Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Các thủ lĩnh phiến quân và chính trị gia, gồm cả thành viên nội các, đang kêu gọi Tổng thống Ashraf Ghani và các quan chức an ninh từ chức với cáo buộc không đủ năng lực lãnh đạo, gây thù hằn sắc tộc. Mỗi ngày trên đường phố Kabul diễn ra hàng chục cuộc biểu tình của thanh niên và người thân của những người bị sát hại trong các vụ tấn công gần đây.
Trong khi đó, Taliban đã bắt đầu các cuộc tấn công để chiếm nhiều lãnh thổ hơn, đặc biệt là giành quyền kiểm soát thành phố Kunduz ở phía Bắc, vốn có hơn 300.000 dân mà lực lượng này đã tìm cách chiếm đóng hai lần trong năm qua. Nếu Kunduz rơi vào tay Taliban, đây sẽ là thành phố lớn đầu tiên mà họ tái chiếm được.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả việc tình hình an ninh đang xấu đi là cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra trong Chính phủ Afghanistan. Sự thiếu tin tưởng giữa Tổng thống Ashraf Ghani và Thủ thướng Abdullah Abdullah đã dẫn đến tình trạng chính phủ và dịch vụ xã hội bị tê liệt. Tổng thống Ghani hiện không còn nhận được nhiều ủng hộ. Nhiều người dân Afghanistan coi chính phủ đương nhiệm là chế độ không thể tồn tại được nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ và NATO, với khoảng 13.000 lính đóng tại Afghanistan.
Đến nay, việc phương Tây giúp Chính phủ Afghanistan hoạt động đang ngày càng gặp nhiều khó khăn khi phiến quân Taliban dần tiến quân tới nhiều nơi trên đất nước này. Trong bối cảnh đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lại còn bị chia rẽ bởi những quan điểm khác nhau về sự bùng nổ các cuộc tấn công do Taliban gây ra.
Ông James Mattis và những người đồng quan điểm muốn gửi sang Trung Đông thêm vài nghìn binh sĩ Mỹ để cứu chế độ tại Afghanistan. Còn những người có quan điểm đối lập, bao gồm cả chiến lược gia trưởng Steve Bannon, muốn nước Mỹ rút khỏi một chiến dịch quân sự hao tiền tốn của. Song, quyền quyết định điều quân hay không lại nằm trong tay quân đội Mỹ, theo như tuyên bố của ông Trump. Điều này chứng tỏ những người muốn triển khai thêm quân sang Afghanistan đang “nắm đằng chuôi”.
Một số chuyên gia cho rằng, cho dù ông Mattis có triển khai bao nhiêu quân đi chăng nữa cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Kabul. Nếu Chính phủ Afghanistan không cam kết rõ ràng, hoặc ông Ghani vẫn không hợp tác với phe đối lập để điều hành đất nước, việc tiếp viện quân của Mỹ sẽ làm tình hình ngày càng xấu đi.
Nếu Mỹ tiếp tục nhìn cuộc xung đột này dưới lăng kính chiến tranh, chính phủ Afghanistan sẽ dần mất đi quyền lực, tính chính danh và lãnh thổ của mình. Khi đó, các cuộc tấn công của Taliban sẽ tăng lên, lãnh thổ sẽ bị chiếm dần và kết cục là chính quyền Kabul có thể sụp đổ.