📞

Thành công bước đầu sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn

17:00 | 04/07/2017
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ khi nhậm chức và cuộc hội đàm của ông với người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào ngày 29/6 vừa qua đã đặt ra nhiều câu hỏi về tiến triển của mối quan hệ Mỹ-Hàn khi hai nước đã là đồng minh toàn diện từ thời Chiến tranh Triều Tiên. 

Tuần qua, hai nhà lãnh đạo vô cùng khác biệt đã có cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên: Tổng thống Mỹ Donald Trump - người hứa hẹn chấm dứt những quy tắc chính trị truyền thống - đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - một cựu luật sư nhân quyền giản dị, người thắng cử với lời hứa tạo dựng một xã hội bao dung hơn và loại trừ các tàn dư của chủ nghĩa độc tài.

Hợp tác chung tiếp tục giữ vững

Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Moon đã được Nhà Trắng tiếp đón với nghi thức cao nhất. Điều này thể hiện tầm quan trọng chiến lược của đồng minh Hàn Quốc đối với Mỹ.

Sau cuộc gặp đầu tiên tại Washington trong tuần qua, hai nhà lãnh đạo đều đã nói về những điều tích cực và cam kết một mặt trận thống nhất với các kế hoạch nhằm vạch ra giải pháp chống lại các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Theo tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh ngày 30/6, ông Trump và ông Moon Jae-in “cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đạt được mục tiêu chung đó là hoàn tất phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên qua phương thức hòa bình”. Hai nhà lãnh đạo cũng thể hiện cam kết “thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt hiện hành và áp đặt các biện pháp mới để gây sức ép lớn nhất với Triều Tiên”.

Việc ký vào bản tuyên bố cứng rắn như vậy dường như trái ngược với lý lịch chính trị của Tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình từ đầu những năm 2000 dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun. Dưới chính quyền Tổng thống Roh, Seoul đã thực thi chính sách Ánh Dương, theo đó cung cấp cho Triều Tiên viện trợ kinh tế vô điều kiện và tổ chức các cuộc họp và trao đổi văn hóa thường xuyên. Ý tưởng ở đây là việc xây dựng quan hệ giữa các chính phủ và lĩnh vực tư nhân, cùng trợ giúp tài chính sẽ thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hạt nhân và gia nhập vào cộng đồng quốc tế.

Mối đe doạ ngày càng tăng từ Triều Tiên

Rõ ràng, chính sách Ánh Dương đã không mang lại hiệu quả, bởi Triều Tiên vẫn theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, ông đã thực thi di sản của chính sách Ánh Dương và những người ủng hộ ông mạnh mẽ nhất - dù không phải đa số người dân - đã hy vọng ông áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn trong chính sách với Triều Tiên.

Tuy nhiên, thực tế ở đây là việc áp dụng quan điểm mềm mỏng hơn với Triều Tiên ngày càng mang lại ít lợi ích chính trị ở Hàn Quốc. Trước đây, một bộ phận lớn người dân mong muốn hòa giải hai miền Triều Tiên, nhưng trước một loạt hành động khiêu khích không ngừng của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây, và nhiều thách thức chính trị và kinh tế trong nước, người dân Hàn Quốc đã mất kiên nhẫn với nước láng giềng phương Bắc.

Trong lúc dư luận trong nước đã quá mệt mỏi với Triều Tiên, ông Moon Jae-in đã dễ dàng tìm kiếm quan điểm chung với ông Trump về cách thức đối phó với Bình Nhưỡng. Ông Trump đã rất kiên định trong quyết tâm ngăn chặn Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Tháng 1/2017, sau khi Triều Tiên tuyên bố về tiến triển trong mục tiêu lâu dài của nước này là chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ, ông Trump đã viết trên Twitter rằng “Điều đó sẽ không xảy ra!”.

“Người yêu chuộng hoà bình”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân Kim Jung-sook tham dự sự kiện tại Bảo tàng Quốc gia Thủy quân Lục chiến ở Triangle bang Virginia ngày 28/6. (Nguồn: AP)

Mặc dù đối mặt với cuộc hội đàm đầy gai góc, nhưng ông Moon Jae-in đã thể hiện sự cân bằng khéo léo trong hội nghị thượng đỉnh tuần qua, với việc đạt được đồng thuận với ông Trump về việc áp dụng quan điểm cứng rắn trong khi vẫn thể hiện bản chất “người yêu chuộng hòa bình” với Triều Tiên.

Ông Moon Jae-in đã thành công trong việc đưa ra một bản tuyên bố chung cuối cùng có đề cập đến cách “Tổng thống Trump ủng hộ mong muốn của Tổng thống Moon Jae-in về việc tái khởi động đối thoại liên Triều” - điều quá đủ để ngăn chặn sự bất bình từ những người ủng hộ ông Moon Jae-in trong nước.

Ông Moon Jae-in cũng không muốn gây căng thẳng trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên với ông Trump qua việc hối thúc Mỹ ủng hộ dứt khoát hơn việc can dự ngoại giao với Triều Tiên, bởi quan hệ Mỹ-Hàn vốn đang đối mặt với nhiều thách thức khác. Ví dụ như thương mại đang là một vấn đề đối với Mỹ. Ông Trump đã phá vỡ bầu không khí thân mật ở Washington với lời phàn nàn công khai về thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn mà ông gọi là “không hẳn là một thỏa thuận tốt”.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn ở đây là Mỹ hay Hàn Quốc có ảnh hưởng đến đâu trong việc làm thay đổi hành vi của Triều Tiên. Trong lịch sử, Bình Nhưỡng đã phản kháng trước cả các biện pháp “cây gậy và củ cà rốt”. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy họ có khuynh hướng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Có khả năng các lệnh trừng phạt thắt chặt hơn sẽ cắt đứt mối liên hệ còn lại của Triều Tiên với hệ thống tài chính quốc tế. Cùng ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Moon tại Washington, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ngân hàng Đan Đông (Trung Quốc) vào danh sách đen với cáo buộc làm ăn với Triều Tiên, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt với hai công dân Trung Quốc và một công ty vận chuyển nước này vì có liên hệ với chương trình vũ khí và hạt nhân của Triều Tiên.

Tóm lại, ông Moon Jae-in và ông Trump có thể được cho là đã thể hiện thành công trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ, với việc duy trì liên minh Mỹ-Hàn trong khi tránh được nguy cơ những người ủng hộ trở nên xa lánh họ. Một nhiệm vụ khó khăn hơn sẽ là làm thế nào để đạt được tiến triển trong việc giảm bớt những căng thẳng gây ra do chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

(theo Channel News Asia)