📞

Tăng gắn kết, tìm đồng thuận

HOÀNG SƠN 20:00 | 14/03/2024
Không chỉ dừng ở hoạt động kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cùng Thủ tướng Donald Tusk có thể coi là nỗ lực nâng tầm gắn kết mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Nhà Trắng ngày 12/3. (Nguồn: Reuters)

“Mỏ neo” trong liên minh

Đây là lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ, cả Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan cùng đến Washington và được chào đón tại Nhà Trắng. Lời mời và nghi lễ tiếp đón độc đáo này cho thấy quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Ba Lan đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn.

Trong số các quốc gia châu Âu, Ba Lan là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ. Có nhiều khái niệm khác nhau về mô hình liên kết giữa châu Âu và Mỹ nhưng với Ba Lan, liên minh chặt chẽ với Mỹ trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) được Warsaw coi là con đường tốt nhất cho nước này. Còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ca ngợi Ba Lan đóng vai trò “mỏ neo” trong một liên minh sôi động.

Chính vì thế, không như Pháp, nước đề cao sự tự chủ chiến lược và phản đối sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ trong vấn đề an ninh, Ba Lan nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của liên minh giữa Mỹ và châu Âu. Thay vì xây dựng sự tự chủ chiến lược để tách khỏi Mỹ, Ba Lan đề xuất quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, đồng thời hối thúc quân đội Mỹ đóng quân trên lãnh thổ của mình. Trong số 14 nghìn binh sĩ Mỹ đóng ở Trung và Đông Âu, có khoảng 10 nghìn người đồn trú tại Ba Lan.

Nhiều hợp đồng vũ khí của Ba Lan về tay các công ty Mỹ. Năm 2022, Ba Lan ký thỏa thuận mua 250 xe tăng của Mỹ trị giá 4,75 tỷ USD. Lô đầu tiên gồm 14 chiếc đã được chuyển giao hồi giữa năm ngoái, đưa Ba Lan trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ sở hữu xe tăng Abrams phiên bản hiện đại nhất. Warsaw đồng ý chi 4,6 tỷ USD mua các máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến của Mỹ, bắt đầu bàn giao từ năm 2026.

Chuyến thăm Washington của Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan là cơ hội để Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ba Lan. Trước khi bước vào hội đàm, Tổng thống Joe Biden cho biết Washington có kế hoạch phê duyệt khoản vay viện trợ nước ngoài trị giá 2 tỷ USD và thỏa thuận bán 96 máy bay trực thăng tấn công Apache cho Warsaw.

Ba Lan có kế hoạch đầu tư vào năng lượng hạt nhân để giảm lượng khí thải carbon và loại bỏ than đá. Chính phủ Ba Lan trước đây đã chọn nhà sản xuất thiết bị điện hàng đầu Westinghouse Electric Co của Mỹ làm nhà cung cấp công nghệ. Nhân chuyến thăm Mỹ, ông Andrzej Duda đã tới nhà máy điện hạt nhân Vogtle tại bang Georgia. Lò phản ứng Westinghouse AP1000 được sử dụng tại Vogtle là loại công nghệ dự kiến được sử dụng trong nhà máy điện sắp được xây dựng ở Ba Lan.

Đồng điệu trong nỗ lực trợ giúp Ukraine

Một chủ đề chính khác được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Ba Lan với Tổng thống Mỹ là việc hỗ trợ cho Ukraine. Lâu nay, Ba Lan trở thành trung tâm hậu cần, quân sự và chính trị của chiến dịch ủng hộ Ukraine của phương Tây. Viện trợ của Ba Lan cho Ukraine đã lên tới 11,9 tỷ Euro (1,9% GDP), chỉ đứng sau Mỹ và Anh. Khác với đa số các nước châu Âu, vũ khí Ba Lan chi viện cho Ukraine được lấy thẳng từ số đang hoạt động chứ không phải trong kho dự trữ. Chỉ riêng xe tăng, Ba Lan đã giao cho Ukraine gần 300 chiếc, nhiều hơn cả số lượng quân đội Pháp đang có. Hiện có trên 1,5 triệu người Ukraine tị nạn ở Ba Lan.

Với Mỹ, sau quyết định của Lầu Năm Góc biến Ba Lan thành căn cứ thường trực, nơi chỉ đạo và quản lý các lực lượng quân đội Mỹ ở sườn phía Đông của NATO, quốc gia này trên thực tế đã trở thành trung tâm hậu cần trong hỗ trợ hoạt động ở Ukraine. Việc tiếp cận các tuyến đường bộ, đường sắt và sân bay của Ba Lan là rất quan trọng trong vận chuyển vũ khí, đạn dược và các viện trợ khác của Mỹ và các nước NATO cho Ukraine.

Trong bối cảnh một số nước châu Âu tỏ ra mệt mỏi với tình hình ở Ukraine, Tổng thống Andrzej Duda đã tận dụng chuyến thăm Mỹ để phát đi thông điệp kêu gọi phương Tây giải quyết triệt để vấn đề trợ giúp Ukraine trong xung đột với Nga. Còn ông Donald Tusk sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng đã kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson và đảng Cộng hòa cho phép bỏ phiếu tại Hạ viện về dự luật trị giá 60 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Cũng trong ngày diễn ra cuộc gặp mặt giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ và Ba Lan, chính quyền ông Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 300 triệu USD, bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không, hệ thống chống thiết giáp và nhiều loại vũ khí, khí tài khác.