắt đầu kỳ họp lưỡng hội thường niên quan trọng, dự kiến công bố nhiều chính sách lớn đối với nền kinh tế 3h chiều 4/3 theo giờ địa phương, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân ... |
| Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIV: Sự kiện chính trị trọng đại Sáng 5/3, lễ khai mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân Đại – tức Quốc hội Trung Quốc) ... |
| Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ vẫn không đủ ‘phương thuốc’ cho toàn cầu Giữa ma trận khó khăn của nền kinh tế thế giới, người ta đã từng kỳ vọng lớn vào sự phục hồi của Trung Quốc, ... |
| Lo lắng về TikTok, Nhà Trắng hành động, thúc đẩy Quốc hội Mỹ 'xuống tay' Ngày 7/3, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Paul Nakasone bày tỏ lo ngại về khả năng thu thập dữ liệu của ... |