Đêm ngày 6/3 (theo giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ Covid-19, hay còn gọi là “Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ” 1.900 tỷ USD. Dự luật này sẽ được chuyển lại Hạ viện để biểu quyết lần nữa vào ngày 9/3.
Nếu được phê chuẩn, dự luật hoàn chỉnh sẽ được đệ trình lênTổng thống Joe Biden.
Các nhà lập pháp kỳ vọng đạo luật sẽ được ký ban hành trước ngày 14/3, thời điểm các trợ cấp thất nghiệp bổ sung hiện tại sẽ tới hạn.
Thượng Nghị sỹ đảng Dân chủ bang New York Chuck Schumer vui mừng sau khi dự thảo về gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua. (Nguồn: Reuters) |
Một mặt, gói cứu trợ khổng lồ này có thể góp phần khắc phục hệ quả của đại dịch Covid-19 và xây dựng uy tín của ông Joe Biden. Mặt khác, nó cũng để lộ những chia rẽ trong nội bộ và đặt ra một số vấn đề mà Washington cần sớm giải quyết.
Cú hích cần thiết
Thứ nhất, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho quá trình phục hồi nền kinh tế Mỹ trước đại dịch Covid-19.
Về mặt cá nhân, gói cứu trợ bao gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho người Mỹ có thu nhập ít hơn 80.000 USD hoặc các cặp vợ chồng thu nhập dưới 160.000 USD, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp trị giá 300 USD/tuần, tăng tín dụng thuế dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, hỗ trợ các công ty bất động sản nhỏ lẻ.
Gói cứu trợ cũng dành 350 tỷ USD nhằm trợ giúp các chính quyền bang và địa phương, 160 tỷ USD cho chương trình tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19, 129 tỷ USD cho các trường học và 25 tỷ USD nhằm chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang rơi vào tình cảnh ảm đạm chưa từng có trong nhiều thập niên gần đây, gói cứu trợ khổng lồ được kỳ vọng có thể thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang rơi vào tình cảnh ảm đạm chưa từng có trong nhiều thập niên gần đây, gói cứu trợ khổng lồ được kỳ vọng có thể thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ. |
Thứ hai, việc gói cứu trợ đặc biệt quan trọng với tương lai của nước Mỹ được thông qua sẽ tạo động lực để chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục đề xuất những dự luật cần thiết, kiên quyết hiện thực hóa tầm nhìn của ông về “chữa lành nước Mỹ” thời gian tới. Đó có thể là các chính sách nội trị như quản lý người nhập cư, đề xuất tăng lương tối thiểu, chương trình Medicare, hay đối ngoại như định hướng về quan hệ với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và khu vực Trung Đông.
Thứ ba, gói cứu trợ được thông qua thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm “chữa lành nước Mỹ”, với ưu tiên hàng đầu ở hiện tại là phòng, chống dịch Covid-19, khôi phục niềm tin của người dân Mỹ vào thể chế, chính sách của Washington sau 4 năm sóng gió.
Khảo sát mới nhất của AP/NORC cho thấy 70% cử tri Mỹ ủng hộ công cuộc chống dịch Covid-19 của Tổng thống Joe Biden, trong đó 44% là cử tri Cộng hòa.
Dù nghi ngờ rằng đương kim Tổng thống đang hưởng “tuần trăng mật” và số liệu có ít nhiều chênh lệch với một vài khảo sát khác, Washington Post cho rằng đây vẫn là tỷ lệ ủng hộ Tổng thống hiếm gặp trong thời gian gần đây.
Vấn đề cấp thiết
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, gói cứu trợ này cũng đặt ra một số vấn đề cấp thiết mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cần sớm giải quyết.
Thứ nhất, nó đã để lộ chia rẽ sâu sắc trên chính trường Mỹ, trước hết là nội bộ đảng Dân chủ: Có tới 8 Thượng nghị sỹ đảng này đã bỏ phiếu chống lại việc tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, khiến đề xuất này thất bại, buộc các thành viên còn lại của đảng Dân chủ phải loại bỏ đề mục này khỏi dự thảo để gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua. Ngược lại, đảng Cộng hòa duy trì sự đoàn kết khi 49 Thượng Nghị sỹ đều bỏ phiếu chống dự thảo gói cứu trợ đảng Dân chủ đề xuất.
Việc không thể thông qua toàn bộ nghị trình dù có đa số tại Thượng viện và Hạ viện là tín hiệu đáng ngại với đảng Dân chủ nói chung và chính quyền Tổng thống Joe Biden nói riêng.
Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đã để lộ một số bất đồng trong nội bộ đảng Dân chủ. (Nguồn: AP) |
Thứ hai, gói cứu trợ khổng lồ 1.900 tỷ USD có thể khiến chính phủ Mỹ buộc phải cắt giảm hàng chục tỉ USD dành cho các chương trình khác như những khoản vay dành cho sinh viên, chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare. Chương trình nhà ở, thu thuế, bảo vệ nhà đầu tư và hoạt động hỗ trợ người thất nghiệp quốc gia không phải là ngoại lệ.
Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Philip Swagel ngày 25/2 đã lên tiếng cảnh báo rằng gói cứu trợ sẽ đẩy thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ lên 1.900 tỷ USD trong thập kỷ tới. Hạ Nghị sỹ đảng Cộng hòa Jason Smith, thành viên Ủy ban Ngân sách Hạ viện, nhận định “dự luật này sẽ phương hại trực tiếp đến tầng lớp lao động Mỹ”.
Thứ ba, các điều khoản ràng buộc sẽ khiến gói cứu trợ này sẽ không thể tới tay hàng triệu hộ gia đình. Theo Reuters, trong thỏa hiệp với thành viên đảng Dân chủ ôn hòa tại Thượng viện, các khoản thanh toán cứu trợ Covid-19 theo gói 1.900 tỷ USD được sửa đổi sẽ chỉ dành cho cá nhân có thu nhập ít hơn 80.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 160.000 USD/năm.
Việc không thể thông qua toàn bộ nghị trình dù có đa số tại Thượng viện và Hạ viện là tín hiệu đáng ngại với đảng Dân chủ nói chung và chính quyền Tổng thống Joe Biden nói riêng. |
Một nhà phân tích thuế của Viện Doanh nghiệp Mỹ Kyle Pomerleau cho biết, điều đó có nghĩa là gần 9 triệu hộ gia đình sẽ không được nhận khoản thanh toán trực tiếp thời gian này. Như vậy, theo nhà phân tích Steve Wamhoff của Viện Chính sách Kinh tế và Thuế (ITEP), với 60% số người Mỹ có thu nhập thấp và đang thực sự cần giúp đỡ, về cơ bản là không hề có sự khác biệt.
Kết quả của gói cứu trợ 1.900 tỷ USD ra sao vẫn là ẩn số. Song chắc chắn rằng Washington còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn “chữa lành nước Mỹ” của Tổng thống Joe Biden.