📞

Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Thuận đối nội, lợi đối ngoại

Hải Yến 09:43 | 27/09/2019
TGVN. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được cho là bước đi “một mũi tên trúng hai đích”, khi vừa giải quyết vấn đề thương mại song phương vừa tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Kashmir.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sự kiện “Xin chào, Modi!”. (Nguồn: EPA)

Ngày 22/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu thăm chính thức Mỹ trong một tuần và tham dự khóa họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York. Trong bối cảnh nhà lãnh đạo 69 tuổi đang phải chịu nhiều áp lực cả trong nước lẫn quốc tế về nhân quyền, tranh cãi thương mại với Mỹ và vấn đề Kashmir, chuyến thăm lần này hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương có lợi và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ về vấn đề Kashmir.

Trong ấm, ngoài êm

Điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Modi là thành phố Houston thuộc bang Texas, nơi có dân số và diện tích đứng thứ hai tại Mỹ, đồng thời là địa bàn trọng yếu với cả hai nhà lãnh đạo.

Chuẩn bị cho hành trình tái đắc cử năm 2020, Tổng thống Trump đã tổ chức tuần hành với quy mô 50.000 người để vận động tranh cử tại bang Texas. Nhằm thể hiện tình cảm dành cho đất nước sông Hằng, ông chủ Nhà Trắng đã mời vị khách đặc biệt đến từ New Delhi đến tham dự sự kiện đặc biệt “Xin chào, Modi!” tại Sân vận động NRG – quê hương của đội bóng Houston Texans nổi tiếng.

Đây là lần đầu tiên, chính khách quốc gia khác được mời tham dự chiến dịch tranh cử ngay trên đất Mỹ. Không chỉ vậy, vị Tổng thống quyền lực nhất thế giới đã không tiếc “lời hay ý đẹp” để ca ngợi sự tâm đầu ý hợp với Thủ tướng Modi. Ông đã gọi chính trị gia Nam Á là “người cha của Ấn Độ”, “một trong những người bạn lớn và trung thành của nước Mỹ”.

Đáp lại thịnh tình của Tổng thống Trump, Thủ tướng Ấn Độ cũng sử dụng nhiều mỹ từ khi phát biểu về quan hệ song phương nói chung và thân tình cá nhân nói riêng. Ca ngợi ông chủ Nhà Trắng là người bạn “ấm áp, thân thiện, dễ tiếp cận, tràn đầy năng lượng và dí dỏm”, Thủ tướng Modi thể hiện sự ngưỡng mộ trước “khả năng lãnh đạo” và “quyết tâm mạnh mẽ để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của cựu tỷ phú New York.

Quan trọng hơn, những lời “có cánh” mà hai “hảo bằng hữu” dành cho nhau không chỉ là nói suông. Tại sự kiện “Xin chào, Modi!”, ông Trump tuyên bố, Washington và New Delhi sẽ tổ chức cuộc tập trận ba lực lượng lần đầu tiên có tên Tiger Triumph vào tháng 11/2019, quy tụ cả ba binh chủng Lục quân, Hải quân và Không quân, đồng thời mở đường cho một loạt thỏa thuận hợp tác an ninh song phương.

Lợi ích song trùng

Giới phân tích cho rằng, cuộc tuần hành tại bang Texas là cơ hội ghi điểm ngoạn mục cho Tổng thống Trump trước thềm bầu cử và Thủ tướng Modi giữa những bất đồng trong nước và quốc tế.

Là bang có dân số đông thứ hai nước Mỹ với 300.000 cử tri Mỹ gốc Ấn, Texas là địa bàn quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cuộc tuần hành tại tiểu bang có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ khi đó là “nước cờ” của Tổng thống Trump nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri gốc Ấn tại Texas nói riêng và cộng đồng gồm 4 triệu người Mỹ gốc Ấn nói chung.

Tuy nhiên, nỗ lực của riêng Tổng thống Trump thôi là chưa đủ; sự hậu thuẫn của Thủ tướng Modi cũng không kém phần quan trọng. Đáp lại mong mỏi “làm vững mạnh thêm mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ” của nhà lãnh đạo Mỹ, ông Modi đã kêu gọi cử tri gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump, nhằm “phá dớp” 25% cử tri Texas ủng hộ đảng Cộng hòa tại bầu cử năm 2016.

Ngoài mặt “giúp người” là vậy, song Thủ tướng Modi cũng được coi là “lợi mình” trong bước đi này. Trên phương diện kinh tế, hành động trên sẽ giúp thuyết phục giới đầu tư Mỹ về khả năng vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc của Ấn Độ, từ đó hàn gắn tranh cãi thương mại hai nước. Trên phương diện chính trị - ngoại giao, sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ sẽ là “món quà” giúp cho nhà lãnh đạo Ấn Độ xóa nhòa chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau chính sách mạnh tay liên quan đến khu vực biên giới Kashmir.

Với việc cuộc đua giành chiếc ghế tại Nhà Trắng năm 2020 đang ngày càng nóng lên ở Mỹ và Thủ tướng Modi muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của Mỹ trong hồ sơ nhạy cảm, giới quan sát dự đoán hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đã ít nhiều “toại lòng” trước những cử chỉ “có đi có lại” của đối phương.

Sau Texas, Thủ tướng Modi đến New York dự kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Dự kiến ông sẽ có khoảng 20 cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo các nước, trong đó có Tổng thống Trump. Ấn Độ cũng chủ trì một sự kiện Liên hợp quốc kỷ niệm 150 năm ngày sinh Lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi (2/10/1869 - 2/10/2019) với sự tham gia của một số nguyên thủ và nhà lãnh đạo Chính phủ và Tổng Thư ký Liên hợp quốc.