📞

Tham gia đàm phán hạt nhân với Mỹ-Nga: Liệu Trung Quốc có 'nói mà không làm'?

Phương Hà 09:02 | 10/07/2021
Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển năng lực hạt nhân trong nước nhằm từng bước cân bằng lực lượng trong tương quan với Mỹ và Nga. Trung Quốc cũng tham gia đàm phán về vũ khí hạt nhân với Nga - một nỗ lực nhằm hạn chế năng lực hạt nhân của các bên.
Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển năng lực hạt nhân trong nước nhằm từng bước cân bằng lực lượng trong tương quan với Mỹ và Nga. (Nguồn: AP)

Bề ngoài, có vẻ như đây là những động thái mâu thuẫn nhau, thế nhưng, đây thực ra là những tính toán "lý trí" của Bắc Kinh.

Trung Quốc từng bước cân bằng lực lượng

Tuần trước, việc phát hiện ra 119 hầm phóng tên lửa (silo) nhiều khả năng đang được xây dựng ở miền Tây Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington. Quân nhân và giới phân tích Mỹ đã rất ngạc nhiên trước công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc về vũ khí hạt nhân và các hệ thống phóng.

Tuy nhiên, ngay cả với những hầm phóng mới này và nhiều chương trình khác, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn chỉ là một phần nhỏ so với kho vũ khí của Mỹ và Nga.

Trên thực tế, các hầm phóng nói trên dường như là một phần trong tiến trình mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm đảm bảo rằng, năng lực răn đe hạt nhân của nước này sẽ có hiệu quả trước các đối thủ lớn hơn và tinh vi hơn.

Các hầm phóng tên lửa nói trên được phát hiện qua hình ảnh vệ tinh. Các nhà phân tích cho rằng, chúng nhằm mở rộng đáng kể số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được triển khai trên mặt đất mà Trung Quốc có thể sử dụng - hiện khoảng 100 tên lửa, theo như báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự của Trung Quốc.

Dù mục đích xây dựng các hầm chứa tên lửa này là gì, thì có một điều rõ ràng là Trung Quốc vẫn tiếp tục chương trình đầy tham vọng của mình về việc mở rộng và cải thiện kho vũ khí hạt nhân.

Năm 2015, Bắc Kinh đã tổ chức lại quân đội, đưa Quân đoàn Pháo binh số 2 - đơn vị quản lý, vận hành các tên lửa và đầu đạn của Trung Quốc thành Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và nâng cấp lực lượng này thành một lực lượng quân sự đầy đủ.

Cùng năm đó, Trung Quốc đã cho ra mắt tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 để hoàn thành giai đoạn thứ hai của “bộ ba hạt nhân” (gồm các hệ thống có khả năng mang vũ khí hạt nhân được triển khai trên bộ, trên biển và trên không). Mặc dù Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân phóng từ trên không, nhưng nước này vẫn thiếu một máy bay ném bom chiến lược có thể triển khai tấn công trên phạm vi toàn cầu bằng những vũ khí này.

Cũng trong năm 2015, Lầu Năm Góc lần đầu tiên báo cáo rằng, Trung Quốc đã triển khai công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) trên các tên lửa đạn đạo, một công nghệ khiến cho việc ngăn chặn các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc xuyên qua các lá chắn phòng thủ tên lửa trở nên khó khăn hơn.

Vào năm 2017, Trung Quốc cũng đã trang bị công nghệ này cho tên lửa DF-41 - ICBM cơ động trên bộ mới nhất và là tên lửa tầm xa nhất của Trung Quốc.

Tất cả những bước phát triển này đều nhằm mục đích thực hiện một điều: đảm bảo Trung Quốc có khả năng đánh trả lần hai (second strike capability). Răn đe hạt nhân sẽ không có nhiều hiệu quả nếu kẻ thù biết rằng có thể hạ gục các vũ khí hạt nhân bằng một đòn tấn công phủ đầu. Trung Quốc cho đến những năm gần đây chỉ dựa vào một số lượng ít ỏi các tên lửa phóng từ các hầm phóng, rõ ràng lo ngại trường hợp này có thể xảy ra.

Tính toán có lợi

Hiện nay, Washington rất muốn Bắc Kinh trở thành một phần của cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Nga. Khi thấy sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng và theo dõi sự phát triển về quân sự và hạt nhân của Bắc Kinh, Washington muốn tránh bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nào về lâu dài và kiểm soát năng lực hạt nhân của Trung Quốc.

Điều này không chỉ đòi hỏi các bên cùng nhất trí về số lượng đầu đạn và thiết bị phóng, mà còn phải có cả một số hình thức xác minh.

Không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh không mấy hào hứng với việc hạn chế kho vũ khí của mình hoặc phải tuân theo bất kỳ hình thức xác minh nào.

Tuy nhiên, dường như Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nếu làm như vậy. Tham gia vào các cuộc đàm phán về giới hạn kho vũ khí với Mỹ và Nga là cơ hội để chứng minh cam kết của Trung Quốc trong việc kiềm chế vũ khí hạt nhân – điều đem lại lợi ích cho toàn cầu và sẽ được toàn thế giới ủng hộ.

Hơn nữa, trở thành một bên tham gia cuộc đàm phán này sẽ cho phép Trung Quốc thúc đẩy các biện pháp kiềm chế nghiêm ngặt hơn đối với kho vũ khí hạt nhân của cả Mỹ và Nga. Là kẻ ngoài cuộc, Bắc Kinh sẽ không thể gây ảnh hưởng đến quy mô và mức độ tinh vi của hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới này.

Bằng cách tham gia các cuộc đàm phán, Trung Quốc sẽ có tiếng nói về cách hai cường quốc này duy trì năng lực răn đe hạt nhân của họ.

Việc tham gia các cuộc đàm phán hạn chế kho vũ khí hạt nhân cũng sẽ thể hiện thiện chí của Trung Quốc đối với Mỹ vào thời điểm mà Bắc Kinh đang muốn xoa dịu xích mích giữa hai bên. Cũng giống như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân là một lĩnh vực quan trọng trong tiềm năng hợp tác.

Hiện tại, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không chọn mở ra các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên theo thời gian, với những lợi ích ngày càng rõ ràng và khi Trung Quốc ngày càng tự tin hơn vào năng lực răn đe hạt nhân của mình, các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể trở thành lĩnh vực hợp tác cùng thắng cho Trung-Mỹ.

(theo SCMP)