Thế giới sau thảm họa dịch bệnh Covid-19 sẽ rất khác. (Nguồn: Economic Research Forum) |
Toàn cầu hóa có thể bị đảo ngược?
Điều không thể phủ nhận là việc đi lại dễ dàng trên thế giới và di chuyển không biên giới đã góp phần dẫn đến sự lan nhanh của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc đảo ngược toàn cầu hóa sẽ không dễ dàng bởi thực tế là không thể phi toàn cầu hóa một thế giới vốn đã toàn cầu hóa.
Nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times mới đây cho rằng, toàn cầu hóa sẽ tiếp tục diễn ra sau khi đại dịch qua đi. Ông cho rằng có thể sẽ có một số trở ngại đối với kinh tế và thương mại toàn cầu nhưng toàn cầu hóa sẽ tiếp tục vận hành. Đương nhiên, có thể có một số hạn chế và giới hạn mới đối với các hoạt động tự do trước đây, nhưng chúng ta không thể ngăn chặn toàn cầu hóa.
Những người khác dự đoán rằng, “xu hướng trở về” sẽ diễn ra ở nhiều nơi với việc nhiều doanh nghiệp đưa các nhà máy ở nước ngoài “hồi hương”. Trải qua tai ương kinh tế trong đại dịch, con người giờ đây nhận ra rằng nếu không có các nhà máy cung cấp các linh kiện và hàng hóa ở chính đất nước mình thì sẽ khó chống đỡ được một cuộc khủng hoảng quốc tế như Covid-19.
Nếu xu hướng này phát triển, các nước mà nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả khi nhiều nước giảm nhập khẩu trong một thời gian. Bởi vậy, sau đại dịch, một số nước sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế chưa từng có.
Cơ cấu thương mại biến chuyển
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã và đang ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, khi "gắn chặt" hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Trung Quốc cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều đó đồng nghĩa, một cuộc khủng hoảng khi xảy ra sẽ dẫn tới sự gián đoạn ở một phần của chuỗi giá trị toàn cầu vì toàn bộ chuỗi cung ứng ngừng hoạt động
Cạnh tranh đã và đang diễn ra khốc liệt trong các ngành may mặc, cơ điện học và hóa học, do mức độ tương đồng cao trong xuất khẩu giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á và những sự chồng lấn về điểm đến xuất khẩu.
Khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên, các nền kinh tế phát triển đang chuyển các nhà máy của họ sang các nước cạnh tranh hơn về giá cả ở khu vực Đông Nam Á. Dịch bệnh có khả năng làm chất xúc tác cho sự chuyển đổi này ở các ngành công nghiệp cần nhiều lao động.
Dịch bệnh cũng sẽ tác động đến chuỗi cung ứng thông qua cả cung và cầu. Nhu cầu trong nước đối với sản xuất và tiêu dùng trước mắt sẽ giảm mạnh, dẫn đến nhập khẩu giảm nhiều. Về mặt cung, hầu hết các nhà máy trong nước đều lùi ngày mở cửa trở lại do dịch bệnh. Điều này đã cản trở các tiến trình sản xuất của các công ty ở nước ngoài.
Tình hình dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ, bất ngờ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với sức ép cả về mặt cung lẫn cầu.
Về cơ cấu thương mại, các nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ nhất sẽ là những nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về cung hoặc cầu. Các nước bị ảnh hưởng tiếp theo là các nền kinh tế phát triển lớn như Mỹ - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Khi các công ty Mỹ chuyển các nhà cung cấp của họ từ Trung Quốc sang Canada và Mexico, đại dịch sẽ đẩy nhanh việc tách Mỹ ra khỏi Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong số các nước châu Á, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn nhất đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi hai nước này là nguồn nhập khẩu lớn nhất và lớn thứ hai đối với Trung Quốc. Khi bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, cả ba nước này sẽ phải vật lộn để duy trì chuỗi giá trị của họ.
Năm 2019, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Do các nước ASEAN không nằm trong số những nước bị tác động mạnh mẽ nhất của đại dịch, chuỗi giá trị Trung Quốc-ASEAN sẽ chỉ bị ảnh hưởng ở mức độ vừa phải.
Mặt khác, tổng thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Kết hợp với tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh ở châu Âu, thương mại Trung Quốc-châu Âu cũng có thể bị tác động lớn trong năm 2020.
Sức mạnh toàn cầu dịch chuyển sang phía Đông
Trong khi không thể dự đoán chính xác những tác động mà dịch bệnh Covid-19 sẽ để lại cho thế giới, nhưng chúng ta biết rằng thế giới sau thảm họa này sẽ rất khác. Câu hỏi lớn ở đây là khác như thế nào? Những diễn biến gần đây đã đem lại một số câu trả lời.
Thứ nhất, ảnh hưởng kinh tế của Covid-19 sẽ tồi tệ hơn đối với các nước đang phát triển như Pakistan. Bởi thế giới phát triển có không gian tài chính rộng hơn, nên các nước có khả năng chống đỡ được tình hình khi mà các doanh nghiệp đóng cửa. Các nước đang phát triển không may là không có đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho những người phải ở nhà trong thời gian dài.
Thứ hai, quyền lực của các chính phủ đã được áp dụng ở quy mô chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động đến cách thức các chính phủ vận hành trong tương lai. Các quyền tự do bất khả xâm phạm như tự do di chuyển và tự do tín ngưỡng đã phải “ngồi ghế sau”, ít nhất là tạm thời. Hoàn toàn có khả năng là các chính phủ trong thế giới hậu Covid-19 sẽ lớn hơn và có quyền lực hơn.
Cuối cùng, đại dịch Covid-19 có thể làm thay đổi cơ cấu quyền lực toàn cầu, chuyển từ thế giới phương Tây sang Đông Á. Bỏ qua khả năng về làn sóng lây nhiễm thứ hai trong tương lai, bằng chứng hiện nay đã chỉ ra tính hiệu quả của các biện pháp tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore trong việc “san phẳng làn sóng” ngay cả khi các nước này có ít thời gian đối phó với dịch bệnh hơn so với các quốc gia phương Tây.
Các quyền tự do bất khả xâm phạm như tự do di chuyển đã phải “ngồi ghế sau”, ít nhất là tạm thời. (Nguồn: Reuters) |
Sự thay đổi quyền lực trong trật tự thế giới toàn cầu không có khả năng diễn ra nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 chắc chắn là chất xúc tác tiềm tàng trong tiến trình thay đổi này.
Bên cạnh đó, dịch bệnh đã thay đổi trạng thái bình thường trước đây, cụ thể là Covid-19 đã phá vỡ sự phụ thuộc của thế giới vào dầu mỏ và các nhiên liệu hóa thạch khác để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu. Khi nhu cầu toàn cầu đối với dầu mỏ giảm mạnh do thiếu hoạt động kinh tế, cuộc chiến về giá dầu có thể xảy ra.
Một thực tế khác là sự hủy hoại đa dạng sinh học và khả năng virus lây từ động vật sang người (điều cho đến nay đã ít được chú ý đến) cho thấy tầm nhìn ngắn hạn trong những hành động đối với môi trường của con người. Nếu chúng ta bỏ qua điều này và quay trở lại công việc như thường lệ, thế giới sẽ vô phương cứu chữa.