Vụ khủng bố "tàn bạo và hèn hạ"
Khoảng 22h30 (giờ địa phương) ngày 10/12, tại trung tâm thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra hai vụ đánh bom liều chết khiến 38 người thiệt mạng, trong đó có 30 cảnh sát và 155 người bị thương. Số người thiệt mạng có khả năng còn tăng do nhiều người bị thương nặng đang trong tình trạng nguy kịch.
Hiện trường vụ nổ bên ngoài sân vận động ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đêm 10/12. (Nguồn: Zuma) |
Theo Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, vụ đánh bom xe đầu tiên xảy ra bên ngoài sân vận động Vodafone Arena sau khi trận đấu giữa hai câu lạc bộ hàng đầu là Besiktas và Bursaspor kết thúc. Trong vụ thứ hai xảy ra 45 giây sau đó, một kẻ tấn công liều chết đã kích nổ quả bom nhằm vào một nhóm cảnh sát ngay tại khu vực công viên Macka, gần sân vận động. Các đối tượng đã sử dụng ít nhất từ 300-400kg thuốc nổ để thực hiện vụ tấn công này.
Ngay sau khi xảy ra hai vụ đánh bom, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã bày tỏ sự thương tiếc các nạn nhân, mạnh mẽ lên án hành động khủng bố đồng thời cam kết đoàn kết đất nước chiến đấu chống khủng bố. Tổng thống Erdogan đã hoãn chuyến thăm Kazakhstan theo kế hoạch, đồng thời tuyên bố 1 ngày quốc tang vào ngày 11/12 tưởng niệm các nạn nhân.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cũng ra thông cáo báo chí, lên án mạnh mẽ vụ khủng bố "tàn bạo và hèn hạ" ở Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định khủng bố dưới mọi hình thức tiếp tục là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an LHQ cũng nhấn mạnh những kẻ thực hiện, tổ chức, cấp tài chính và hậu thuẫn cho những vụ khủng bố trên cần phải bị trừng trị, đồng thời hối thúc tất cả các nước tích cực hợp tác với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các chính quyền hữu quan khác trong vụ việc này.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Jens Stoltenberg lên án đây là hành động khủng bố hèn hạ, đồng thời khẳng định NATO sẽ đoàn kết với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ chống khủng bố dưới mọi hình thức.
Ngày 11/12, nhóm Những con chim ưng tự do người Kurd (TAK) - một nhánh tách ra từ tổ chức Đảng công nhân người Kurd (PKK) - đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom kép này. Trong tuyên bố được đăng tải trên trang mạng của mình, TAK cho biết, một đội báo thù của nhóm này đã thực hiện các vụ tấn công đồng thời bên ngoài sân vận động Vodafone Arena và công viên Macka. Tuy nhiên, tuyên bố không cung cấp thông tin chi tiết về các thủ phạm.
Ngay sau khi TAK nhận thực hiện vụ đánh bom kép tại Istanbul, hưởng ứng lời kêu gọi của một tổ chức phi chính phủ, hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đường biểu tình phản đối.
Trong khi đó, các đảng phái chính trị tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chung nhất trí hỗ trợ tối đa các lực lượng an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố. Người phát ngôn Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định những cuộc tấn công tương tự sẽ củng cố thêm quyết tâm của chính phủ tiêu diệt các phần tử khủng bố. Trong một tuyên bố khác, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh quân đội, hiến binh, cảnh sát và các lực lượng an ninh sẽ đoàn kết, quyết tâm tiêu diệt khủng bố.
Ngày 12/12, hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 100 thành viên của các đảng ủng hộ người Kurd sau vụ đánh bom kép. Việc bắt giữ nhằm vào các thành viên đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (HDP), đáng chú ý trong đó có lãnh đạo khu vực của HDP là Aysel Guzel tại Istanbul và Ibrahim Binici tại Ankara.
Nhiều lỗ hổng an ninh
Thời gian vừa qua, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng khiến dư luận hết sức lo ngại và phẫn nộ. Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra cho thấy, tình trạng bất ổn an ninh ngày càng tăng khi Ankara vừa tham gia liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, vừa phải giải quyết xung đột nội bộ với lực lượng PKK sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên sụp đổ hồi tháng 7/2015.
Theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ trải qua thời kỳ nhiều nguy cơ bất ổn như hiện nay, khi những lỗ hổng an ninh và thất bại của các cơ quan tình báo đang "dọn đường" cho các hoạt động khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng nhận định nước này đang phải hứng chịu một trong những làn sóng khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử, đồng thời cam kết sẽ tiêu diệt IS và tổ chức khủng bố PKK - những nhóm đứng đằng sau một loạt vụ tấn công khủng bố gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cam kết sẽ tiêu diệt IS và PKK. (Nguồn: DW) |
Tổng thống Erdogan cũng cho biết, nhằm đối phó với các kế hoạch tấn công mới của các phần tử khủng bố, Chính quyền Ankara sẽ phát triển các phương pháp chiến đấu mới để nhanh chóng đánh bại các lực lượng này. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ phối hợp với các đối tác ở châu Âu nhằm ngăn chặn hoạt động khủng bố đang lan tràn trong khu vực.
Tuy nhiên, với tình thế hiện nay của Ankara, mặt trận chống khủng bố sẽ càng khó khăn hơn bao giờ hết, bởi Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là điểm trung chuyển khủng bố từ các nơi trên thế giới đến và đi từ nước láng giềng Syria. Thêm vào đó, theo thỏa thuận mới đây giữa Ankara với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận trở lại những người nhập cư châu Âu bất hợp pháp. Việc này được nhận định là sẽ gây không ít phức tạp cho tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu ở Syria đã khiến Ankara bị lọt vào danh sách trả đũa của các tổ chức cực đoan.
Không chỉ lo đối phó với nguy cơ khủng bố, vấn đề đảng PKK cũng khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phải đau đầu khi lực lượng này đang có mối liên hệ ngày càng mật thiết với người Kurd trong khu vực, nhất là người Kurd ở Syria. Ankara lo ngại rằng, thắng lợi của người Kurd ở Syria trong việc mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát có thể sẽ "khơi mào” cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện quyết tâm đòi ly khai.
Kể từ khi xung đột giữa lực lượng PKK và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát trở lại, hàng nghìn tay súng PKK, hàng trăm binh sĩ và dân thường Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiệt mạng. Kể từ đó, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch truy quét nhiều mục tiêu của PKK trên lãnh thổ nước này và khu vực miền Bắc Iraq. Đáp lại, lực lượng PKK cũng tiến hành nhiều vụ đánh bom khủng bố chủ yếu nhằm vào binh lính và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa. Cuộc xung đột giữa PKK và quân đội chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hơn 3 thập kỷ qua đã làm hơn 40.000 người thiệt mạng.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều thách thức an ninh từ cả bên trong lẫn bên ngoài, chính quyền Ankara cần phải có các biện pháp ứng phó kịp thời để ổn định tình hình đất nước cũng như khu vực.