Trung Đông bỗng nổi lên thành điểm quan tâm đặc biệt của dư luận với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin. |
Dù sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên, nhưng do hai chuyến đi diễn ra quá gần nhau và trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây, cũng như xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nên sự so sánh là điều tất yếu.
Khu vực Trung Đông xưa nay vẫn được coi là khu vực có lợi ích sống còn của Mỹ, nơi Mỹ có nhiều đồng minh quan trọng như Israel, Saudi Arabia, UAE, Qatar và nhiều lợi ích sống còn, đan xen, ràng buộc lẫn nhau. Và cũng tại khu vực này, Mỹ có vị thế và ảnh hưởng áp đảo so với bất kỳ cường quốc nào, kể cả Nga hay Trung Quốc.
Do đó, chuyến xuất ngoại đầu tiên đến khu vực Trung Đông sau khi nhậm chức một năm rưỡi của ông Biden được xem là quá muộn so với các Tổng thống tiền nhiệm. Ông Biden có lý do để “biện minh” cho sự chậm trễ này như phải bận tâm xử lý đại dịch Covid-19, các khó khăn nội bộ sau khi lên cầm quyền và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, có hai lý do khiến nhà lãnh đạo Mỹ phải cân nhắc, đó là việc cần phải vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm Donald Trump - người đã giúp thúc đẩy hòa giải Israel-Arab với bốn hiệp định bình thường hóa quan hệ, và cách thức ứng xử trong quan hệ với Saudi Arabia, nước vốn bị ông Biden chỉ trích hết sức nặng nề khi đang là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Thông qua hàng loạt cuộc tiếp xúc, tuyên bố và thỏa thuận được ký kết tại Israel và Saudi Arabia, ông Biden đã cố gắng thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực trong các vấn đề sau:
Một là, với việc thực hiện chuyến bay thẳng từ Tel Aviv đến Jeddah, cũng như chủ trì cuộc họp cấp cao trực tuyến đầu tiên I2U2 (gồm Ấn Độ, Israel, Mỹ và UAE), Mỹ thể hiện việc tiếp tục thực hiện Hiệp định Abraham nhằm thúc đẩy hòa bình Trung Đông và bình thường hóa quan hệ Israel với thế giới Arab bằng kết quả hợp tác cụ thể trong lĩnh vực an ninh nguồn nước, an ninh lượng, thực, an ninh năng lượng, y tế, hàng không vũ trụ.
Hai là, qua cuộc họp I2U2 và cuộc họp Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh + 3 (Jordan, Iraq và Ai Cập), Mỹ tiếp tục khẳng định sự can dự vào Trung Đông, đặc biệt trong vấn đề an ninh, trong bối cảnh một số nước trong khu vực tỏ lo ngại Iran phát triển vũ khí hạt nhân, còn Mỹ thì giảm cam kết an ninh đối với khu vực sau khi rút quân khỏi Afghanistan.
Nhìn xa hơn, việc tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông còn nhằm mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh Nga đang tìm cách cách chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, còn Trung Quốc thì tích cực triển khai Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI).
Ba là, chuyến thăm còn thể hiện vai trò điều phối lợi ích của Mỹ ở Trung Đông cũng như trên phạm vi toàn cầu, khi Mỹ tìm cách hối thúc Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu ở Trung Đông tăng sản khai lượng dầu và khí đốt nhằm bù đắp cho phần thiếu hụt từ Nga.
Về phần mình, mục tiêu chuyến thăm Trung Đông của ông Putin có phần khiêm tốn hơn, nhưng cũng không kém phần chiến lược.
Một là, ông Putin tìm cách tăng cường củng cố vị thế, ảnh hưởng của mình trong quan hệ với các đồng minh truyền thống như Iran và Syria. Với Iran, sự trùng hợp về lợi ích và bối cảnh khi cả hai nước đều chịu các lệnh cấm vận chặt chẽ của phương Tây đã giúp đưa quan hệ Nga-Iran lên tầm cao mới, và thắt chặt trên tất cả lĩnh vực hợp tác trọng yếu như năng lượng với hợp đồng trị giá 40 tỷ USD, quốc phòng, giao thông vận tải, giáo dục. Với Syria, thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đã giúp ngăn việc mở rộng cuộc chiến ở Syria, đồng thời mở ra con đường phán để đưa đến nền hòa bình toàn diện cho quốc gia này.
Hai là, chuyến thăm Iran của ông Putin và cuộc gặp cấp cao ba bên Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp tạo vị thế mới của Nga ở khu vực Trung Đông. Cùng với chuyến thăm Iran, Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với Hoàng thái tử Saudi Arabia bàn về vấn đề năng lượng, cũng như phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov trước 22 đại diện Liên đoàn Arab.
Ba là, tuy chưa đủ lực để đưa ra các sáng kiến lớn, mang tính toàn khu vực như Mỹ, nhưng các bước đi của Nga đang khoét sâu, và nhắm vào các điểm yếu của Mỹ như tìm cách kéo giá dầu, loại Mỹ khỏi giải pháp Syria, phối hợp với Iran trong đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.
Nhìn tổng thể, ít nhất cho đến lúc này, khu vực Trung Đông chưa bị lôi cuốn vào vòng xoáy đối đầu chiến lược Nga-Mỹ. Từ những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, có thể thấy, để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài và bền vững cho khu vực thì các bên liên quan cần nỗ lực tối đa thúc đẩy hòa giải, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, tránh bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn.
Do đó, điều các nước khu vực Trung Đông cần làm lúc này là can dự cân bằng không chỉ với Mỹ, mà cả với Nga và các cường quốc khác nữa.