|
Quét sạch tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là điều cần phải làm để ổn định Iraq và Syria, nhưng Mỹ sẽ không thể làm gì nếu người Hồi giáo Shiite và Sunni không chấp nhận chia sẻ quyền lực. Mặt khác, Washington cũng không thể bỏ qua “khối u” IS nếu không muốn nó “di căn”. Hậu quả dư luận đã thấy rõ, chính là vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels (Bỉ) hôm 22/3 vừa qua.
Bên cạnh đó, nỗ lực của Mỹ nhằm giúp Iraq dân chủ hơn đã buộc Washington phải “nhắm mắt làm ngơ” trước sự thật rằng Thổ Nhĩ Kỳ - một đối tác quan trọng tại khu vực - đang dần chuyển từ một nền cộng hòa dân chủ sang chế độ độc tài dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Giờ đây, dư luận gọi ông ta là “Sultan Erdogan” sau khi ông cho đóng cửa báo chí đối lập và bắt giam nhà báo. Nhưng bởi vì Mỹ cần những căn cứ không quân của Ankara, cũng như triển vọng hợp tác nhằm thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở Iraq, nên Chính quyền Washington đã im lặng trước những hành động của ông Erdogan.
Tôi đồng ý với ông Najmaldin Karim, Thống đốc tỉnh Kirkuk (Iraq) rằng “vấn đề cốt lõi của Iraq không phải là IS. Tổ chức này chỉ là hệ quả của sự quản lý yếu kém và chủ nghĩa bè phái”. Theo ông Karim, “cho dù IS mai này có bị đánh bật khỏi thành trì của chúng ở Mosul, nhưng Chính phủ Baghdad vẫn duy trì cách quản lý không đủ mạnh mẽ, cộng thêm mâu thuẫn phe phái giữa người Shiite và người Sunni, thì tình hình Iraq có thể sẽ càng trầm trọng hơn”.
Vấn đề đúng là nằm ở chỗ những bộ lạc Sunni, người Kurd, người Turkmen, những nhóm phiến quân Shiite, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran chỉ muốn đánh bại IS để xâu xé những vùng đất mà tổ chức khủng bố này đang chiếm giữ. Họ không đạt được đồng thuận chung trong chuyện chia sẻ quyền lực. Cho nên, nếu một ngày bạn nghe tin người ta tiêu diệt được trùm IS Abu Bakr al-Baghdadi cũng như quét sạch bóng IS trên đất Iraq thì cũng đừng vội mừng.
Ở miền Bắc Iraq, bên cạnh các “chiến binh nước ngoài” gia nhập IS, một số lượng lớn người Sunni ở tỉnh Kirkuk cũng đang đứng trong hàng ngũ của nhóm này. Những tay súng Sunni này cho rằng chính IS là lực lượng bảo vệ họ trước sự tấn công của những người Hồi giáo Shiite. Cùng với đó, một số người dân nghèo tìm đến IS với giấc mơ về một cuộc sống sung túc, có địa vị và quyền lực hơn.
Tôi không biết rằng làm cách nào để có thể tiêu diệt tận gốc IS, và sau đó thiết lập trật tự tại những vùng đất chúng chiếm đóng, nhưng tôi tin rằng mâu thuẫn giữa người Sunni và người Shiite, được thúc đẩy bởi các nước láng giềng như Saudi Arabia và Iraq, cần phải được hạ nhiệt.
IS giống như một quả tên lửa mà hệ thống điều khiển của nó là tư tưởng Hồi giáo Wahhabi (ở Saudi Arabia) chống người Shiite, trong khi hệ thống châm ngòi là sự quyết liệt của người Shiite (ở Iran) nhằm kiềm chế phe Sunni. Khi nào mà Riyadh và Tehran còn đối đầu, IS sẽ còn cơ hội để trỗi dậy. Đó cũng là lý do tại sao tiến trình hòa bình ở Trung Đông hiện nay chủ yếu xoay quanh mối quan hệ phức tạp Saudi Arabia – Iran.
Chúng ta không thể ngồi yên chờ đợi sự hòa giải giữa các phe nói trên. Mỹ không thể làm ngơ vì IS rất nguy hiểm và tàn ác. Để cho chúng phát triển ngày nào thì mối đe dọa sẽ càng lớn hơn. Báo Independent (Anh) mới đây cho biết, IS đã âm mưu bắt cóc một nhà khoa học người Bỉ để tiếp cận vào cơ sở nghiên cứu hạt nhân của nước này.
Thực sự Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian qua đã đưa ra rất nhiều biện pháp đúng đắn nhằm đối phó với IS như làm suy yếu và kiềm chế chúng, đồng thời hạn chế xung đột giữa người Sunni và Shiite. Dù vậy, tôi vẫn rất lo ngại về những kẻ khủng bố IS, bởi chúng đã hình thành một mạng lưới rộng lớn và sẵn sàng đi ngược lại mọi nguyên tắc xã hội văn minh. Chúng ta vẫn chưa có lời giải cho bài toán này.
Tác giả Thomas Friedman là cây bút bình luận quốc tế nổi tiếng của báo New York Times (Mỹ). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy như “Chiếc Lexus và cây olive”, “Thế giới phẳng”… Bài viết trên, đăng tải trên báo New York Times ngày 30/3, phản ánh quan điểm cũng như văn phong riêng của tác giả.