Các quan chức bang Hawaii và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã xác nhận không có mối đe dọa thực sự nào tới hòn đảo này. Tuy nhiên, trong hơn 30 phút, trong lúc Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii phải tìm cách đính chính thông tin, người dân Hawaii đã cực kỳ hoảng sợ và tìm nơi trú ẩn.
Cảnh báo nhầm được đưa ra trước đó ghi rõ: “Báo động khẩn cấp về mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang hướng về Hawaii. Ngay lập tức tìm nơi trú ẩn. Đây không phải cuộc diễn tập”. Cảnh báo này - được gửi tới điện thoại và thông báo trên truyền hình và đài phát thanh vào lúc 8h sáng (giờ địa phương) - được đưa ra trong bối cảnh tăng thẳng quốc tế đang gia tăng về sự phát triển các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tình trạng hỗn loạn được hãng tin Reuters ghi lại khi thông tin cảnh báo được gửi đến những người dân bang Hawaii. |
Từ sơ sểnh mang tính kỹ thuật...
Phát biểu trong cuộc họp báo, Thống đốc David Ige đã bày tỏ sự “tức giận và thất vọng” về vụ việc này và đưa ra lời xin lỗi. Ông khẳng định bang Hawaii sẽ tiến hành các biện pháp để đảm bảo vụ việc này sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa.
Ông Ige cho biết, lệnh cảnh báo này được đưa ra trong một phiên đổi ca trực tại Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii và không có tiến trình tự động nào để rút lại lệnh cảnh báo nhầm này. Vern Miyagi, người đứng đầu Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii, đã gọi đây là “lỗi của nhân viên”.
Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, Hawaii - một chuỗi đảo trên Thái Bình Dương - hiện có 1,4 triệu người sinh sống và là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ và các đơn vị khác của quân đội Mỹ.
Tháng 11/2017, bang Hawaii cho biết họ sẽ dùng lại còi báo động tấn công hạt nhân từ thời chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên trong ít nhất 1/4 thế kỷ qua, để chuẩn bị trước vụ tấn công tên lửa từ Triều Tiên. Thống đốc Hawaii cho biết một số còi báo động đã ngừng hoạt động hôm 13/1 sau lệnh báo động nhầm.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đe dọa sử dụng năng lực vũ khí tên lửa ngày một phát triển của mình để tấn công vùng lãnh thổ Guam của Mỹ hay các bang khác. Điều này khiến Tổng thống Donald Trump đe dọa tiến hành hành động cứng rắn chống lại Bình Nhưỡng, bao gồm “lửa và cơn thịnh nộ”.
Thông tin đính chính về báo động tên lửa xuất hiện trên các biển báo đường cao tốc. (Nguồn: Twitter) |
…đến những nguy cơ thảm khốc
Theo trang mạng Forbes, vụ việc này khiến chúng ta suy nghĩ về khả năng quân đội Mỹ có thể phải đưa ra các quyết định nhanh chóng trước các thông tin ít ỏi khi phải đối mặt với hành động khả nghi của Triều Tiên.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa hoạt động hiệu quả nhất khi chúng đánh chặn tên lửa Triều Tiên trước khi nó bay cao trên bầu khí quyển. Điều này đồng nghĩa rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa phải sẵn sàng phóng hỏa trong vòng vài phút.
Hơn nữa, trong bầu không khí khủng hoảng - dù là trên thực tế hay giống như những gì diễn ra hôm 13/1 - sự phòng thủ tốt nhất đó là tiến hành tấn công một cách hiệu quả. Nếu Lầu Năm Góc đang ở mức cảnh báo cao nhất, họ có thể đưa ra phản ứng trước lệnh báo động này, cho dù nó là cảnh báo sai lầm, hoặc đưa ra sự phản ứng mạnh mẽ trước những gì đã xảy ra dù không nhằm mục đích kích động chiến tranh. Ví dụ như, Lầu Năm Góc có thể tiến hành cuộc không kích nhằm vào các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Chúng ta có thể hy vọng rằng đó sẽ là cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường, chứ không nhằm leo thang chiến tranh hạt nhân, nhưng điều đó cũng không nằm ngoài khả năng.
Như vậy, vụ việc này cho thấy hàm ý gì sau cuộc khẩu chiến của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un? Nói một cách ngắn gọn, đây là vụ việc đáng báo động, với nguy cơ gây ra tình trạng hỗn loạn. Mỹ đang tạo ra một tình thế mà ở đó, một sự tính toán sai lầm của Washington rất có khả năng xảy ra và mang tính chất thảm khốc. Mỹ cũng đang tạo ra một tình thế mà trong đó phản ứng của Triều Tiên trước sự tính toán sai lầm của Mỹ cũng có thể xảy ra và thậm chí gây tai hại hơn.
Hiện rất cần có một số kênh liên lạc giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc để ngăn chặn không chỉ sự thù địch và chủ nghĩa quân phiệt, mà còn ngăn chặn tai họa thảm khốc. Và lệnh báo động ở Hawaii chính là hồi chuông thức tỉnh.