📞

Thảm sát Paris: Vụ 11/9 của nước Pháp

15:51 | 12/01/2015
Ngay sau biến cố thảm sát tại trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo hôm 7/1, trên khắp nước Pháp, người ta đã so sánh nó với vụ tấn công của al-Qaeda nhằm vào Mỹ năm 2001. Quả thực, vụ tấn công Charlie Hebdo là vụ sát hại đẫm máu nhất ở Pháp kể từ khi Chiến tranh Algeria kết thúc năm 1962. Thế nhưng, những điểm tương đồng trong hai vụ tấn công này thực chất nằm ở đâu?
Minh họa của họa sĩ người Hà Lan Ruben Oppenheimer đăng tải trên Twitter.

Thoạt nhìn, sự so sánh trên có vẻ gượng gạo và mang tính cường điệu. Bởi lẽ chỉ có 12 người bị sát hại tại Paris, trong khi có gần 3.000 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào New York và Washington D.C. Những kẻ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo cũng chỉ sử dụng súng AK chứ không phải máy bay, nhưng đặc biệt tất cả đều là công dân Pháp. Đó là lý do tại sao vụ tấn công ở Paris vừa qua lại giống như sự kết hợp của hai vụ tấn công khác: vụ đánh bom ga tàu điện ngầm ở London năm 2005 (những kẻ thủ ác đều là công dân Anh) và cuộc tấn công Mumbai 2008 (những kẻ khủng bố sử dụng vũ khí hạng nhẹ và nhắm mục tiêu vào các cá nhân).

Cho dù còn nhiều khác biệt lớn nhưng các cuộc tấn công ở Paris và New York đều có cùng bản chất. Cả hai thành phố đều là hiện thân của một giấc mơ phổ quát tương đồng, đều là những ẩn dụ cho tinh thần khai sáng và tự do.

Bên cạnh đó, trong cả hai trường hợp, các mục tiêu mà những kẻ khủng bố nhắm đến đều mang tính biểu tượng cao. Ở New York, Tòa Tháp đôi thể hiện tham vọng và thành tựu của chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, ở Paris, tòa soạn Charlie Hebdo đại diện cho tinh thần tự do dân chủ, quyền được viết, vẽ, và công bố bất cứ điều gì, thậm chí cả những hành động khiêu khích cực đoan (và đôi khi là thô tục). Một số ý kiến còn cho rằng, dù ở Paris hay New York, mục tiêu sau cùng của những kẻ khủng bố chính là bản thân nền văn minh phương Tây.

Cả nước Pháp ghê tởm cuộc tấn công hôm 7/1 và thể hiện sự cảm thông với các nạn nhân. Họ tuyên bố “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), một cụm từ làm nhớ lại lời tuyên bố tương tự của nhật báo Le Monde ngay sau vụ 11/9/2001: “Nous sommes tous Américains” (Chúng ta đều là người Mỹ).

Những người biểu tình giơ cao khẩu hiệu “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie).

Thế nhưng, ở khía cạnh khác, cần phải thừa nhận rằng việc châm biếm Hồi giáo là sự khiêu khích nguy hiểm và không cần thiết, thậm chí là sự vô trách nhiệm về mặt chính trị. Năm 2005, tôi đã quan ngại trước quyết định xuất bản một loạt các bức tranh biếm họa Nhà Tiên tri Mohammad của tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten cũng như việc tái bản chúng của Charlie Hebdo vào 1 năm sau đó.

Kỷ nguyên của chúng ta có lẽ còn sùng tín hơn cả thế kỷ 18, nếu quy chiếu với Voltaire. Thế nhưng, hành động một cách trách nhiệm vẫn có thể kiềm chế được việc xúc phạm đến những điều thiêng liêng nhất của người khác, chẳng hạn như Chúa Trời, Đấng Tiên tri Mohammad hay vấn đề diệt chủng Do Thái (The Shoah).

Tại Pháp, “laïcité”, vốn thường được dịch sang tiếng Anh thành “secularism” (chủ nghĩa thế tục), tương đương với một tôn giáo – tôn giáo của nền Cộng hòa. Đối với những họa sĩ của Charlie Hebdo, tôn giáo chỉ là một ý thức hệ, và vì thế, họ đã nhắm sự công kích vào cả ba tôn giáo độc thần lớn, đặc biệt là Hồi giáo.

Cũng giống như ở Mỹ sau vụ 11/9, hiện nay, một bầu không khí đoàn kết dân tộc đang bao phủ toàn bộ nước Pháp. Hẳn nhiên là phải thế, bởi sự đoàn kết là tối quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố - những kẻ gây nên sự chia rẽ và kích động đối đầu.

Thế nhưng, đoàn kết dân tộc sẽ chiếm ưu thế trong bao lâu? Các “vết sẹo” của chủ nghĩa thực dân ở Pháp vẫn “nhức nhối” hơn bất cứ nơi nào khác trên khắp châu Âu. Pháp có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu, trong khi phe ôn hòa yếu kém và chia rẽ trước sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các đảng phái cánh hữu. Những yếu tố này có thể tạo nên một công thức cho thảm họa.

Người Pháp phải đối mặt với vụ khủng bố hôm 7/1 giống như cách người Mỹ đã làm sau vụ 11/9: cương quyết, rõ ràng, và có trách nhiệm. Nhưng trên hết, Pháp phải tránh hành động như Mỹ đã từng làm năm 2003, khi Tổng thống George W. Bush mở rộng “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” tới Iraq. Nhiệm vụ của Pháp hiện nay là tiếp tục duy trì các giá trị đã khiến đất nước trở thành mục tiêu của khủng bố.

Dominique Moisi

Tác giả là Giáo sư Học viện Chính trị Paris (Sciences Po), Cố vấn cao cấp của Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), Giảng viên thỉnh giảng tại King’s College London. Bài viết trên, được đăng tải ở mạng Project Syndicate ngày 9/1, phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

Quang Chinh (lược dịch)