📞

Thử thách lớn trong quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ

08:05 | 28/07/2017
Căng thẳng ngoại giao giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc gặp của các quan chức cấp cao hai bên ngày 25/7 vừa qua tại Brussels, Bỉ. 

Các nhà phân tích nhận định những tranh cãi và bất đồng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến mối quan hệ hai bên sụp đổ.

Ngày 25/7, tại Brussels, các quan chức cấp cao của EU đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ lần này chưa thể làm giảm căng thẳng giữa 28 quốc gia thành viên EU và Ankara sau một loạt vụ bắt giữ các nhà báo và nhiều nhân vật đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng chưa hạ nhiệt 

Các cuộc thảo luận tại Brussels giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như khả năng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, vấn đề chống khủng bố, an ninh năng lượng và quan hệ thương mại giữa hai bên.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tại buổi họp báo tại Brussels ngày 25/7. (Nguồn: Reuters)

Trong cuộc họp báo tại Brussels, Ủy viên phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn bày tỏ "mối quan ngại to lớn" về các vụ bắt giữ diễn ra mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bảo vệ hành động của chính phủ nước này với lý do chống khủng bố và nhất là sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ "vẫn là ứng cử viên gia nhập EU" bất chấp những lo ngại sâu sắc về các vấn đề nhân quyền và nhà nước pháp quyền đang cản trở tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh của nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo với ông Cavusoglu và ông Celik diễn ra cùng ngày tại Brussels, bà Mogherini cảnh báo phía Thổ Nhĩ Kỳ cần có những bước đi cụ thể trước khi có thể đạt được bất cứ kết quả khả quan nào với EU. Bà Mogherini nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán "thẳng thắn và mang tính xây dựng" để giải quyết những bất đồng, tuy nhiên cũng khẳng định vào thời điểm này sẽ là khó khăn đối với khả năng mở ra các chương đàm phán mới.

Mâu thuẫn khó hàn gắn

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU trở nên căng thẳng và bị đẩy xuống mức khó có thể hàn gắn được khi Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít-tinh ở những nước này, nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào ngày 16/4 vừa qua. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích lãnh đạo Hà Lan và Đức đồng thời tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AP)

Trước những tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng ông Erdogan đã đi quá giới hạn và Ankara đang ngày càng xa cách với EU. 

Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang sa lầy vào cuộc leo thang căng thẳng chính trị với Đức sau vụ bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền diễn ra vào ngày 18/7, trong đó có một công dân Đức, vì những cáo buộc liên quan tới khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xin gia nhập EU từ lâu bởi Ankara muốn được hưởng những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, cũng như cả những phúc lợi xã hội từ phía EU. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị đóng băng.

Thêm vào đó, việc chính quyền Tổng thống Erdogan bắt giam và sa thải hàng chục nghìn binh lính, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, nhà báo... sau khi chặn được âm mưu đảo chính hồi tháng 7-2016 bị EU coi là vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc của luật pháp.

Tuy nhiên, chính quyền Ankara lại cho rằng chính EU lại đang bao che cho các phần tử đảo chính và dung túng cho các tay súng người Kurd mà theo như Thổ Nhĩ Kỳ, là những kẻ nằm ngoài vòng pháp luật.

Dù hiện tại, EU đang rất cần sự hợp tác của chính quyền Ankara trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, nhưng EU lại không vì thế từ bỏ các nguyên tắc của mình. 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo dừng thực thi thoả thuận với EU về hạn chế dòng người di cư có thể là "con bài cuối cùng" trong cuộc tranh cãi với EU. Động thái này sẽ thúc đẩy dòng người di cư tìm đường đến châu Âu. Chính EU đã từng chịu hậu quả nặng nề bởi những bước tính sai lầm trong việc giải quyết dòng người di cư.

EU cũng hiểu rõ sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực Biển Đen và vùng Balkan vào bất ổn. Hơn thế nữa, nếu để mất mối quan hệ với quốc gia có vị trí chiến lược này, phương Tây sẽ mất một chỗ đứng quan trọng tại Trung Đông, nơi Nga đang tích cực gia tăng ảnh hưởng.

Các nhà phân tích cho rằng cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước những thử thách lớn và đây sẽ là thời điểm hai bên phải quyết định mối quan hệ trong tương lai.

(theo AP)